Nghệ sĩ Hàn hát dân ca Việt, khép lại 'Giai điệu mùa thu'

vytran |

Hàng chục nghệ sĩ 'nhí' của Hàn Quốc khiến khán giả 'Giai điệu mùa thu' tối 19.8 bất ngờ khi hát 'Bèo dạt mây trôi' đầy cảm xúc.

Đêm "Hòa nhạc hợp xướng và dàn nhạc" của Giai điệu mùa thu diễn ra ngày 19/8 tại Nhà hát TP HCM. Kết cấu của đêm diễn khá cô đọng. Mở màn là phần trình diễn của dàn hợp xướng thiếu nhi nổi tiếng của Hàn Quốc lần đầu tới TP HCM.

Hàng chục em nhỏ, trong trang phục đậm bản sắc xứ kim chi liên tiếp trình bày những bản thánh ca, nhạc phẩm dân gian của châu Âu, Hàn Quốc và cả các ca khúc thiếu nhi... Với kỹ năng thanh nhạc tuyệt vời cùng sự phối hợp hài hòa giữa các thành viên trong dàn hợp xướng, các nghệ sĩ "nhí" Hàn Quốc liên tiếp thể hiện tác phẩm: Gloria(John Leavitt), Cantate Domino(Ken Berg), Let's sing và Joyful song(Lee Hyun Chul) cùng các bản nhạc tiếng Anh quen thuộc như: I feel pretty, Edelweise, Do Re Mi...

On You Eum (phải) hát "Bèo dạt mây trôi" đầy cảm xúc. Ảnh:Lý Võ Phú Hưng.

Dàn hợp xướng đầy màu sắc của thiếu nhi Hàn Quốc

Khi khán giả tưởng phần trình bày của dàn hợp xướng đã kết thúc, ca sĩ nhí On You Eum, 13 tuổi, bước lên phía trước đội hình và cất giọng trong trẻo hátBèo dạt mây trôikhiến khán phòng lặng đi vì bất ngờ. Sau câu hát mở đầu của On You Eum, dàn hợp xướng cùng hòa giọng để trình diễn bài dân ca Việt Nam. Không ngừng lại ở đó, dàn hợp xướng tiếp tục hát bài: "Anh em ta về cùng nhau ta sum họp nào..." với phong cách trẻ trung, sinh động trong sự hòa nhịp vỗ tay hưởng ứng của khán giả.

Ở phần hai của chương trình, dàn nhạc giao hưởng TP HCM và các nghệ sĩ Phạm Trang, Cho Hae Ryong, Nguyễn Phúc Tiệp, Nguyễn Thị Thanh Nga và Võ Thụy Ngọc Tuyền cùng trình diễn vở opera ngắn Cavalleria Rusticana (Pietro Mascagni).

Trước đêm này, nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ, từ lâu, nguyện vọng của cả Nhà hát giao hưởng và vũ kịch TP HCM là muốn dựng được một vở opera đúng nghĩa theo phong cách châu Âu. Và điều này đã thành hiện thực trong đêm 19/8. Họ chọn thực hiệnCavalleria Rusticana,vở opera căn bản, vốn được rất nhiều nhà hát lớn nhỏ trên khắp thế giới trình diễn nhiều lần, phù hợp cho khán giả chuyên và không chuyên thưởng thức. Ở lần diễn này, các nghệ sĩ còn hát "chay", chưa có cảnh trí, nhưng Trần Nhật Minh kỳ vọng đây sẽ là bước đệm để trong thời gian sắp tới, nhà hát mạnh dạn thực hiện các vở hoặc trích đoạn opera được đầu tư quy mô hơn.

Nghệ sĩ opera Cho Hae Ryong trong đêm diễn 19/8. Ảnh:Lý Võ Phú Hưng.

Sau những cao trào, xung đột giữa các thành viên trong gia đình của vở Cavalleria Rusticana, khán giả dành tràng pháo tay gần 15 phút để tán thưởng các nghệ sĩ, và cũng để khép lại 3 đêm diễn nhiều cảm xúc của Giai điệu mùa thu 2011.

Chia sẻ vớiVnExpress.net, chỉ huy dàn hợp xướng Hàn Quốc, ông Young Il Kwon nói: "Khán giả Việt Nam thật tuyệt. Họ đã 'tiếp lửa' cho nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu". Ông Young Il Kwon cho biết, lần đầu tiên được mời đến biểu diễn ở TP HCM, các nghệ sĩ Hàn rất tự hào và háo hức. Họ đã dành 2 tháng luyện tập cho các tiết mục cũng như tập hát, cảm tiếng Việt để mang đến bất ngờ cho khán giả Việt Nam.

Giai điệu mùa thu năm nay thành công ở chỗ, lần đầu tiên, các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế được đặt trên cùng một sân khấu. Đó là sự cọ sát thiết thực, là những viên gạch từng bước hiện thực hóa mong muốn đưa Giai điệu mùa thu trở thành một festival âm nhạc - nghệ thuật lớn của TP HCM.

"Giai điệu mùa thu" năm nay được nâng cao khi các nghệ sĩ quốc tế cùng đứng chung sân khấu với nghệ sĩ Việt để trình diễn. Ảnh:Lý Võ Phú Hưng.

Sau chương trình của các năm trước, một câu hỏi được đặt ra là: Liệu có nên bỏ tiền đầu tư cho một loại hình nghệ thuật còn nhiều xa lạ và không có nhiều công chúng như Giai điệu mùa thu?

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát giao hưởng vũ kịch TP HCM và chỉ huy nghệ thuật chương trình, trả lời: "Những loại hình nghệ thuật hàn lâm này không thuộc một quốc gia nào mà đã được toàn thế giới đóng góp dựng nên. Nền âm nhạc giao hưởng đã được nhạc sĩ khắp năm châu góp từng phần để xây nên tài sản của thế giới. Chúng ta cũng phải có và phải để nền nghệ thuật này góp mặt vào trong nền nghệ thuật quốc gia của mình. Ngay cả Nhà hát TP HCM do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 cũng là một minh chứng cho tầm nhìn xa của họ để tôn vinh nghệ thuật hàn lâm. Với ý nghĩa đó, dù có khó khăn thì các nghệ sĩ vẫn phải dám làm và dám hy sinh để làm cho tốt".

Theo Vnexpress

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại