Nghệ sỹ Mai Ngọc Căn từ chối một ống nứa thuốc phiện

Cẩm Giang |

(Soha.vn) - Dù hoàn cảnh có khó khăn nhưng chưa bao giờ ông đánh mất lòng tự trọng và hình ảnh đẹp của một người nghệ sĩ.

Tôi gặp nghệ sỹ Mai Ngọc Căn trong căn nhà 2 tầng rưỡi khang trang. Cũng như mọi lần, khi chưa kịp nhìn thấy người, tôi đã nghe thấy tiếng chào khách đon đả: "Tôi đây, tôi đây. Cứ để xe ở đó, vào nhà đi, quý hóa quá". Và cũng chưa kịp để tôi ấm chỗ, ông lại tất tả lấy cốc, lấy trà, nấu nước rồi mang ra một đĩa hạt điều để mời "khách quý".

Đây là lần thứ ba tôi gặp người nghệ sĩ già nhưng chưa bao giờ có cảm giác xa lạ, có lẽ vì từ bé tôi xem phim có ông đóng nhiều quá và cũng có lẽ ông thân thiện quá, gần gũi quá, chân chất quá.

Những câu chuyện của người nghệ sĩ ấy lúc nào cũng đầy hoài niệm. Ông thích nói về nghề, về tình cảm giữa người với người và về cái tôi của người nghệ sĩ.

Ông thường bảo, phim ảnh đối với ông là cái nghiệp. Vì là nghiệp nên dù nó có làm khổ ông như thế nào đi chăng nữa, ông vẫn thấy hạnh phúc.

"Sự quan tâm, đền đáp là không công bằng nhưng làm nghề này, có bạc bẽo anh cũng phải chấp nhận. Diễn viên sân khấu nói chung và diễn viên điện ảnh sau này nói riêng rất nghèo, trừ một vài trường hợp đếm trên đầu ngón tay.

Nhưng niềm hạnh phúc lớn lao của nghệ sĩ nói chung và tôi nói riêng chính là tình cảm của quần chúng. Tôi còn nhớ cách đây khá lâu, khi tôi lên xe ô tô để đến Uông Bí, có một người phụ nữ đã quay lại, đưa cho tôi củ sâm và bảo: 'Ông cầm lấy, đi đường cho đỡ mệt'. Mình cũng có tiền, cũng có thể mua được củ sâm nhưng không thể nào giá trị được như thế.

Có lần, tôi đi bộ ra đầu ngõ thì bị vợ chồng một anh đi xe đạp đâm phải. Đã thế, hai vợ chồng ấy còn nhảy xuống xe, chửi và có ý định hành hung tôi. Vừa lúc đó có hai, ba cậu thanh niên đi qua. Thấy tôi, họ hỏi: ‘Cái gì thế bố?’. Sau khi nghe tôi giải thích tình hình, họ lập tức quay qua hai vợ chồng kia, quát lớn: ‘Chúng mày đụng vào ông già, chúng mày chết. Cút’. Thế là nhà kia phải đi. Điều đó không phải là hạnh phúc thì là gì nữa? Nếu mình sống không tồi dưới con mắt của bà con sẽ khác chứ”.

Ông vừa nói chuyện, vừa nở nụ cười sung sướng!

Rồi ông lại tiếp lời: “Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nữa là sinh viên do tôi đào tạo ra rất trân trọng tôi. Thậm chí, bây giờ khi mình trở thành diễn viên cho các em, tôi vẫn luôn nhận được sự tôn trọng. Tôi nhớ ngày xưa, 12 giờ đêm có những gia đình vẫn mang vàng đến nhà tôi để mong con có được kết quả tốt, được đi nước ngoài.

Người mẹ có gương mặt khắc khổ ấy đã chìa 2 chỉ vàng trước mặt tôi và nói: ‘Tôi cố gắng lắm mới mua được hai chỉ”. Tôi lập tức trả lời: ‘Sao chị mua tôi rẻ thế, có hai chỉ thôi à? Bây giờ chị nghe rõ lời tôi nói, nếu chị không mang hai chỉ này cất đi, con chị không những không được đi nước ngoài mà còn không có trong danh sách nữa’.

Nghe tôi nói, người phụ nữ vẫn giọt ngắn, giọt dài: ‘Bác ơi, nếu bác không cầm thì làm sao cháu nó đi được ạ’. Tôi nói mãi, người phụ nữ ấy mới chịu cất vàng và ra về. Đến bây giờ, cậu học sinh năm xưa đã trưởng thành và trở thành một cái tên có tiếng. Gặp lại tôi, em không chỉ chào mà còn hối hả chạy đi rót nước cho thầy uống.

Nếu như ngày ấy, tôi có lòng tham thì có khi bây giờ nhìn thấy bóng tôi từ xa, người ta đã quay lưng. Nói thật, sở dĩ tôi thoát được những tình huống như thế là vì bản thân tôi luôn nghĩ, nếu tôi nhận tiền các em thì khi đứng trên bục giảng sẽ không thể dạy ai được”.

Khi được hỏi, giờ nghĩ lại chuyện từ chối tiền- vàng, ông có tiếc không, nghệ sỹ già đưa mắt về phía nhà bếp, nơi vợ đang đứng nấu ăn mà cười: “Có tiếc chứ, cái tiếc nằm ở kia kìa. Nhưng được cái bà ấy chẳng bao giờ trách móc, chỉ suýt xoa thôi. Nói thật ra, bản thân tôi bây giờ cũng có tiếc trong một vài trường hợp. Ngày ấy khi còn dạy ở trường, có người hỏi tôi có lấy mảnh đất ở phía sau khu Mai Dịch không, tôi lại lắc đầu. Lúc ấy chẳng ai nghĩ đất sẽ đắt như bây giờ. Có tiếc là tiếc như thế thôi chứ mọi việc khác, tôi chẳng có gì phải ân hận cả.

Khi vợ muốn sửa nhà, tôi cũng nói với vợ sống như này là được rồi, mình còn sướng hơn nhiều người lắm. Đừng chỉ ngước nhìn lên trời, hãy nhìn xuống đất nữa. Quan điểm sống của tôi là thế. Bản thân tôi cũng rất tự hào khi nói rằng 1,2 giờ sáng có người gõ cửa, tôi vẫn ra mở bình thường, không sợ hãi điều gì cả. Mình có gây thù chuốc oán, có lừa lọc ai bao giờ đâu mà phải sợ. Sống thế sướng hơn chứ”.

Ông nhớ như in, ngày xưa ông đi đóng phim, người miền núi quý lắm. Lúc ông về, họ cho ông cả một ống nứa thuốc phiện. Nếu lúc đó ông mang về, bán cũng sẽ được khối tiền, cuộc sống gia đình sẽ khá hơn nhưng ông không cho phép bản thân làm thế. Ông nói, đó là sự tự trọng của một người nghệ sĩ.

"Tôi ra đường, mọi người thấy tôi thường bảo: ‘Chào nghệ sĩ’, những lúc như thế tôi thường hỏi lại: ‘Có biết nghệ sĩ là gì không?’ rồi thấy vẻ mặt ngơ ngác của người ta, tôi lại tự trả lời: ‘Nghệ sĩ là đói, da vàng như nghệ nhưng người ta cho lại sĩ diện”. Nói vui thì thế nhưng thật ra đó là sự tự trọng.

Tôi đi với bà xã, gặp ai ngoài đường người ta cũng chào. Dù là đứa trẻ hay người lớn tuổi tôi đều đáp lại. Bà xã tôi vẫn thắc mắc: 'Ông như thế thì trả lời suốt ngày à?'. Tôi: 'Ừ, nếu mình không trả lời thì nếu gặp lần thứ hai người ta sẽ không thèm chào nữa'. Người nghệ sĩ phải bảo vệ hình ảnh của mình ngay từ trong những cái nhỏ như thế”, ông thẳng thắn chia sẻ.

Nghệ sỹ Mai Ngọc Căn quan niệm, lòng tự trọng của một nghệ sĩ rất thiêng liêng, thế nên dù khó cũng phải cố gắng giữ gìn, vì nếu đánh mất thì người nghệ sĩ sẽ không còn là mình nữa.

Nhưng cũng tùy trường hợp, anh nghệ sĩ dởm thì hỏng. Nếu một ngày, mình ngồi khật khừ vì đói ở một góc nào đó, có người đi qua mua cho mình cái bánh, mình phải cầm chứ. Nếu lúc đó còn bảo: ‘Không, tôi cảm ơn”, thì cái sĩ đó không được.

Tôi còn nhớ ngày xưa hàng xóm nhà tôi nghèo lắm, bữa ăn bữa nhịn. Nhưng để không ai biết, bữa nào nhịn, ông ấy ngậm cái tăm ra đứng ở cửa. Đó là sĩ một cách quá đáng, mà cái gì quá cũng không tốt".

Đang nói chuyện với tôi, chốc chốc ông lại nhìn về hướng nhà bếp, hỏi to: “Bà đang làm gì đấy?”, để rồi khi nghe tiếng đáp của vợ, ông mới yên tâm tiếp tục câu chuyện.

Cuộc sống của người nghệ sĩ 75 tuổi bây giờ là thế, ngoài những lúc bận rộn ở phim trường, phần lớn thời gian ông dành cho vợ, người bạn đời đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi suốt bao năm qua. Đối với ông, bà là người hiểu ông nhất và cũng nhờ có bà, ông mới yên tâm theo đuổi niềm đam mê.

Ông chia sẻ, là phụ nữ, bà cũng không tránh khỏi những lúc nghĩ ngợi, nhất là ngày còn trẻ ông lại thuộc diện điển trai. Vậy nhưng, chưa một lần bà tỏ ý nghi ngờ hay dằn vặt ông bởi những hồ nghi của bản thân.

Vợ tôi cũng có suy nghĩ, lo lắng và có ghen nhưng ở hoàn cảnh chúng tôi thì phải chịu. Bà ấy ở đoàn Múa, cứ 6 tháng, đoàn Ca múa đi diễn thì đoàn Kịch ở nhà tập. Đoàn Múa về thì đoàn Kịch lại đi 6 tháng. Cứ như thế, cộng tất cả các ngày gặp nhau trong một năm thì ước chừng được một tháng. Thời điểm ấy, nếu như anh ‘ấm ớ’ (có quan hệ ngoài luồng – PV) thì anh toi, phụ nữ và đàn ông lúc ấy ngồi chung một phòng thì phải mở tung hết cửa ra.

Nhưng có gì hay không cũng phụ thuộc vào tính cách của mỗi người. Riêng tôi từ ngày đi đóng phim, chưa bao giờ tôi có bất kỳ khoảnh khắc xao động nào. Có những cảnh nằm chung giường với bạn diễn khác giới nhưng tất cả đều tập trung vào vai diễn, cảm xúc hay những xao động không còn nữa, chỉ mong diễn cho thật tốt”.

Rồi ông hào hứng mở cho tôi xem một bộ phim ngắn của mình như để chứng minh lời vừa chia sẻ.

Và khi một già - một trẻ chúng tôi xem xong phim thì cũng là lúc tôi nói lời tạm biệt đôi vợ chồng người nghệ sĩ già.

Tiễn tôi ra tận cổng, ông níu tay tôi, cười hiền: "Cảm ơn nhà báo nhé, lúc nào rảnh lại ghé chơi".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại