Để có được cuộc phỏng vấn nhà báo Lại Văn Sâm – Trưởng ban sản xuất các chương trình giải trí – không dễ bởi lịch họp hành, làm việc của anh liên miên.
\Nhưng một khi đã gặp được, câu chuyện với anh luôn thú vị bởi Lại Văn Sâm là một người dám nói thẳng, nói thật và đặc biệt, không hề hoa mĩ.
* Anh có khi nào cảm thấy mệt mỏi vì những phiền phức do sự nổi tiếng mang lại?
- Khoảng 5 năm nay, tôi không nghe số điện thoại lạ. Ai có việc gì cần, gọi 5 - 6 lần không được, nhắn tin cho tôi, tôi thấy người đấy cần trả lời tôi trả lời, không thì thôi.
Không phải là tôi kiêu căng, bởi vì tôi biết có những chuyện chả giải quyết vấn đề gì, đôi khi lại thành ra buồn cười. Có tối, tôi ở nhà thì có người nhấn chuông.
Tầm giờ ấy thường người ta đi thu tiền điện, tưởng vậy nên tôi chạy ra mở cửa. Hoá ra là một phụ nữ lạ hoắc cứ xin được gặp mặt mặc cho tôi hỏi danh tính cũng không nói. Tôi đành phải xin lỗi không tiếp vì… đang bận họp gia đình.
Đấy, không hiểu tại sao người ta biết và xộc đến tận nhà tôi. Những việc như thế rất phiền, rất chán. Nó mang lại cho tôi một cảm giác lạ, nhiều khi cũng cảm thấy sướng, tự hào nhưng nhiều khi cũng vớ vẩn.
Ai cũng nghĩ cái gì tôi cũng làm được, từ chuyện muốn gặp gỡ, viết thư cho Thủ tướng, Tổng Bí thư, cho đến chuyện kiện tụng đất đai, chồng bỏ, chồng đi ngoại tình cũng cứ lằng nhằng muốn tôi giúp, tôi giúp làm sao…
Nhiều khi khán giả cứ nghĩ tôi cao quá. Như kiểu ngày xưa học văn, nhiều khi tác giả chả viết thế đâu nhưng người làm văn lại cố “nặn” ra và tự nhiên “vẽ” ra một con người khác hẳn.
Tôi bị đúng kiểu như thế. Nhiều khi tôi cứ phải tự cấu mình và bảo “Mày đừng có ảo tưởng, ở đời phải tự biết mình là ai”, chứ không, sống trong ảo tưởng là “toi”.
Tôi ít khi đi ăn nhà hàng, ăn cũng không ngon vì đang ăn thì tự nhiên từ nhân viên phục vụ đến khách nhìn thấy mình là chạy đến, bắt tay, chạm cốc uống bia trong khi tôi không thích bia rượu rồi bắt chụp ảnh.
Giờ có cháu nội nên thỉnh thoảng tôi đi ăn nhà hàng vì cháu. Con bé khôn và “quắm” lắm, cứ thấy vào nhà hàng nào ông nội cũng bị chụp ảnh nên bám theo để chụp. Chụp ảnh xong, nó bảo, sao nhiều người ngưỡng mộ ông thế nhỉ mà không ai ngưỡng mộ con.
Tôi giải thích: Không phải đâu, người ta ngưỡng mộ con nhưng người ta mượn ông để chụp với con. Nó bảo, không phải. Có hôm, vợ chồng tôi đưa nó đi ăn, nó thấy một đứa bé khác đang đứng cùng bố thổi bong bóng. Nó chạy ra xin thổi cùng nhưng đứa bé kia không cho.
Con bé này không biết làm thế nào liền quay sang bảo bố con bé kia: “Chú ơi, ông cháu là Lại Văn Sâm đấy” và chỉ sang tôi. Thế là bố con bé kia quay ra, lại bắt tay và xoay sang chụp ảnh, bắt con phải cho chị chơi.
Đến khi lên xe, tôi bảo hôm nay ông không hài lòng chút nào cả, tại sao Cún lại nói ông là Lại Văn Sâm. Nó quay sang tủm tỉm: Thì mình nổi tiếng thì cũng phải giới thiệu cho mọi người biết. Tôi bảo: Không nên như thế, nếu mình nổi tiếng thì người ta sẽ tự biết.
Người ta hỏi Cún là con cháu nhà ai thì nói không sao. Còn đây rất vô duyên khi tự nhiên giới thiệu là cháu ông Lại Văn Sâm. Đấy là bí mật gia đình. Thế là nó quay sang bảo, lần sau ông bà nhớ nhắc con nhé (cười lớn).
* Vậy, nếu cho anh được chọn lựa lại, anh có muốn trở thành một người bình thường?
- Tôi vẫn chọn là tôi, không phải vì nổi tiếng mà vì cho đến giờ, tôi hài lòng với cuộc sống, công việc và những đam mê đã theo đuổi. Còn chuyện nổi tiếng hay không nổi tiếng, phiền hay không phiền là do tự nhiên chứ tôi không tạo ra nó.
Hôm vừa rồi, một bạn trẻ của Kênh 14 liên hệ mời tôi tham gia Hội đồng thẩm định cuộc thi WeChoice Awards. Bạn ấy cứ năn nỉ mặc cho tôi bảo rất bận. Khi xem danh sách những người truyền cảm hứng, tôi thấy những người ấy mình biết rất ít nên mới nhắn lại từ chối.
Nhưng bạn ấy vẫn nằng nặc thuyết phục, tôi mới nhắn một tin cuối cùng: “Cháu chưa hiểu chú rồi, chú là một người rất đơn giản, rất bình thường và không bao giờ muốn ai phải năn nỉ mình vì một điều gì đó.
Nhưng khi chú đã nói không tức là chú không thể làm được thì cháu đừng cố”. Lúc ấy, bạn ấy mới chịu thôi. Tôi muốn nói tôi là một người rất bình thường và không bị sự nổi tiếng tác động nhiều.
Thời gian qua, tôi bị biết bao tin đồn, nếu như theo tin đồn ấy thì tôi có không biết bao lần sống đi chết lại. Đợt sang Đức làm chương trình Bài ca chiến thắng, vừa đến nơi, có một người ở quán ăn bảo ngay, vừa thấy trên facebook ảnh tôi… trên bàn thờ.
Tôi vào mạng xem thì đúng thật, thấy cáo phó, tít là Lại Văn Sâm đột tử nhưng kích vào hoá ra toàn nội dung quảng cáo.
Trung tâm Kĩ thuật số Đài THVN xin ý kiến muốn dùng ảnh tôi để làm pano quảng cáo hay hồi Gặp nhau cuối tuần mới phát sóng, đạo diễn cũng sang gặp tôi, xin phép làm một tiểu phẩm lấy tôi làm nhân vật để châm biếm.
Tôi bảo, các ông muốn làm gì tôi thì làm, tôi đơn giản lắm. Tôi không như một số người là phải giữ hình ảnh. Hình ảnh, chân dung của tôi là một con người bình thường. Nó thế nào thì cứ kệ nó, miễn sao đừng nói điêu, nói dối, bôi đen là được.
*Anh hình dung thế nào về ngày mình cầm sổ hưu? Lúc ấy anh sẽ nghỉ ngơi hay vẫn tiếp tục công việc nếu được mời?
- Cái gì cũng có giới hạn, con người không thể nào vượt qua quy luật nhất định. Đến một độ tuổi nào đấy, sức sáng tạo hết, mọi thứ không còn như ngày xưa nữa. Ngày xưa, khi mới vào Đài, tôi nhìn mấy bác già và nghĩ không biết đến bao giờ họ mới nghỉ hưu để cho mình làm những thứ mình muốn.
Tôi nghĩ, bây giờ tôi đi trong Đài cũng nhiều người nhìn những người lứa như tôi và nghĩ trong đầu không biết lão này bao giờ về để nhường chỗ cho bọn trẻ (cười). Đến 60 tuổi thì tôi sẽ nghỉ. Lúc ấy, tôi sẽ có thời gian đi đây đi đó.
Tôi đi rất nhiều nhưng chưa bao giờ được đi tử tế, toàn cắm đầu đi làm, thậm chí hai ba tuần ở nước ngoài nhưng chẳng biết xung quanh thế nào, không biết chỗ này chỗ kia đẹp thế nào.
Tôi rất thích đọc sách nhưng lâu lắm rồi không có thời gian mặc dù ở nhà có một phòng không biết bao nhiêu sách. Tôi nghĩ là để đọc hết đống sách ấy cũng phải mất hàng chục năm. Tôi là một người ham chơi, còn bao nhiêu thứ không được chơi, khi nào nghỉ may ra mới có thời gian.
*Thói quen trong những ngày Tết của anh?
- Ngày Tết, tôi thường mất đêm giao thừa làm chương trình trực tiếp. Sau đó là những lễ nghi, tập tục không thể bỏ qua như cúng giao thừa, ăn tất niên.
Nhà tôi có 6 anh chị em, mất một người, còn 5 người. Cứ trưa mùng 1, tất cả các gia đình về ăn ở nhà cậu em út. Mùng 2 ăn ở nhà một ông anh, mùng 3 đến nhà một nhà bà chị. Thế là hết ba ngày Tết. Tết chỉ có ăn mà có ăn được gì đâu, chủ yếu anh chị em gặp nhau vui vẻ.
Nhà tôi vui lắm, mọi người gặp nhau chỉ có tiếng cười. Đấy là bên nội, còn bên ngoại, đi thăm thú người này người kia là hết Tết chứ cũng không đi được đâu, không làm được gì. Nói chung, tôi dành 100% thời gian cho gia đình vào dịp Tết.
* Xin cảm ơn anh về cuộc nói chuyện thú vị này!