Trên phim ảnh, tên tuổi NSND Trịnh Thịnh gắn liền với những vai diễn “nhà quê”, một anh nông dân “chính hiệu” toát lên từ ngoại hình đến tính cách. Nhưng ngoài đời, ít ai biết ngay từ thời trẻ ông đã là một con người rất tài hoa, phong độ, với nhiều tài lẻ, mà nhiều cô gái Hà thành mê mệt và muốn lấy làm chồng, hay các ông bố “chấm điểm” để tuyển chồng cho con gái.
Đi dọc tuyến phố Nguyễn An Ninh (Hà Nội), chúng tôi chứng kiến từng tốp tụm 5 bàn tán. Họ nói về sự ra đi đột ngột của NSND Trịnh Thịnh, người mà họ rất mực yêu quý cả trong phim ảnh lẫn đời thường. Bà bán bánh gio đầu phố nói như mếu khi nói về sự ra đi của “ông Khải chúa”. Bà nói, mọi người nơi đây đều gọi ông với cái tên như vậy. Nó xuất phát từ vai diễn hoạn quan Khê Trung Hầu của Trịnh Thịnh trong bộ phim Đêm hội Long Trì. Mọi người thích thú với cái giọng chảy dài, có chút điệu đà khi mỗi lần ông tâu bẩm Chúa Trịnh Sâm: Dạ thưa Khải chúa…!
Ai cũng bảo mới mấy hôm trước vẫn thấy ông xách làn ra chợ, có khi đi ăn sáng, lũ trẻ con vẫn chạy theo hò reo: “Khải chúa, ông Khải chúa kìa”, ông cũng tủm tỉm lẩm bẩm theo “Khải chúa, Khải chúa!”. Vậy mà…!
Lần theo những bậc thang nhỏ để lên gác 3, khu tập thể cũ ở phố Nguyễn An Ninh – nơi ông và gia đình đã gắn bó mấy nhiêu năm – mà lòng chúng tôi như nghẹn lại. Một không khí u uất xâm lấn bởi những gương mặt sầu buồn của bác trông xe trong sân khu tập thể, của cô bán hàng nước, đến những cháu nhỏ. Ai cũng cảm thấy hụt hẫng và mất mát trước sự ra đi của “ông Khải chúa”.
Những khoảng sáng hiếm hoi hắt chiếu xuống từng bậc thang, rồi bước chân như khựng lại trước căn phòng nhỏ của một cây đại thụ trong làng điện ảnh Việt. Cả gia đình mấy thế hệ của NSND Trịnh Thịnh đang ngồi bàn bạc để lo tang lễ của ông được chu toàn.
Mắt bà Khanh – vợ ông – thâm quầng và nhèo lệ vì khóc thương chồng. Bà nghẹn ngào: “Cả đời ông ấy khổ, bôn ba, truân chuyên bao nhiêu năm, vậy mà chưa hưởng hạnh phúc được bấy nhiêu thì đã…”. Những câu nói của bà ngắt quãng vì xen với những tiếng nấc, những giọt nước mắt…
Chia sẻ về người anh của mình, trong ánh mắt của ông Trịnh Thắng – em trai NSND Trịnh Thịnh – có nét gì tự hào, kiêu hãnh về phẩm chất, đạo đức của một người nghệ sĩ nhân dân của anh trai, đã được Nhà nước và người dân công nhận.
Ông chia sẻ: “Anh trai tôi chẳng được đào tạo qua trường lớp điện ảnh nào, anh là một diễn viên tay ngang, nhưng đã bén duyên với nghề và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Trong phim thấy anh lúc nào cũng có vẻ tất bật, ống thấp ống cao, như một anh nông dân chính hiệu, nhưng kỳ thực ngoài đời, nhất là hồi còn trẻ anh rất hào hoa, đẹp trai và “có tướng” nhất nhà. Thời đấy rất nhiều cô mê anh và có ông bố còn chấm trước cho con gái mình vì vẻ hào hoa nhưng bản chất lại rất hiền lành của anh”.
Ông Thắng cũng chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện đời thường về NSND Trịnh Thịnh mà ông chưa bao giờ công bố với công chúng. Ông kể, từ trước năm 1954, từ hồi Trịnh Thịnh còn làm thư ký trong Ngân hàng Đông Dương, ông đã nổi tiếng là một tay săn ảnh của đất Hà thành. Ông có năng khiếu đặc biệt với nghề nhiếp ảnh và đam mê chơi ảnh nghệ thuật, nhưng vì không có nhiều tiền nên không theo đuổi được thú chơi đó.
Trong số bạn bè của NSND Trịnh Thịnh hồi còn trẻ, theo trí nhớ của ông Thắng thì anh ông luôn là người nổi trội nhất về phong thái và ngoại hình. Trịnh Thịnh đã nhiều lần thoát được những đợt “bắt lính” của thực dân Pháp vì tưởng ông là người Trung Quốc, chúng sợ vi phạm Hiệp ước Pháp-Trung.
“Hào hoa, phong độ là vậy, nhưng cũng có những khoảng thời gian, anh Trịnh Thịnh phải bôn ba trong cuộc sống, kiếm và dành dụm từng đồng lẻ để nuôi sống một gia đình gần chục miệng ăn. Đó là thời bố tôi mới mất, gia đình mất chỗ dựa, cả nhà trông chờ vào xe nước mía rong của hai vợ chồng anh Thịnh. Hồi đó, tôi còn bé lắm, chỉ chừng 5 tuổi, nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh, tôi lẽo đẽo theo anh đẩy xe nước mía đi bán dạo vòng khắp Bờ Hồ, rồi “cắm trại” ở gần cửa hàng của hãng nước mắm Long Vân thời đó. Có lần, anh Thịnh còn câu cá trộm ở hồ để lấy cái ăn và bị công an bắt, bị đưa lên đồn, tôi chỉ biết đứng khóc thút thít và không biết làm gì với đống mía còn lại” – ông Thắng xúc động nhớ lại.
Nói về anh trai mình, ông Thắng chỉ có hai từ: Hiền lành. Vì ông quá hiền lành, nên ông chủ tiệm Phú Gia nức tiếng giàu có thời bấy giờ ngày nào cũng cho xe đến chở Trịnh Thịnh đi khắp Hà Nội với mong muốn Trịnh Thịnh sẽ đồng ý làm con rể ông. Nhưng Trịnh Thịnh sống rất chừng mực, không ham giàu sang và ông đã từ chối và sống yêu thương vợ con đến tận cuối đời.
(còn tiếp)