Những hành động và chiêu trò của giới giang hồ và xã hội đen đối với ngành điện ảnh Hồng Kông đã được công chúng biết đến không ít. Cách thức mà chúng sử dụng chủ yếu là bảo hộ và uy hiếp các ngôi sao
Thu phí bảo hộ địa điểm quay
Hầu hết người hâm mộ điện ảnh Hồng Kông đều không thể quên với một từ khá phổ biến lúc bấy giờ - "phí bảo hộ đất". Đây cũng là thủ đoạn làm giàu cơ bản và thực dụng nhất của các băng đảng xã hội đen lúc bấy giờ.
Cách thức áp dụng là mỗi khi có đoàn phim bắt đầu khởi quay, liền có vài nhóm hạ lưu du thủ du thực tới đe nẹt, nếu muốn quay phim thuận lợi yên ổn thì phải nộp tiền thuế đất, ắt sẽ được bảo hộ tới cùng. Nếu không tuân theo, lập tức sẽ bị uy hiếp tới an toàn tính mạng cũng như tài sản của cả đoàn, hoặc sẽ bị nhũng nhiễu làm cho không thể quay được phim.
Trường hợp này, "vua hài kungfu" Thành Long từng kinh qua vụ bị giang hồ "đòi tiền" kiểu trên: "Ngay ngày đầu khởi quay đã phải nộp 50.000 HKD (135 triệu đồng) tiền phí đất, những ngày sau đều phải nộp 5.000 HKD/ngày (14 triệu đồng), cuối cùng là lúc quay bối cảnh cũng phải nộp 30.000 HKD (31 triệu đồng) phí bối cảnh, nếu không sẽ bị đốt sạch", Thành Long cho biết.
Năm 2001 khi Thành Long quay bộ phim Rush Hour 2, ông tiếp tục gặp lại "vở kịch" tái diễn năm xưa. Thậm chí khi đoàn phim Transformers 4 của Hollywood quay phân cảnh ở Hồng Kông cũng bị các tay anh chị xứ cảng thơm "sờ gáy".
Những năm gần đây khi điện ảnh Hồng Kông có dấu hiệu chững lại, thay vào đó những đoàn phim nước ngoài hay các đoàn phim của Trung Quốc được quốc tế hóa kéo đến đây tìm bối cảnh ngày một nhiều, tiền đầu tư không ít. Do đó việc tống tiền bằng tiền USD chắc chắn có lợi hơn đồng HKD.
Hơn nữa, những đoàn phim nước ngoài thường không biết rõ về "quy luật bất thành văn" như "phí đất" hay "phí bối cảnh" ở đây. Tuy vậy, những đoàn phim của Hollywood thường không gặp nhiều phiền toái từ những đám hạ lưu giang hồ của Hồng Kông, bởi ngoài việc bảo hộ từ phía nước sở tại, lực lượng an ninh tốt cũng là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ đoàn phim.
Chen ngang lịch diễn, ép sao đóng phim liên tục
Những năm 90 của thế kỷ trước, những Thành Long, Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Châu Tinh Trì, Lương Triều Vỹ hay Lương Gia Huy... thường có lịch đóng phim dày đặc và luôn trở thành đối tượng bị các băng đảng xã hội đen trực tiếp uy hiếp và bóc lột sức lao động.
Cách thức của chúng là "tiền trảm hậu tấu". Giới giang hồ thường trả giá cát-xê cao nhằm khiến người quản lý của các sao đồng ý ký hợp đồng. Nếu không đồng ý thì đổi qua chiêu ngọt nhạt, đàm phán. Nếu không được sẽ buộc tay anh chị phải rút súng ra uy hiếp. Dù gì cuối cùng vẫn là lời đe nẹt: "Muốn ký hợp đồng hay giữ mạng sống".
Lưu Đức Hoa từng là ngôi sao được xã hội đen săn đón và uy hiếp nhiều nhất.
Với chiêu trò này, người quản lý của các sao chỉ còn biết kêu trời và để các sao phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi quý báu ít ỏi mà nhận lời đóng phim cho các băng đảng xã hội đen. Vì vậy mới thường xuất hiện những biệt danh như "Trịnh 9 phim" (nữ diễn viên Trịnh Dục Linh một mình đóng liền 9 bộ phim), "Lưu 13" (Lưu Đức Hoa một năm đóng 13 phim)...
Tất nhiên những phim này là "ngoài luồng" không nằm trong danh sách dày đặc những bộ phim trong kế hoạch của sao.
Không những làng điện ảnh, nhiều ngôi sao cũng trở thành nạn nhân trực tiếp của xã hội đen Hồng Kông. Những thủ đoạn uy hiếp của giang hồ với sao sẽ được trình bày trong kỳ tiếp theo: Sao Hồng Kông điêu đứng bị xã hội đen bức hiếp.