Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Đừng vội quy chụp Sơn Tùng M-TP đạo nhạc

"Dù có chuyện gì, đừng có suy đoán, đừng có vội kết luận, hãy tìm hiểu sâu xa hơn rồi đưa ra nhận định", nhạc sĩ gạo cội chia sẻ trước sự việc Sơn Tùng M-TP bị tố đạo nhạc với ca khúc mới Chắc ai đó sẽ về.

Những ngày qua, dư luận đang ồn ào về nghi án đạo nhạc trong ca khúc Chắc ai đó sẽ về của ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP. Trước đó, làng nhạc Việt từng có khá nhiều ca khúc hit được giới trẻ yêu thích và lan truyền rộng rãi cũng vướng nghi vấn đạo nhạc. Khi những nghi vấn này được đặt ra, dư luận lập tức vội vã lên án trong khi người bị tố hoặc im lặng, hoặc thừa nhận sử dụng một phần nhưng có sự sáng tạo riêng. Theo nhạc sĩ, để xảy ra những câu chuyện đáng tiếc này là do đâu?

Trong âm nhạc, nhiều khi mình nghe quen 1 ca khúc mà mình cảm thấy yêu thích thì trong khi sáng tác cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi giai điệu, cũng bị trộn vào là chuyện bình thường. Nghe lời bài hát dễ thương, mình nghe bị nhập tâm vào thì lúc viết ra cũng sẽ tương tự, nhưng cái đó là cách cảm nhận riêng của mỗi người. Đừng nên vội vã phán đoán, người này thế này, người kia thế khác, trong trường hợp này vì như vậy là không tốt.

Chỉ khi họ viết 1 chuỗi bài này giống bài kia, bài kia giống bài nọ thì lúc đó mới quy chụp lại thành họ đạo nhạc được. Tức nếu trong bài chỉ có 1, 2 câu thì cũng không thành vấn đề, không nên để thành những suy đoán ác ý.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 Đừng vội quy chụp Sơn Tùng MTP đạo nhạc

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Hiện nay, cũng có nhiều bài trùng lặp nhau không ít, nhưng mỗi người sẽ có một suy nghĩ riêng, nhiều khi cảm nhận của họ thích bài nào quá thì tất yếu trong tiềm thức cũng đã tồn tại giai điệu đó, nên khi viết 1 bài nhạc, những câu nhạc sẽ trở ra, giống 1 vài câu, 1 nét nhạc nào.

Như vậy thì không nói là đạo nhạc được, mà nó nằm trong việc cảm nhận, theo suy nghĩ của tôi, vẫn chấp nhận được, đừng nên phán xét vội vã quá, vì tất cả đều có chừng mực.

Theo tôi, chúng ta có thể học hỏi và kế thừa, tất nhiên là ngay từ ban đầu có thể ta chưa quen, biết là giống bài kia nhưng không biết sửa sao cho được, vì chưa đủ khả năng, đủ hiểu biết để sửa lại, chủ yếu là gặp khó khăn về câu. Nếu là người có kinh nghiệm thì có thể sửa lại câu nhạc theo ý mình, không giống câu nhạc trước.

Nhưng trong câu chuyện này, tôi thấy dù có chuyện gì cũng đừng có suy đoán, đừng có vội kết luận, hãy tìm hiểu sâu xa hơn rồi đưa ra nhận định.

Nhạc trẻ Việt Nam hiện nay chú trọng phần lời nhiều, còn phần nhạc thường na ná nhau, tất nhiên cũng có sự khác biệt nhưng không lớn lắm. Vậy phải nhìn nhận tình trạng này thế nào cho khách quan?

Cứ nói là phần lời được chú trọng nhiều, nhưng thực ra tôi thấy cũng chưa được chú trọng mấy đâu, tất nhiên là dựa trên so sánh với các nhạc sĩ ngày xưa.

Ngày xưa, các nhạc sĩ viết lời thường là dựa trên những bài thơ, giọng văn rất nhẹ nhàng, dễ thương.

Nhưng cái khó của nhạc Việt là tùy từng nhạc, vì câu của chúng ta có dấu, muốn để lời vào câu nhạc thì phải làm sao cho đúng dấu là quan trọng nhất, dấu nhạc đưa lên làm sao cho đẹp câu nhạc, cho nên nhạc sĩ Việt viết nhạc rất khó.

Còn những lời thơ, ngay từ nhịp điệu đã có nhạc trong đó, cho nên nó dễ viết nhạc hơn. Còn viết nhạc bây giờ thì văn nói nhiều hơn văn thơ, các thể loại nhạc Hàn Quốc, nhạc nước ngoài được đưa vào biến tấu khá nhiều.

Tất nhiên sự phát triển phải đi theo những tạp âm đó, bởi vì đương nhiên khi học sáng tác, có nhiều người muốn đi theo đường tắt, muốn dựa vào khuôn khổ những bài hát đã có, viết dựa theo bài đó, thành ra nó không phải cái mình suy nghĩ mà dựa theo cái đã có sẵn.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 Đừng vội quy chụp Sơn Tùng MTP đạo nhạc
Sơn Tùng M-TP

Không thể phủ nhận nỗ lực của các ca sĩ, nhạc sĩ khi cố gắng tiếp cận với giới trẻ. Phải chăng chúng ta nên có cái nhìn rộng hơn, khách quan và cởi mởi hơn thay vì vội vã quy chụp rằng các ca sĩ/nhạc sĩ vô tư đạo nhạc như hiện nay?

Đương nhiên cũng có nhiều trường hợp đạo nhạc không thể nào chấp nhận được, nhưng cũng có nhiều trường hợp nên khuyến khích họ. Chúng ta phê bình nhưng nên phê bình để có cái tốt, chứ không phải phê bình để đả phá. Phê bình để họ lấy cái đó biết cách mà sửa lại, dẫu sao họ cũng bỏ công làm một tác phẩm, cũng có đưa năng lực vào để có những sáng tác.

Là người đi trước và dành nhiều tâm huyết cho âm nhạc Việt Nam, ông có lời khuyên gì đối với những bạn trẻ dính vào các nghi vấn đạo nhạc cho đến nay vẫn chưa có lời giải như trên?

Tôi chỉ muốn góp ý nhỏ cho các bạn trẻ, là đừng vội vã viết để cho có, để bằng người này, bằng người khác. Người sáng tác nhạc phải tận dụng cảm hứng của mình đang đi tới, từ đó viết ra những nốt nhạc, viết từ cái đầu, viết từ trái tim. Đồng tình có thể nghe, có thể học hỏi nhưng hãy phát triển nó thành cái của mình bằng trí óc và sự sáng tạo của riêng mình.

Âm nhạc là nghệ thuật, nghệ thuật từ trong tim toát ra, viết ra thì phải biết thổn thức, người nghe họ mới cảm nhận, thổn thức được. Hãy viết nhạc bằng trái tim của mình!

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại