Thành Long là một trong hai ngôi sao võ thuật chói sáng nhất, sau thời của Lý Tiểu Long (người thứ 1 là Lý Liên Kiệt).
Dù chưa già, nhưng tên tuổi của anh đã kịp trở thành niềm say mê của vài thế hệ công chúng yêu điện ảnh và võ thuật. Nhưng ít ai biết con đường đi tới vinh quang của Thành Long lại phải trải qua khá nhiều nỗi khổ cực, vất vả.
Có mấy người biết được đằng sau sự thành công trên sâu khấu màn ảnh ấy là biết bao nỗi truân chuyên mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu.
Thành Long sinh ra tại Hong Kong nhưng thật bất hạnh, khi sinh ra, bố mẹ của Thành Long là những người nhập cư mới đến Hong Kong. Họ nghèo đến độ khi đi đẻ, trong túi họ rỗng tuếch.
Rủi thay, ca sinh của cậu bé Thành Long là một ca đẻ khó và phải mổ. Vì thế, số tiền viện phí đội lên đến tận 200 USD, quá nhiều so với sức chịu đựng của bố mẹ Thành Long.
Không có tiền để trả, cha của Thành Long đã tính đến việc bán cậu con trai cho vị bác sĩ người Anh với giá 26 USD để trả ơn và cũng vì họ không thể nuôi nổi con. Tuy nhiên, may mắn là bạn bè ông can thiệp kịp thời và gom tiền cho ông mượn để trả nợ.
Lên sáu tuổi, cả nhà Thành Long đến Úc. Một năm sau đó, Thành Long trở về Hong Kong và vào học tại học viện Kịch nghệ Trung Quốc. Học viện này là một nơi đào tạo kinh kịch kinh điển. Ở đây, Thành Long, khi đó mới 7 tuổi bắt đầu học Kungfu, nhào lộn, diễn xuất, hát và cả kỉ luật nữa. Anh kí hợp đồng 10 năm để học kịch của Trung Quốc.
Đối với Thành Long, những ngày học ở trường kịch thật là dài. Ngày nào anh cũng tập luyện từ sáng đến tận đêm khuya và hễ chểnh mảng là bị ăn vụt và bị cắt khẩu phần ăn. Ngày nào cũng vậy, trung bình anh phải tung ra khoảng 1.000 cú thôi sơn và 500 cú đá trong mỗi buổi tập. Thành Long phải ngủ vạ vật trên sàn nhà và mỗi đêm cũng chỉ được chợp mắt 5 tiếng.
Thành Long nhớ lại: “Tôi nhớ là mình chỉ cần đánh rơi một hạt gạo trên sàn là thầy giáo đã lấy roi mây vụt tôi. Tôi bị đánh suốt, hầu như ngày nào cũng vậy. Tôi không bao giờ quên được cái cảm giác ấy. Nó khiến cho tôi không bao giờ muốn đánh bất cứ một ai cả. Tôi không muốn trẻ con nghĩ rằng đánh một ai đó là chuyện bình thường”.
Khả năng kung fu và nhào lộn của Thành Long khá nổi trội, vì vậy Thành Long cùng rất nhiều bạn học đã được thuê để đi đóng các cảnh hành động nguy hiểm. Tuy nhiên, thầy giáo của anh lại thường vơ trọn số tiền mà các học viên kiếm được, để Thành Long và các bạn lúc nào cũng không một xu dính túi.
Sau hơn mười năm ròng rã theo học Kinh kịch và võ thuật, năm 17 tuổi, Thành Long tốt nghiệp và từ biệt sư phụ.
Sau khi tốt nghiệp, Thành Long chính thức trở thành võ sư, lấy nghệ danh mới là Trần Nguyên Long và bắt đầu bước chân vào nghiệp diễn xuất. Tuy nhiên, một võ sư trẻ chưa cứng cáp và thiếu kinh nghiệm như Thành Long lúc bấy giờ chỉ được đảm nhận những vai phụ, thậm chí chỉ là diễn viên đóng thế.
Thời điểm đó, Thành Long tham gia đóng phim chỉ đơn giản là để kiếm tiền mưu sinh và không hề có bất cứ một kế hoạch nào cho tương lai. Năm 1975, Thành Long từng tham gia bộ phim 18+ Hoa Phi Mãn Xuân Thành, bộ phim đến cả fans của anh cũng ít người biết đến.
Đây là bộ phim khi Thành Long mới vào nghề, trong phim anh vào vai một anh chàng thanh niên kéo xe có mối tình vụng trộm với bà chủ hãng xe của mình.
Sau này, khi nhớ lại, Thành Long ngậm ngùi cho biết: "Để kiếm sống thì việc gì cũng phải làm, nhưng là diễn viên thì đóng những phim như vậy cũng không hẳn là chuyện to tát, như Marlon Brando cũng đã từng đóng qua cảnh nude đó thôi."
Những ngày gian khổ của Thành Long cũng chính là những bước đệm giúp anh thành công trên con đường sự nghiệp. Anh không chỉ là một diễn viên, mà còn là đạo diễn, chỉ đạo võ thuật, và diễn viên chuyên đóng thế. Không chỉ nổi tiếng trong ngành điện ảnh thế giới, anh còn được biết đến như một doanh nhân thành đạt và là ca sĩ đã thu âm nhiều album.
Là một biểu tượng văn hóa, Thành Long được ghi danh tại Đại lộ Ngôi sao Hồng Kông và Đại lộ Danh vọng Hollywood. Cái tên Thành Long cũng được nhắc đến nhiều lần trong các bài hát pop, phim hoạt hình và trò chơi điện tử.