Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn không chỉ là một nhạc sỹ tài năng mà còn là một người thầy dạy nhạc mẫu mực tại trường Đại học Khoa học Huế. Vốn rất "nghệ sĩ" nhưng khi đứng trên bục giảng thầy Trịnh lại vô cùng nghiêm túc và đúng giờ. Tuy nhiên, thầy Trịnh vẫn được rất nhiều thế hệ học trò yêu mến và kính phục.
Trịnh Công Sơn đã khuất bóng được tròn 1 thập kỷ nhưng những hình ảnh về “thầy Trịnh” vẫn còn đọng mãi trong ký ức những người từng được nghe thầy giảng dù chỉ một buổi. Cũng như những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn còn sống mãi trong lòng người yêu nhạc.
Ca sĩ Trọng Tấn
Đoạt giải Nhất Giọng hát hay Hà Nội năm 1997 sau đó là giải nhất Giọng hát hay Truyền hình Toàn quốc (Sao Mai) 1999, ca sĩ Trọng Tấn vẫn kiên định theo đuổi dòng nhạc cách mạng “khó nhằn”. Hơn 10 năm ca hát, Trọng Tấn đã tạo dựng cho mình một thương hiệu riêng biệt. Tuy nhiên, năm 2003, anh bất ngờ “rẽ ngang” sang làm giảng viên khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Nam ca sĩ tâm sự: “Làm thầy khó khăn và vất vả hơn đi hát” nhưng “dạy học và làm ca sĩ đều liên quan đến âm nhạc, đến ca hát, là niềm đam mê của mình”. Với Trọng Tấn, nghề dạy không tính bằng đồng lương mà bằng chính cái tâm hy sinh cho thế hệ sau.
Ca sĩ Ngọc Anh
Có mẹ là giáo viên chủ nhiệm khi còn là học sinh tiểu học nên với Ngọc Anh, nghề giáo đã ăn sâu vào tâm trí. Cô tâm sự: "Tôi luôn trân trọng sự thiêng liêng và cao quý của công việc này, coi trọng việc học hành và các thầy cô giáo".
Hiện tại, Ngọc Anh cũng kế tục nghề nghiệp của mẹ khi trở thanh một giáo viên thanh nhạc. Học trò thành công nhất của cô chính là Sao Mai Hà Hoài Thu - một cô gái tài sắc.
Ca sĩ Hồ Trung Dũng
Trước khi trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, Hồ Trung Dũng đã từng có 5 năm làm giảng viên khoa Ngữ văn Đức, Đại học khoa học xã hội nhân văn TP. Hồ Chí Minh.
Khi quyết định đi theo con đường ca hát, nam ca sĩ “Hoài niệm” xin nghỉ dạy tại trường, nhưng vẫn “nhớ nghề” nên lại giảng dạy với vai trò thỉnh giảng khi thời gian cho phép.
Trên tất cả, anh luôn cảm thấy vinh dự vì mình từng là một người thầy, tự hào vì mình đã cống hiến tất cả những gì mình có thể và hạnh phúc khi thấy các sinh viên vẫn không quên mình.
Diễn viên Đức Hải
Không chỉ là gương mặt quen thuộc có nhiều cống hiến với làng điện ảnh Việt, Đức Hải còn đang là giảng viên, trưởng khoa Đạo diễn sân khấu điện ảnh, Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP. Hồ Chí Minh.
Miệt mài với nghề diễn, tận tâm với nghiệp dạy là những gì người ta vẫn thường nói về anh. “Trong công tác giảng dạy, tôi hơi nghiêm khắc nhưng rất tận tâm, “rút ruột” mình ra truyền đạt lại cho học trò những kinh nghiệm mà mình đã được học và tích lũy. ” hay “Chính tình yêu dành cho học trò đã cho tôi sức mạnh gắn bó với nghề giáo. Ngược lại, môi trường giảng dạy giúp cho tôi nhiều niềm vui và ngày càng hoàn thiện hơn tư cách người nghệ sĩ”, Đức Hải tâm sự với tư cách một người thầy.
Siêu mẫu Tiến Đoàn
Nam Vương Tiến Đoàn là cái tên khá nổi trong làng thời trang Việt với những danh hiệu mà không ít các nam người mẫu mơ ước, nhưng đằng sau ánh hào quang sân khấu anh vẫn đều đặn lên bục giảng.
Hiện Tiến Đoàn đang là giảng viên bộ môn kỹ thuật cơ khí, khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ. Dù xuất hiện nóng bỏng trên sàn catwalk và các shoot hình thời trang nhưng khi đứng trước sinh viên của mình, Tiến Đoàn không khác các thầy cô giáo khác trong trường, nghiêm túc và chuẩn mực.
Nữ hoàng dance sport Khánh Thi
Khánh Thi được biết đến với danh hiệu "Nữ hoàng dance sport". Cô đã giảng dạy bộ môn này được hơn 10 năm. Khác với những người thầy dạy văn hóa, đối tượng học trò của Khánh Thi rất đặc biệt, có cô chú đã đến tuổi năm mươi, nhưng cũng có bé mới ba bốn tuổi.
Với những em vận động viên chuyên nghiệp, Khánh Thi không chỉ là thầy, mà đôi khi còn là người mẹ, chăm sóc họ từng đường đi nước bước.
Tuy vất vả nhưng Khánh Thi chia sẻ "nghề giáo vẫn đem lại những niềm vui không thể thay thế được".
MC Lê Anh
Mọi người vốn quen với hình ảnh một MC Lê Anh với chất giọng trầm ấm và rất có duyên trên truyền hình mà ít ai biết rằng anh chàng MC này cũng là một giáo viên được rất nhiều sinh viên yêu mến.
Song song với việc hoạt động nghệ thuật, Lê Anh đã hoàn thành xong học vị thạc sĩ du lịch tại trường ĐH KHXHNV Hà Nội và chính thức là giảng viên bộ môn Bộ môn Kinh tế và Nghiệp vụ du lịch, Khoa Du lịch học, trường Khoa học xã hộ và nhân văn, ĐH Quốc Gia, Hà Nội từ năm 2001.
Lê Anh chia sẻ về nghề giáo: “Giảng viên là một nghề âm thầm và không dễ tỏa sáng như nghề MC. Hiện tôi đang có nhiều cơ hội với công việc dẫn chương trình và làm truyền hình. Khi nào thấy tạm đủ với những công việc này, có thể khán giả sẽ không thấy tôi xuất hiện trong vài năm vì tôi vẫn muốn tiếp tục học tiến sĩ ở nước ngoài, tiếp tục công việc giảng viên đầy khó khăn và cũng đầy vinh quang”.