Ngọc Trinh và chiến lược bom tấn của Việt Nam

Khả Vũ |

(Soha.vn) - “Chiến lược bom tấn” của giáo sự đại học Harvard, Anita Elberse ra mắt, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn dịch giả của cuốn sách Lê Đắc Lâm.

Dịch giả Lê Đắc Lâm sẽ giúp chúng ta tìm hiểu thêm về nội dung cuốn sách cũng như các cách áp dụng cho chiến lược kinh doanh mới này tại thị trường Việt Nam.

1. Anh có thể nói qua về nội dung cuốn sách “Chiến lược bom tấn” của tác giả Anita Elberse?

“Chiến lược bom tấn” nói về chiến lược kinh doanh của các tập đoàn giải trí lớn nhất thế giới, khi những năm gần đây họ đã thay đổi mô hình phát triển của mình bằng cách tập trung phần lớn nguồn lực tài chính vào một vài dự án có tiềm năng nhất thay vì đầu tư dàn trải cho nhiều dự án khác nhau.

Điều này được thể hiện bằng việc các hãng phim liên tục cho ra mắt những bộ phim bom tấn như Spider Man, Iron Man, hay Captain America với kinh phí sản xuất lên tới hàng trăm triệu đô la, thay vì trước đây họ đầu tư nhiều bộ “trung bình” với kinh phí chỉ vài chục triệu đô cho một bộ phim.

Tác Giả và Dịch Giả tại buổi ra mắt sách

Tác giả và dịch giả tại buổi ra mắt sách

2. Lý do vì sao anh lại dịch cuốn sách này và đối tượng đọc giả anh nhắm tới là ai?

Sau khi cuốn sách ra mắt ở Mỹ vào năm ngoái, nó đã tạo được một tiếng vang rất lớn. Và với xu hướng phát triển của ngành giải trí Việt Nam, tôi nghĩ nó sẽ phù hợp với những ai quan tâm tới việc kinh doanh trong ngành showbiz trong nước.

Ngoài ra, tôi cũng có mối quan hệ thân thiết với một số người tại trường ĐH Harvard, và việc được làm việc với một trong những giáo sư nổi tiếng nhất của trường này cũng là một vinh dự rất lớn đối với tôi.

Về cuốn sách, tôi nghĩ “chiến lược bom tấn” là một tác phẩm đáng được tham khảo không chỉ cho những chủ doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực mà kể cả cho những người đang điều hành nền kinh tế Việt Nam, khi họ cũng có thể áp dụng chiến lược này trong việc định hướng đầu tư công nhằm phát triển nền kinh tế nước ta.

3. Theo anh những chiến lược trong cuốn sách có phù hợp để áp dụng với thị trường phát triển showbiz của Việt Nam hiện nay để có thể cho ra đời những nghệ sĩ như Madonna, Lady Gaga…?

Tôi nghĩ nếu muốn Việt Nam phát triển được những nghệ sĩ như Madonna hay Lady Gaga ở thời điểm này thì không thực tế lắm. Thậm chí là để tìm ra được một nghệ sĩ có ảnh hưởng trong khu vực thôi cũng đã là một điều khó rồi, vì đơn giản là ngành giải trí của nước ta vẫn chưa đủ phát triển và ngân sách đầu tư cho việc quảng bá của các nghệ sĩ cũng vẫn rất hạn hẹp so với thế giới.

Tuy nhiên, tôi nghĩ chiến lược trong cuốn sách rất đáng để học hỏi, vì có thể nó sẽ không tạo ra được một quả bom tấn của thế giới như Lady Gaga, nhưng sẽ có thể giúp tạo ra được một “quả bom tấn” của Việt Nam.

4. Anh có thể đưa ra một ví dụ nào về “chiến lược bom tấn” đã từng thành công ở Việt Nam?

Ở Việt nam, tôi nghĩ trường hợp của Ngọc Trinh cũng có thể được coi là một chiến lược “bom tấn” thành công. Ngay từ đầu, công ty Venus đã đầu tư phần lớn nguồn lực của mình cho Ngọc Trinh và dành cho cô ta nhiều ưu ái hơn so với những người mẫu khác trong công ty.

Điều này, cộng với khả năng tạo thương hiệu của họ và một chút may mắn, đã góp phần lớn trong việc giúp Ngọc Trinh thành công nhanh chóng hơn. Và một khi Ngọc Trinh đã nổi tiếng và thành công rồi thì bản thân công ty và người đưa cô ta lên cũng được “thơm lây” - từ đó có được một bệ phóng để thu hút những tài năng mới đến với họ và tiếp tục phát triển công ty.

5. Vậy theo anh, các công ty khác có nên đi theo chiến lược này để tìm ra cho mình một “bom tấn” như Ngọc Trinh hay không?

Đối với các hãng phim hay những công ty giải trí lớn, tôi nghĩ chiến lược này đang được thực hiện rồi. Ví dụ trường hợp của hãng phim Chánh Phương, những năm gần đây họ đã dồn nhiều nguồn lực của mình để đầu tư cho các dự án có sự tham gia của diễn viên Thái Hòa.

Bản thân Thái Hòa đã là một diễn viên có sức hút rất lớn đối với khán giả, và khi hãng phim tập trung nguồn lực để đầu tư vào bộ phim có sự tham gia của một diễn viên tiềm năng nhất thì cơ hội thành công của họ sẽ cao hơn.

Và nếu như bây giờ các phim Việt Nam đã có thể mang về doanh thu vượt 80 tỷ đồng, thì tôi nghĩ không lâu nữa chúng ta sẽ thấy các hãng phim dần dần tăng kinh phí sản xuất của mình để tạo ra những bộ phim “bom tấn” mới của điện ảnh Việt Nam.

Còn đối với việc phát triển tài năng, như trường hợp của Ngọc Trinh, thì tôi nghĩ có lẽ sẽ khó hơn một chút. Vì hiện tại hành lang pháp lý của Việt Nam cho những vấn đề liên quan đến việc rằng buộc một nghệ sĩ với một công ty còn chưa rõ ràng, khiến các công ty vẫn phải chịu rủi ro lớn nếu nghệ sĩ tự ý hủy hợp đồng.

Có lẽ điều này là một phần lý do vì sao các công ty khác ngại dồn quá nhiều nguồn lực của mình cho một nghệ sĩ giống như tại công ty Venus, nơi mà mối quan hệ giữa Ngọc Trinh và công ty khá đặc biệt.

6. Anh có nói về việc áp dụng chiến lược “bom tấn” cho nền kinh tế Việt Nam, cụ thể hơn là như thế nào?

Chúng ta có thể coi chiến lược bom tấn như việc trong một gia đình, khi có 5 người con, thay vì đầu từ dàn trải cho mỗi đứa học hết cấp 3 và sau nay đi làm công nhân bình thường, thì gia đình đó sẽ tìm ra một hoặc hai đứa có tiềm năng nhất và đầu tư cho chúng đi học đại học, với hy vọng một ngày nào đó sẽ thành công và giàu có, giúp đưa cả gia đình đi lên.

Và với việc đầu tư công của Việt Nam như hiện tại, nếu áp dụng chiến lược “bom tấn” thì thay vì chúng ta đầu tư dàn trải cho nhiều lĩnh vực, thì nên tìm ra một vài lĩnh vực có tiềm năng nhất và đầu tư nhiều hơn hẳn vào lĩnh vực đó.

Trường hợp này có thể là lĩnh vực du lịch, nơi mà Việt Nam có một tiềm năng vô cùng lớn, còn lớn hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực nhờ vào một số yếu tố như địa lý lý tưởng của nước ta.

Và tiếp tục, trong lĩnh vực này, thay vì dàn trải cho quá nhiều tỉnh thành như Phú Quốc, Mũi Né, Phan Thiết, Đà Lạt, thì chúng ta có thể tập trung nguồn lực vào những thành phố có tiềm năng lớn nhất như Đà Nẵng, Nha Trang và Hạ Long – nguồn lực ở đây không chỉ là đầu tư công cho hạ tầng mà còn là những chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính hay thậm chí là giấy phép mở casino như Quốc Hội đang dự thảo – tất cả nhằm khuyến khích các nhà đầu tư đổ nhiều tiền hơn vào những khu vực này để phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn.

Cách này có thể sẽ ảnh hưởng đến những tỉnh khác, gây ra sự bất cân đối trong ngắn hạn, nhưng ngược lại, nếu có thể giúp cho Đà Nẵng hoặc Nha Trang trở thành những điểm du lịch nổi tiếng như Bali hay Phuket, thì sẽ tạo được một nguồn doanh thu rất lớn cho quốc gia và từ đó lại có thể tái đầu tư cho các tỉnh khác nhiều hơn trong dài hạn.

Có một hoặc hai “con gà đẻ trứng vàng” mà cả thế giới biết đến có thể sẽ tốt hơn là có 10 con gà lẹt đẹt mãi không lớn được, như trường hợp của Thái Lan, khi “con gà” của họ mỗi năm đóng góp hơn 20 tỷ đô cho GDP cả nước.

7. Ngoài vai trò là một dịch giả được biết anh còn là giám đốc bộ phận ngân hàng đầu tư bất động sản của Tập Đoàn Indochina Capital của Mỹ– một trong những quỹ đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam – vậy với am hiểu trong lĩnh vực kinh doanh và bây giờ là ngành giải trí thế giới, anh có định đầu tư vào thị trường nghệ thuật để VN bước đầu có thể sánh ngang với thị trường giải trí của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…?

Nếu có đầu tư hoặc tham gia vào lĩnh vực này thì tôi nghĩ chỉ là làm một chút cho vui thôi, chứ tôi không nghĩ mình có đủ kinh nghiệm hay khả năng để có thể đóng góp được gì đáng kể cho thị trường nghệ thuật Việt Nam.

Tôi chỉ mong cuốn sách “Chiến lược bom tấn” của GS Anita Elberse sẽ mang lại một chút thông tin bổ ích cho những người đang tham gia kinh doanh showbiz, với hy vọng họ sẽ là những người tạo được những “quả bom tấn” giúp thị trường giải trí nước ta sớm sánh ngang với các nước trong khu vực.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại