Bài 1: Bí mật chưa từng biết về đời tư của Hoài Lâm
Bài 2: Chuyện kỳ lạ về những cái tên trong dòng họ của Hoài Lâm
Cuộc sống khó khăn của gia đình Hoài Lâm khi đoàn hát tan rã
Nói về lý do tại sao gia đình Hoài Lâm không tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật, ông Lê Văn Tỏ bộc bạch: “Phong trào cải lương ngày ấy sớm nở nhưng cũng chóng tàn. Sau này người ta thường xem hát trên tivi nên đoàn hát của anh Tư Tần cũng từ đó mà tan rã, anh ấy bán ghe lên bờ tìm kế khác sinh nhai”.
Nói đến đây, mắt ông Tỏ đượm buồn và chúng tôi cũng vậy, một truyền thống gia đình đậm chất cải lương Nam Bộ lại phải chịu mai một bởi cuộc sống mưu sinh. Đoàn hát tan rã, ông Tư lại trở về với miếng ruộng, luống khoai, một cuộc sống của người nông dân miền Tây đúng nghĩa.
Anh 6 Mỡ (cha Hoài Lâm) đi hát được một thời gian rồi lấy vợ sống tại quê nhà (phía trước nhà ông Tư). Nhưng vì bản chất cải lương của anh vẫn còn thấm trong máu nên anh không thể lao động chân tay hay buôn bán như những người anh của mình. Anh cùng vợ mở một tiệm tạp hóa nhỏ theo kiểu “quán cóc” miền Tây.
Tuy nhiên, do đời sống kinh tế thời ấy rất khó khăn, buôn bán ế ẩm nên việc làm ăn của gia đình chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Nếu nói như vậy thì Hoài Lâm ra đời trong lúc gia đình đang khó khăn, cùng túng, truyền thống gia đình đang ngày một lụi tàn.
Nhất quyết không bỏ cải lương, Mỡ đứng ra lập đoàn hội chợ đi khắp nơi kiếm sống. Dù không được hát trên những sân khấu lớn đúng với tài năng của mình nhưng ít ra anh Mỡ vẫn còn được theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật.
Có thể công chúng sẽ không đón nhận một tài năng như anh trên sân khấu “hội chợ” nhưng tất cả mọi người không thể ngờ rằng, chính sân khấu nhỏ bé này đã ươm mầm cho một ngôi sao trữ tình Hoài Lâm sau này, trên các sân khấu chuyên nghiệp cả nước.
Như trên đã nói, ông Tư rất đông con nên phần lớn các người con trai của ông đều lập gia đình và sống nhờ bên vợ. Sau anh Mỡ (về quê vợ ở Tam Bình), rồi anh 3 Men cũng đưa vợ con của mình về ngoại sinh sống (ở xã Qưới Thiện – huyện Vũng Liêm, cùng một cù lao với xã Thanh Bình).
Nhờ có vườn rộng nên gia đình anh cũng tiến hành cải tạo và mang lại thu nhập khá, tạm gọi là đủ ăn đủ mặc. Anh 7 Mang thì khó khăn hơn, hiện tại anh đang đi buôn trên chiếc ghe nay đây mai đó. Anh út Tuấn thì ở lại nhà quán xuyến chuyện gia đình, mồ mả tổ tiên. Các cô của Hoài Lâm đều lập gia đình và sinh sống nơi khác.
Duy chỉ có anh 4 Mén (Chí Mén) là khá nhất, có lẽ vì tài ăn nói hài hước của anh mà mọi chuyện làm ăn đều thuận lợi. Hiện tại anh Mén đi mua lác đem bỏ mối ở Lấp Vò (Đồng Tháp) hoặc Bến Lức ( Long An)… Tất cả các con của ông Tư đều đã lập gia đình và có cuộc sống riêng nhưng mỗi khi đám giỗ bà Tư là họ lại tụ hội về và đờn ca thâu đêm suốt sáng.
Hoài Lâm – tia sáng hiếm hoi của thế hệ thứ 3 gốc “nhà nòi”
Các cháu của ông Tư giờ đã lớn, có người đã lập gia đình và họ đã có cuộc sống riêng. Dù vậy nhưng ngọn lửa truyền thống “con nhà nòi” trong họ vẫn âm ỉ cháy bất chấp sự tàn phá của gió mưa.
Có lẽ đúng với quan niệm của Triết học, vật chất có thể mất nhưng tâm hồn con người thì luôn tồn tại. Niềm đam mê ca hát của họ sẽ lan tỏa khắp nơi mỗi khi có dịp. Trong số các anh em của Hoài Lâm, có cháu Nguyễn Thanh Tú (17 tuổi, con anh 9 Tuấn) là có cơ hội để thi thố tài năng ca hát – nghề truyền thống của gia đình.
Thanh Tú hát rất hay, là một “cây văn nghệ” của trường Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm). Mỗi khi trường tổ chức văn nghệ là Tú sẽ lên sân khấu của trường để cất cao giọng hát của mình nhưng ít ai biết được rằng Tú chính là em chú bác của Hoài Lâm.
Ngoài ra, các anh em còn lại của Hoài Lâm không còn ai đi theo nghề hát đúng nghĩa. Tất cả chỉ còn lại là niềm đam mê mà không thể và cũng không có điều kiện để phát huy truyền thống “con nhà nòi” của gia đình. Dù giờ đây ông Tư không còn minh mẫn để theo dõi thị trường âm nhạc đang biến động như vũ bão của nước nhà nhưng ông Tư sẽ rất hài lòng vì trong thế hệ thứ ba vẫn còn đó cháu nội Hoài Lâm đang tiếp bước trên con đường mà ông đi dang dở.
Nói về tài năng ca hát của Hoài Lâm, ông Tỏ vẫn giọng miền Tây đặc sệt: “Tôi chỉ nghe nói chứ không biết thằng Hoài Lâm đi thi, nhưng khi nghe nó hát Thương về miền Trung trên truyền hình tôi lại mường tượng đến thằng Mỡ - cha của nó”.
Nhận xét mộc mạc của ông Tỏ giúp chúng ta thấy được rằng, Hoài Lâm đang được dòng họ phả hơi nóng cải lương vào trong máu.
Nhưng có lẽ, cải lương không thu hút được nhiều đối tượng công chúng đón nhận nên bố nuôi Hoài Linh đã hướng con trai của mình vào dòng nhạc dân ca, quê hương, trữ tình.
Trong chương trình Gương mặt thân quen (phát sóng trên VTV3) Hoài Linh xúc động nói: “Tôi nhìn thấy sự thích thú nhạc trẻ ở Hoài Lâm nhưng tôi vẫn cứ ép con trai mình theo dòng nhạc quê hương và cho đến hôm nay, tôi nhận ra việc làm của mình là hoàn toàn đúng”.
Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ thấy được rằng, Hoài Lâm sinh ra để hát nhạc quê hương, Lâm đã thổi một luồn gió mới nặng mùi sông nước miền Tây vào thị trường nhạc Việt trên khắp các sân khấu chuyên nghiệp nước nhà.
Bước ra khỏi nhà ông Tư khi trời đang về chiều ngả bóng mà trong lòng chúng tôi như trăm mối ngổn ngang. Vui, vì những điều thật bất ngờ và thú vị về dòng họ của chàng ca sĩ trẻ nổi tiếng hát nhạc trữ tình; tiếc, vì không gặp được anh 9 Tuấn (chú út Hoài Lâm) do anh bận chuyện gia đình, con cái.
Không quên hẹn gặp lại ông Tư trong ngày gia đình họp mặt (ngày giỗ bà nội của Hoài Lâm), để tiếp tục được nghe những câu chuyện hấp dẫn về một gia đình cải lương truyền thống, hay những câu chuyện về chàng ca sĩ Hoài Lâm – niềm tự hào to lớn của gia đình và của cả làng quê xứ đảo.
Hoài Lâm hóa thân thành nghệ nhân Hà Thị Cầu trong chương trình Gương mặt thân quen
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA