Top 3 cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015. Ảnh: TL
Không có lửa làm sao có khói?
Trong khi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới cho phép các thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ dạng "tiểu phẫu" thì tại Việt Nam, dù ở bất cứ dạng nào cũng đều bị coi là phạm luật.
Theo Thông tư 03/2013/TT-Bộ VH-TT&DL quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79/2012 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu... quy định rõ thí sinh của các cuộc thi người đẹp trong nước phải có vẻ đẹp tự nhiên, không qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Dù đã có quy định rất rõ ràng, nhưng trong các cuộc thi sắc đẹp, năm nào cũng có thí sinh "điếc không sợ súng" ghi danh tham gia.
Năm 2010, thí sinh Phạm Thị Thùy Linh đã bị BTC Hoa hậu Thế giới người Việt loại khỏi cuộc thi vì sửa mũi. Năm ngoái, tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, thí sinh Vũ Hoài Thu cũng bị tố cáo đã nâng mũi.
Ngay sau đó, BTC đã vào cuộc xác minh và loại thí sinh này từ vòng sơ khảo. Hoa hậu Phạm Hương cũng là trường hợp không hiếm bị tố cáo có gian dối trong cuộc thi.
Khác với những thí sinh khác chỉ được những người có chuyên môn kiểm chứng thì với Phạm Hương, khán giả có thể tự đối chiếu so sánh để có câu trả lời cho riêng mình.
Ngay sau cuộc thi, rất nhiều các hình ảnh trước đó của Phạm Hương đã được mổ xẻ. Nhiều người cho rằng, thuở mới vào nghề, Hoa hậu Phạm Hương có gương mặt tròn, bầu bĩnh, chiếc cằm chẻ và làn da ngăm ngăm.
Còn hiện tại, Phạm Hương có gương mặt V-line, trắng sáng, cằm thon và không còn dấu tích của chiếc cằm "chẻ".
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia thẩm mỹ Tô Thị Phượng (Thẩm mỹ viện Hồng Kông) cho hay: “Trước đây, việc phẫu thuật thẩm mỹ dễ phát hiện hơn vì sẽ để lại “vết tích” trên cơ thể.
Ví dụ, nếu gọt cằm thì khi lật môi dưới ra sẽ thấy vết sẹo. Nếu nâng mũi thì ở phía sau tai sẽ có “vết cắt”.
Các chuyên gia lấy sụn ở sau tai để cấy lên mũi hoặc độn cằm, điều này sẽ giúp cho việc phẫu thuật tự nhiên hơn, dễ nuôi hơn và không bị kích ứng như với sụn nhân tạo”.
Tuy nhiên, với công nghệ làm đẹp phát triển như hiện nay thì nhiều khi việc thay đổi cấu trúc gương mặt trở nên đẹp hơn mà không cần đến việc phải mổ xẻ.
Thay vào đó là khái niệm “can thiệp thẩm mỹ”. Điều này giúp cho tránh để lại dấu vết khi thi sắc đẹp mà vẫn đạt được hiệu quả.
Các chuyên gia sẽ tiêm butox hoặc filler (một dạng chất lỏng) vào cằm hoặc vị trí cần chỉnh sửa, vừa không để lại dấu vết mà vẫn đạt được hiệu quả.
Nhưng nó chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, chừng 6 tháng. Dù vậy, với các chuyên gia thì khi nhìn bằng mắt vẫn có thể phát hiện ra người đó đã có dấu hiệu can thiệp thẩm mỹ vì nó không có vẻ đẹp tự nhiên như bình thường.
Trong khi đó, Hoa hậu Phạm Hương đã nhiều lần khẳng định, cô đã được chuyên gia nhân trắc học Lê Diệp Linh kiểm tra và khẳng định không phẫu thuật thẩm mỹ.
Về vấn đề này, một chuyên gia thẩm mỹ (đề nghị không nêu tên) nêu ý kiến: Tại sao không sử dụng các chuyên gia để "kiểm tra chéo" mà chỉ căn cứ vào người của BTC?
Còn nhớ tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, khi có tố cáo thí sinh Vũ Hoài Thu nâng mũi, BTC cuộc thi đã kiểm tra và xác nhận thí sinh này có dấu hiệu phẫu thuật tạo hình độn sống mũi bằng chất liệu nhân tạo.
Tuy nhiên, thí sinh này đã không thừa nhận. Để khách quan, BTC đã mời thêm chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ là TS Nguyễn Huy Thọ - nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) giám định lần hai.
Ngoài ra, BTC cũng để ngỏ khả năng trong trường hợp thí sinh vẫn "không phục" thì sẽ đến cơ sở y khoa khác để giám định lần nữa.
Phần thi ứng xử là để xác định ngôi Hoa hậu
Ngoài nghi vấn phẫu thuật thẩm mỹ, Phạm Hương còn “dính” lên lời đồn mua giải thưởng với giá trị hàng tỷ đồng. Lời đồn này cũng dành cho hai Á hậu Trà My và Lệ Hằng.
Một bạn đọc mổ xẻ: Nếu như việc mua bán giải thưởng là điều không thể xác định bằng chứng cứ thì việc thí sinh có can thiệp thẩm mỹ và có trả lời ứng xử tốt hay không lại là điều có thể đánh giá rất rõ.
Nhưng trong đêm Chung kết, hai Á hậu có câu trả lời kém hơn thí sinh Nguyễn Thị Loan nhưng vẫn được trao danh hiệu là điều rất khó hiểu.
Để giải đáp về ý nghĩa của phần thi ứng xử, chúng tôi đã liên hệ với Nhà thơ Dương Kỳ Anh - nguyên Tổng biên tập Báo Tiền Phong, người từng có 20 năm gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trong vai trò Trưởng BTC.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết: “Phần thi ứng xử là để khẳng định thêm ngôi vị Hoa hậu. Khi đã vào top 5 thì các cơ hội của thí sinh là gần như bằng nhau.
Các vẻ đẹp lúc này có thể vẫn có người hơn người kém, nhưng phần thi ứng xử sẽ giúp giám khảo xác định rõ hơn.
Tôi nhớ năm mà Mai Phương Thúy đăng quang, nếu so với Á hậu Bảo Trân thì Thúy kém hơn chút xíu, có thể nói là kẻ chín người mười vậy.
Nhưng khi thi ứng xử, Thúy trả lời tốt hơn nên BGK đã quyết định chọn cô ấy để trao vương miện”.
Chính vì vậy mà khi chứng kiến thí sinh Nguyễn Thị Loan có câu trả lời xuất sắc, đã không ít người chắc mẩm, cô chí ít cũng phải là Á hậu.
Trong khi đó, thí sinh Trà My thậm chí còn nói nhầm câu nói ai cũng thuộc là "giỏi việc nước, đảm việc nhà" thành "đảm việc nước, giỏi việc nhà", thiếu ý và thiếu trôi chảy nhưng vẫn được trao Á hậu 1 đã khiến khán giả không khỏi nghi ngờ về việc cô được BGK ưu ái.
“Trước đêm Chung kết, Bộ VH-TT&DL đã thành lập một đoàn kiểm tra làm việc với BTC cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và xác định, đó đều là những tố cáo không có cơ sở.
Không loại trừ, đó chỉ là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các ông bầu với nhau.
Nếu những tố cáo đó có văn bản gửi đến Bộ VH-TT&DL có tên tuổi đàng hoàng thì khi đó, chúng tôi mới thành lập đoàn kiểm tra để xác minh. Còn hiện nay, đó chỉ là những đồn đại mà thôi”.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn