Nhạc sĩ Phú Quang: Người yêu Hà Nội đến cuồng si

Nhạc sĩ từng chia sẻ: "Nếu không có Hà Nội thì không có âm nhạc Phú Quang".

Phú Quang yêu Hà Nội bằng tình yêu từ khi thơ trẻ đến giờ đã 65 năm. Số phận của Phú Quang gắn bó với Hà Nội thật là đặc biệt. Cha mẹ ông là người Hà Nội, khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, gia đình ông tản cư lên Phú Thọ và Phú Quang được sinh ra ở đó. Ngày 10.10.1954, khi Hà Nội được giải phóng, đoàn quân tiến về từ năm cửa ô, Phú Quang tròn 5 tuổi, được theo cha mẹ trở về với quê hương. Và tình yêu của ông bắt đầu từ đó.

Hiếm có một nhạc sĩ nào yêu Hà Nội như Phú Quang, phần lớn những sáng tác của ông đều dành cho mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Kể cả những bài hát không có một chữ nào nhắc đến địa danh Hà Nội, khi giai điệu vang lên, người yêu nhạc đều thấy đó là một ca khúc viết về Hà Nội và chỉ Hà Nội mà thôi. Những câu hát “Dường như ai đi ngang cửa/gió mùa đông bắc se lòng/chút lá thu vàng đã rụng/chiều nay cũng bỏ ta đi” hay “Thôi đừng hát ru, thôi đừng day dứt/Lá trút rơi nhiều, đâu phải bởi mùa thu”… chỉ cần ngân lên là đã gợi mở một không gian ngập tràn Hà Nội.

Thế mà đã có khoảng thời gian 20 năm, Phú Quang dứt áo ra đi, vào TP.HCM làm ăn sinh sống, chính trong thời gian ấy, tình yêu Hà Nội, nỗi nhớ những con đường, những khuôn mặt thân quen đã thôi thúc và hun đúc ông để người nhạc sĩ viết ra những bài hát hay nhất cho Hà Nội. “Em ơi Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Hà Nội ngày trở về”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Nỗi nhớ mùa đông”, “Khúc mùa thu”, “Mơ về nơi xa lắm”, “Tôi muốn mang hồ Gươm đi”… đều ra đời trong khoảng thời gian này.

Phú Quang đã có lần tâm sự một câu chuyện vui, rằng trong khoảng thời gian 20 năm xa Hà Nội vào Nam ấy, ông như một con chim lạc đàn, ra Hà Nội thì mang nỗi mặc cảm của “người tình phụ bạc”, mà ngồi với giới văn nghệ sĩ Sài Gòn thì bị… “tẩy chay” vì suốt ngày cứ nói chuyện như một kẻ “cuồng Hà Nội”. Ông bảo: “Tôi không yêu Hà Nội sao được, vì đó là một phần máu thịt cuộc đời tôi, làm nên cốt cách và âm nhạc của tôi. Hà Nội của tôi đau thương khi bom trút xuống phố Khâm Thiên có ngôi nhà của gia đình tôi, một vết thương đến giờ vẫn chưa lấp đầy. Hà Nội của tôi đẹp mơ màng những sớm mùa đông, những ngày mùa thu trời cao và xanh. Nếu không có Hà Nội thì không có âm nhạc Phú Quang”.

Và Hà Nội cũng yêu Phú Quang nhiều lắm. Hơn 10 năm nay, cứ vào dịp mùa thu, Phú Quang lại làm hàng loạt liveshow những ca khúc của chính ông về Hà Nội ở khán phòng sang trọng nhất là Nhà hát Lớn Hà Nội. Vé bao giờ cũng cao ngất ngưởng nhưng bao giờ cũng cháy vé, tạo nên cơn sốt trên thị trường. Bởi vì những người Hà Nội biết khi đến với đêm nhạc của ông, họ sẽ được sống với những khoảnh khắc thuần chất, nguyên thủy Hà Nội.

Cho dù Phú Quang đã được nhận nhiều giải thưởng về các ca khúc viết cho Hà Nội nhưng tôi biết có một giải thưởng lớn nhất mà bao giờ ông cũng trân trọng hết mực. Đó là giải thưởng trong lòng khán giả, những người yêu Hà Nội qua âm nhạc của ông. Những người con Hà Nội và những người tìm đến Hà Nội như một duyên phận, họ đã dựa vào câu hát của ông mà nhớ thương mảnh đất ấy: “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ. Tôi vội vã trở về… Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ…”.

Hà Nội trong nhạc Phú Quang thiêng liêng là thế, như người mẹ, như người tình trong tâm tưởng, vì thế đó là một hình bóng vĩnh viễn không thể phai mờ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại