Những kẻ lắm lời và chuyện vỗ béo "con quỷ hờn ghen"

Siêu mẫu Hà Anh |

Mỗi khi có một sự kiện gì đó đang "nóng", người ta thường hỏi tôi, tôi cảm thấy thế nào.

Họ nói rằng tôi có một tiếng nói, một "ngòi bút" có sức ảnh hưởng. Nhưng tôi không lấy đó để "phỉnh phờ" bản thân mình về sự quan trọng của tiếng nói chính mình.

Chính vì vậy, ngay cả với bài viết này, tôi sẽ chỉ nói ra chính xác những gì suy nghĩ, không công kích cá nhân ai. Bởi, rút cuộc, sự xúc phạm cá nhân, đối với tôi, thể hiện sự thiếu văn hoá.

Ngày bé ông bà tôi vẫn dậy tôi rằng, tuyệt đối không bao giờ chỉ ra khiếm khuyết của người khuyết tật để chê bai, hay chỉ ra nhược điểm của người khác để chê cười ngạo nghễ. Phải có lòng cảm thông, và bao dung đối với những con người sống quanh mình.


3 người dẫn chương trình Những kẻ lắm lời.

3 người dẫn chương trình "Những kẻ lắm lời".

Đó là lý do vì sao tôi cho rằng, những "chat show" của những người ngồi tán phét vô thưởng vô phạt về ai mặc gì xấu, ai yêu ai, ai bỏ ai… không thể được coi là một chương trình văn hoá.

Bởi đó không phải là văn hoá, nếu có, là văn hoá chế nhạo, văn hoá chê cười, văn hoá làm tiền, trên những sai sót của người khác.

Nó không mang lại bất kỳ giá trị tích cực nào cho cuộc sống hiện đại, ngoài việc giúp một số thành phần "ăn không ngồi rồi" cảm thấy được giải trí, cảm thấy mình có vẻ tốt đẹp hơn, khi có thể cười nhạo người khác.

Đó là những điều tôi nghĩ về những chat show có những nội dung vô thưởng vô phạt. Bất kể nó được thực hiện và trình chiếu ở Mỹ, Anh, Pháp hay ở đâu đi chăng nữa.

Nó đã có mặt ở Việt Nam! Quả thực, người ta vẫn nói, học nói lời hay tiếng đẹp thì khó, chứ học vài câu chửi thề bao giờ cũng dễ và gây thích thú hơn.

Việt Nam chúng ta vốn thông minh, học nhanh và đặc biệt bắt chước cũng nhanh. Đặc biệt là những gì bề nổi thậm chí tiêu cực.

Vâng, những cái đó thì học rất nhanh, trình độ chẳng kém gì các nước đã phát triển.

Trong khi học cơ bản để tập sáng tạo, đổi mới, để tạo ra sản phẩm nghệ thuật thì chẳng có mấy người, chưa nói gì mang những thứ văn minh, mới mẻ, có chất lượng và tích cực để đào tạo, xây dựng nền tảng thì lại càng hiếm hơn.

Người ta nói, những show ngồi nói lăng nhăng là cá tính, thể hiện tự do về ngôn luận, rồi nói thẳng, rồi trung thực với những gì suy nghĩ?

Talk show có nhiều thể loại, nhiều nội dung khác nhau, ví dụ như những talk show nổi tiếng thế giới như của Oprah ở Mỹ, được đánh giá có tầm ảnh hưởng lớn, khi mang lại niềm cảm hứng sống, kiến thức, sức mạnh cho hàng trăm triệu phụ nữ trên thế giới, hay "The Ellen Show" mang lại những trò chuyện thú vị với các ngôi sao giải trí, giúp họ giới thiệu những ca khúc, bộ phim mới đối với khán giả, hay Graham Norton của Anh, cũng có nội dung tương tự, nhưng rất hỏm hỉnh, đôi khi chọc cười và trêu chính nhân vật đang được phỏng vấn mang lại những tiếng cười của khán giả, cười với người đang được phỏng vấn chứ không phải cười vào người ta một cách chế nhạo.

Vâng, tiếng cười nó cũng có nhiều cung bậc, nhiều ý nghĩa khác nhau.

Ngoài những show như kể trên mà bất kể các ngôi sao hạng A nào cũng rất vinh dự khi được tham gia thì còn có những show truyền hình mà người phương tây gọi là "Trash TV"- "TV rác rưởi" đó là những chương trình talkshow khán giả khách mời tố cáo nhau vì ngoại tình, không nhận con, có khi đánh nhau trên sân khấu, những chương trình ngồi bình luận các ngôi sao nào mặc xấu, yêu ai, bỏ ai, lên bao cân, làm gì ở chốn công cộng.


Siêu mẫu Hà Anh.

Siêu mẫu Hà Anh.

Những chương trình này được tạo ra dành riêng, và cũng chiếu ở những giờ dành riêng, cho những đối tượng thất nghiệp, ở nhà, không có việc gì làm.

Những người này không đi làm việc, thường là thuộc working class, ăn trợ cấp của chính phủ, mập ú, không có sự nghiệp, cũng như gia đình hạnh phúc.

Họ có ý muốn giải trí bằng việc tọc mạch vào cuộc sống người khác, chế nhạo người khác, hạ thấp người khác, để thấy rằng họ cũng không đơn độc, hoặc giả họ cũng không đến nỗi nào!

Đấy ngôi sao còn có bộ mặt nhăn nheo, mụn nổi đầy, thì họ, chẳng qua xấu là không được phù phép bởi ma thuật mỹ phẩm mà thôi.

Tôi xin nói tiếp về những show truyền hình tám chuyện. Đối với tôi, kể cả những show tương tự ở nước ngoài tôi cũng không xem bởi nó nhảm, nó không có bất cứ giá trị nào, và đặc biệt còn giúp truyền đi những hình ảnh xấu, những năng lượng tiêu cực đến người xem.

Nó làm người xem thay vì cố gắng nhìn ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống, giờ săm soi bới móc những thứ tiêu cực nhằm mục đích vỗ béo cho con quỷ hờn ghen mà trong chúng ta ai cũng có.

Về show truyền hình này ở Việt Nam, tôi chỉ nhận xét ngắn gọn thế này. Vì mục đích đưa ra suy nghĩ của mình, tôi cũng mở ra để xem một số tập để mình có một nhận xét công minh hơn.

Thú thật cả 3 nhân vật chủ xịch của nó thì cả 3 người tôi đều quen biết, người thì tôi quý mến, người thì tôi có cảm tình. Vì vậy tôi rất lấy làm tiếc khi viết ra những điều này nhưng đây là suy nghĩ của tôi về chương trình.

Tôi nghĩ họ đã chọn nhầm chương trình để thể hiện quan điểm và chuyên môn của mình. Tôi hy vọng rằng với sự hoạt ngôn, trẻ trung của họ, họ có thể làm nhiều thứ hơn để giúp xây dựng văn hoá, định hướng văn hoá, giải trí cho những người trẻ.

Thay vào đó, những ngôn ngữ như "hèn, đái dầm, nhìn cái mặt hết muốn chấm điểm….". Tôi nghĩ rằng đây chính là sự đi xuống của văn hoá và ngôn ngữ, nhân danh "cá tính" và "nói thẳng, nói thật".

Tôi nghĩ với những người như họ, được ăn học, nuôi dậy đàng hoàng, có nghề nghiệp chuyên môn chứ không phải không, việc uốn lưỡi để chọn ra những từ ngữ, dù là để chỉ trích, cũng thừa sức có thể văn hoá hơn.

Tại sao lại chọn con đường này?

Phải chăng hiện đại, thẳng thắn, dám nói ra những gì mình nghĩ lại là những lỗ mãng, cẩu thả, kém duyên?

Tôi còn có nhiều câu hỏi nữa trong đầu mà chính tôi không thể giải đáp được.

Nhưng tôi hỏi chồng chưa cưới của tôi, người sinh ra, lớn lên và giáo dục ở Anh. Anh có 2 bằng thạc sỹ, một bằng về lịch sử, một bằng về giảng dạy.

Hiện anh đang làm giáo viên cho học sinh tiểu học ở một trường quốc tế dạy theo hệ giáo dục của Anh Quốc.

Tôi hỏi anh, để biết được một người "Tây" sẽ nghĩ thế nào, thay vì tôi là người Việt Nam, có thể có sự cổ hủ, hẹp hòi, hay thiếu tân tiến, thì nguyên văn anh nói như sau:

"Đây là những show nhảm nhí. Chúng thường được chiếu ban ngày, dành cho những người thất nghiệp xem.

Những người bình luận thường là nhà báo ở đâu đó, stylist, hay những E list Celebrity. Những người cuối cùng đã có cơ hội để nói ra "tiếng nói" của chính mình và gây sự chú ý.

Nhưng điều dễ dàng nhất, là nói ra ý nghĩ chủ quan của chính mình.

Quan điểm riêng thì mang tính tương đối. Ai cũng có quan điểm cả. Chẳng có ý kiến chủ quan nào là thực sự đúng hay sai bởi nó chỉ mang tính cá nhân.

Và lại một điều dễ dàng nhất, đó là cười nhạo người khác (không phải là chính mình), chỉ ra những sai sót của họ, bàn luận về cơ thể, khiếm khuyết của họ, chê người hày hát dở, đóng phim cứng… Nhưng sự thật, những người bình luận này đã làm được những điều gì?

Ở đất nước chúng tôi, người ta gọi nó là Trash TV- Truyền hình rác, không ai thực sự muốn nghe họ nghĩ gì.

Vậy đó, đó là những gì chúng tôi nghĩ. Nhưng chúng tôi nghĩ là một việc, điều này sẽ chẳng có ảnh hưởng gì, ngay cả việc bạn có nghĩ thế nào, chê bai nó ra sao.

Chừng nào vì tò mò bạn hay tôi chỉ cần click vào link để xem nó, hay truyền cho bạn bè xem, thì ngày đó họ còn tăng lượng View.

Ngày nào mà các nhãn hàng không cần phân biệt chất lượng của show, hay mục đích nó hướng tới, còn TÀI TRỢ cho nó, có nghĩa là nó sẽ còn tiếp tục!

Bạn đã biết phải làm gì, phải không?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại