Những "tội danh đáng ngán" của poster phim Việt 2012

Theo Kênh 14 |

Kể từ khi điện ảnh Việt bắt đầu phát triển, đã có rất nhiều "thảm họa" về kịch bản, diễn xuất, dựng phim... bị phê phán. Tới năm 2012 này, một sản phẩm điện ảnh khác là poster phim gia nhập hội "bị khán giả dìm hàng".

Không hẹn mà gặp, nhiều phim điện ảnh Việt trình làng trong năm 2012 đều bị soi poster và "ăn gạch" từ khán giả. Poster phim Việt được mang lên "thớt" và bị "chặt chém" với vô số lý do. Những "tội danh" đó là gì?

Tội "đạo chích"

 

Nghi án đạo nhái của poster Cưới ngay kẻo lỡ ồn ào nhất khi bị đem so sánh với hàng loạt poster phim ngoại. Bên cạnh đó, teaser poster của Scandal cũng không tránh khỏi mang tiếng là đồ "chôm chỉa". Nhưng sau khi “điều tra”, có thể thấy đây là xu hướng chung nên khó tránh việc học hỏi, sáng tạo thêm. Rõ ràng nếu nói đạo nhái thì chính các poster phim ngoại cũng mắc phải “tội” này.

 

Tội "phủ màu u ám"

Nếu nói Thiên mệnh anh hùng lấy chuyện ân oán báo thù làm nền nên poster u ám thì không sai, nhưng cũng không hẳn đúng. Vì rõ ràng phim có màu sắc tươi sáng xuyên suốt, cảnh thiên nhiên trời xanh, mây trắng rải đầy và chính nội dung phim cũng lấy tình yêu làm điểm sáng, xóa nhòa thù hận. Việc dùng màu sepia tuy khiến poster có vẻ cổ, nhưng tác dụng phụ là phần nào bị quá đơn điệu.

 

Poster phim “nặng đầu” Lấy chồng người taScandal cũng bị xếp chung nhóm này. Có thể thấy ý đồ của những poster u ám này phần nào phản ánh tính chất phim, nhưng vì chưa “chín” nên trong mắt khán giả khó tính thì lại hóa u ám, đơn điệu.

 

Tội "màu mè, tạp nham"

Hello cô BaNàng men chàng bóng là hai phim có poster bị xếp vào nhóm “làm quá”. Cả hai đều dùng phương pháp thủ công là cắt hình nhân vật quẳng vào phông nền màu sắc tươi sáng. Tuy nhiên cách đơn giản này rất dễ thành “lạc quẻ” – hình ảnh không ăn nhập với nhau.

 

Tuy nhiên, phim có poster rơi vào nhóm này đều thuộc dòng hài bình dân nên có lẽ nhà sản xuất hướng đến sự đơn giản, bắt mắt hơn là nội dung nghệ thuật, thẩm mỹ.

 

Tội "dìm hàng sao"

Ngôi nhà trong hẻm với poster hiệu chỉnh độ nét quá đà khiến da mặt hai diễn viên chính trên poster cực xấu. Hay Vân Trang và Maya trên poster Scandal cũng không khá hơn vì ánh sáng không đều khiến gương mặt hai người đẹp trở nên kỳ dị.

 

Nhóm dìm hàng đa phần thuộc dòng phim kỳ bí, kịch tính nên poster phụ thuộc vào ánh sáng: ánh sáng kém vốn đã khiến nhan sắc diễn viên giảm sút, lại thêm sự cân chỉnh độ nét không khéo thì càng tệ.

 

Tội "nhồi nhét quá đà"

Poster Mỹ nhân kế vừa trình làng gần đây là một tiêu biểu cho nhóm này. Dù có tiến bộ so với teaser poster từng "ăn gạch" vì quá... tạp nham, nhưng sản phẩm chính thức ngoài bố cục khá khẩm hơn thì vẫn còn nhồi nhét quá nhiều, hình ảnh chồng chéo nhau, đặc biệt là phần cuối poster.

 

Tạm kết

Dĩ nhiên với bất cứ một sản phẩm phục vụ công chúng nào, khen hay chê cũng đều có đủ. Không phải poster nào bị chê thì cũng xấu xí, đôi khi chúng được làm như thế để phù hợp với tác phẩm. Dù vậy, poster phim Việt vẫn thiếu một điều quan trọng và rất cần học hỏi từ các nhà làm phim quốc tế, đặc biệt là điện ảnh Mỹ: tính mỹ thuật của tấm poster phim. Đây chính là bộ mặt của tác phẩm, là một trong những yếu tố tiên quyết thuyết phục khán giả bỏ tiền vào rạp xem phim.

Trong năm qua, bên cạnh hàng loạt poster của các "ông lớn" bị khán giả "chặt chém", thì poster của một phim độc lập như Dành cho tháng Sáu lại vô tình trở thành sản phẩm được yêu thích nhất. Poster đơn giản, trẻ trung, bố cục hợp lý làm tôn lên ba gương mặt chính, tên của bộ phim cũng như phản ánh đúng nội dung, ý nghĩa tác phẩm: học trò, bóng rổ, nhiếp ảnh - những điểm sáng xuyên suốt phim.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại