Chắc chắn là nó có sự ảnh hưởng. Tuổi trẻ chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm để bảo vệ mình khỏi những thứ phản tri thức, phản giá trị mà đã gặp phải những thông tin như thế thì tất yếu sẽ bị ảnh hưởng, sẽ có tư tưởng lệch lạc và méo mó.
Bức ảnh chế 'sự nguy hiểm' của ngôi sao. Ảnh: Tùng Ken
Các thần tượng trong làng giải trí ngày càng “quyền lực” hơn, tác động nhiều hơn đến giới trẻ thông qua các kênh thông tin. Những hành vi, những cách ứng xử của các ngôi sao sẽ tác động trực tiếp đến giới trẻ qua các kênh thông tin.
- Showbiz Việt không hiếm trường hợp thích khoe cơ thể để nổi tiếng như: Ngọc Trinh, Ngọc Quyên, Thái Nhã Vân; hoặc phát ngôn “nổ” kiểu Lý Nhã Kỳ, thậm chí thêm một trường hợp thường xuyên có scandal giới tính và tình ái như Cao Thái Sơn. Với tư cách là 1 ông bố, 1 nhà tâm lý học, ông muốn cho con mình tiếp cận các thông tin về 1 số cá nhân trên?
Ở mỗi nhân vật mà bạn vừa nói, không phải không có những điểm tốt le lói. Nhưng các bậc phụ huynh, để phòng trừ hậu họa, không nên để con em mình tiếp xúc với những thông tin về họ sớm. Mặc dù họ vẫn còn những điểm sáng le lói về cái tốt, nhưng phần nhiều là những ảnh hưởng phản giáo dục đối với con trẻ. Tôi dám chắc như thế!
Đối với 1 đứa trẻ, chưa đủ “sức đề kháng”, chưa đủ bản lĩnh trước những cái xấu thì không nên để nó tiếp xúc với những hình ảnh, phát ngôn, scandal đó.
Các bậc cha mẹ cũng nên thường xuyên tham gia vào mạng xã hội cùng con cái để hiểu và biết chúng đang quan tâm tới cái gì và chọn lọc những thông tin để con cái mình thu nhận.
PGS. TS Trịnh Hòa Bình.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta kiểm soát hay cấm đoán. Bởi bất cứ sự cấm đoán theo kiểu lạnh lùng mà không đưa ra được sự giải thích, phân tích theo tư duy của con trẻ thì lại càng khiến nó tò mò và thôi thúc nó tìm hiểu.
- Nếu một trong số những nhân vật kia biết được lời khuyến cáo của tiến sĩ, họ sẽ phản ứng: Tại sao anh lại cấm đoán, tôi có làm điều gì xấu xa đâu…!
Đó là điều vô lý! “Bộ lọc” của tôi không ở mức độ bạo liệt, cuồng nộ đối với những hành động của họ. Tôi có quyền “lọc” khi tôi tiếp xúc với những thông tin đó.
Những gì tôi quan tâm, tôi cần giữ gìn và vun đắp! Việc ngăn cản những thông tin này đến với con tôi, đó là tùy vào tôi. Mọi người đều có quyền lựa chọn phông văn hóa của mình.
- Trào lưu bất chấp mọi thứ, mọi thủ đoạn để nổi tiếng phản ánh điều gì của xã hội - thưa ông?
Nó phản ánh sự rối loạn của giá trị sống. Nó dẫn đến hệ quả thiếu nhất quán trong mục tiêu sống: Nào là coi trọng đồng tiền, chụp giật cơ hội, triết lý sống nhanh… Đó đều là hệ lụy của sự rối loạn giá trị sống.
Lý Nhã Kỳ bị diện vào danh sách không nên để trẻ em tiếp cận thông tin sớm.
- Những ngôi sao trẻ ngày nay nổi tiếng 1 cách quá dễ dàng. Phải chăng vì thiếu sự chuẩn bị, thiếu đào tạo bài bản?
Trong xã hội hiện tại, không thiếu cơ hội dành cho những kẻ ăn may. Có người được trời phú cho cái này, cái kia, hoặc gặp 1 cơ hội bất ngờ nào đó và đột nhiên nổi tiếng.
Nhưng cũng đừng lấy sự ăn may đó, cộng thêm những “chiêu trò” để nâng mình lên thành những biểu tượng của xã hội và cứ trông chờ vào sự ăn may.
Để trở thành thần tượng hay để gặt hái được thành quả trong cuộc sống thì phải trải qua lao động nghiêm túc thì mới có thể bền vững. Nếu không có sự chuẩn bị, không có quá trình đào tạo, không có sự hướng thiện thì những gì họ đạt được chỉ như 1 áng mây thoảng qua, không thể lâu bền được.
- Ông đánh giá thế nào về một vài người trong giới giải trí sẵn sàng đạp đổ danh dự và nhân phẩm để được nổi tiếng?
Việc làm của nhóm này không chỉ thể hiện 1 sự vị kỷ chung chung, mà còn cho thấy họ chấp nhận rằng chỉ cần mình họ hiểu, mình họ thừa nhận những giá trị đó.
Vô hình chung, họ chấp nhận sự lệch lạc và tuyệt đối hóa mình trong mối quan hệ với những cá nhân khác trong xã hội. Đây là sự nhìn nhận rất méo mó.