Nổi tiếng là một người làm nghề tâm huyết, nghệ sĩ Ái Như đã dốc cả gia tài, sức lực cho sân khấu. Những vở diễn tâm lý xã hội của Hoàng Thái Thanh suốt 6 năm qua đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của khán giả.
Nhưng dẫu có gom tất cả những giọt nước mắt đó cũng không bằng nước mắt những đêm chị khóc khi nghĩ tới tâm huyết mình bỏ ra lại không được đón nhận và trân trọng đúng nghĩa.
Hoàng Thái Thanh có thể ngừng hoạt động
Từ khi Hoàng Thái Thanh rời về địa chỉ mới, lượng khán giả tới với sân khấu như thế nào, thưa chị?
Hoàng Thái Thanh ra mắt sân khấu mới ở 139 Bắc Hải, quận 10 từ tháng 9 năm ngoái. Tới nay cũng đã hơn 1 năm rồi, nhưng lượng khán giả tới xem chỉ bằng phân nửa so với hồi ở Nhà thiếu nhi quận 3.
Chúng tôi đã cố hết mọi cách để có thể quảng bá được tới khán giả. Tuy nhiên, lượng khán giả tới xem vẫn rất khiêm tốn so với những sân khấu khác. Dù vẫn có khán giả trung thành nhưng con số này không nhiều.
Ngay cả khi ở địa chỉ cũ, vấn đề doanh thu luôn làm chị đau đầu. Với lượng khán giả sụt giảm 50% so với trước, thì chị cân đối thu chi thế nào?
Thú thực với bạn, lượng vé bán được khi về với sân khấu này đã giảm đi một nửa. Mà Hoàng Thái Thanh chỉ có một nguồn thu duy nhất là từ bán vé.
Chúng tôi không làm các công việc khác. Chúng tôi không đi quay phim, không chạy show, event để có thêm thu nhập...
Chúng tôi nghĩ rằng, với sân khấu để có thể làm ra một tác phẩm tốt nhất thì toàn bộ ê-kíp, từ giám đốc cho tới nhân viên, tất cả các bộ phận, mỗi người đều phải vận động. Mà để làm được như vậy thì chúng tôi đã chạy hết công suất rồi.
Mà khi đã chạy hết công suất thì đến một cái ngưỡng nào đó, chúng tôi không thể gồng gánh được nữa, thì chuyện gì tới sẽ tới.
Mỗi đêm, chúng tôi đều bù lỗ, bù lỗ... Tất nhiên, anh em diễn viên vẫn đến diễn hàng đêm nhưng điều đó không có nghĩa là họ không lo lắng. Nhưng nếu đêm nào mình cũng diễn với tình trạng thiếu cả trăm khán giả thì...
Nếu chuyện như vậy cứ diễn ra suốt từ đêm này đến đêm khác, chúng tôi không thể khẳng định trước được điều gì sẽ xảy ra.
Chị đang ngầm ám chỉ, một lúc nào đó sân khấu Hoàng Thái Thanh có thể sẽ ngừng hoạt động?
Tôi nghĩ không chỉ Hoàng Thái Thanh mà thực sự ngay cả những sân khấu khác, những đồng nghiệp khác, người ta cũng đã rất mệt mỏi về bài toán kinh phí.
Đó là báo động chung. Với những người còn yêu quý sân khấu thì người ta còn làm. Nhưng tới một lúc nào đó, người ta nghĩ: Tại sao mình phải làm tốt thật tốt, đẹp thật đẹp, hay thật hay để làm gì để rồi tối về mình ôm cái túi rỗng, chẳng ai biết tới?
Tới một lúc nào đó, người ta sẽ nản. Lúc đầu, chúng tôi nói, chúng tôi kêu lên, chúng tôi báo động. Nhưng nếu tiếng báo động đó cứ rơi vào khoảng không thì báo động để làm gì. Giữ hơi lại cho khỏe!
Dã tràng xe cát
Trong thời điểm khó khăn như thế này, sân khấu Trịnh Kim Chi lại chuẩn bị khai trương ở quận 6. Từ góc độ người làm nghề, chị nhìn nhận sự kiện này như thế nào?
Mỗi người có một hoàn cảnh và một lý do riêng để làm một việc gì đó. Tôi thấy tôi khó khăn nhưng không có nghĩa là người khác cũng thấy thế.
Đó chỉ là báo động chung của những người đã đi và đang đi. Còn Trịnh Kim Chi là người mới, chuẩn bị bước vào con đường ấy, cô ấy có cách nhìn nhận và suy nghĩ riêng của mình.
Trước khi anh Hội và tôi ra mắt sân khấu Hoàng Thái Thanh, nhiều người cũng nghĩ, con đường này khó khăn vậy, sao tôi lại đặt chân vào? Nhưng tôi thấy hân hoan và tôi vẫn đi. Và dù đang có báo động đây nhưng tôi vẫn đi…
Có nguồn tin cho biết, sân khấu Sao Minh Béo hoạt động 2 năm bù lỗ 2 tỉ đồng. Còn sân khấu của chị, 6 năm đã phải bù lỗ bao nhiêu khi mà chị phải nuôi 25 nhân sự chính thức?
Tôi không muốn nói tới tiền. Bởi vì giá trị tinh thần, công sức và thời gian chúng tôi bỏ vào đây nó còn lớn hơn, giá trị hơn nhiều.... mà nó còn không được coi trọng.
Đối với chúng tôi, số tiền mà chúng tôi bỏ ra trong 6 năm nay là cả một gia tài. Có thể, nhiều người làm cả đời cũng chưa góp được số tiền như vậy nhưng chúng tôi vẫn bỏ ra để làm nghệ thuật.
Nếu khán giả đến xem hết tất cả những vở diễn của Hoàng Thái Thanh, xem tất cả những gì chúng tôi đã làm, nếu một người có thể tính nhẩm thì có thể ít nhiều tính ra số tiền chúng tôi bù lỗ là bao nhiêu.
Ở một góc nhìn nào đó, chị giống như dã tràng xe cát. Chị có bao giờ chạnh lòng về điều này không?
Tôi thường xuyên chạnh lòng. Không chỉ là chuyện khán giả đến với sân khấu Hoàng Thái Thanh ít. Có thể là vì khán giả bận rộn quá, hay cuộc sống khó khăn, cũng có thể là vì có quá nhiều kênh giải trí.
Giống như là món ăn vậy đó. Có lúc tôi thích ăn bún bò, có lúc tôi thích ăn phở, có lúc tôi lại chọn hủ tiếu... đó là sự lựa chọn của mỗi người.
Nhưng làm sân khấu cũng là làm văn hóa. Và ở cái nơi được xem là đầu tàu văn hóa kinh tế của cả nước như thế này, dường như chúng tôi đang bị bỏ rơi. Chúng tôi như những đứa trẻ mồ côi, không cha không mẹ.
Điều đó làm chúng tôi buồn nhiều hơn là chuyện khán giả đến hay không đến. Có khán giả thì mới nuôi sống sân khấu. Sân khấu mới tồn tại. Nhưng ngoài điều đó ra, chúng tôi cũng cần sự quan tâm khác nữa nhưng điều đó không có.
Sân khấu của nhà nước mỗi năm họ được cho tiền để hoạt động thế nhưng sân khấu của họ gần như không sáng đèn. Nếu có thì cũng là cho các công ty tư nhân khác thuê diễn.
Xây nhà hát bao nhiêu tỉ nhưng khánh thành xong thì bỏ không. Vậy thì xây làm cái gì? Trong khi điều chúng tôi muốn chỉ là có được sân khấu để biểu diễn cũng không được.
Chúng tôi phải đi tìm chỗ để tạm trú. Ở chỗ này lo không biết ở được lâu không. Không biết bao giờ kế hoạch ở đây thay đổi. Mỗi lần dọn nhà sân khấu, bầu đoàn thê tử kéo nhau đi như vậy, tốn biết bao nhiêu tiền.
Từ khi biết nhà thiếu nhi phải xây dựng, tôi đi tìm địa điểm mới. Hết nửa năm mới tìm được chỗ này. Lúc đó nhà thiếu nhi quận 10 đang xây dựng.
Rồi bỏ ra thêm tiền để làm thêm, mới diễn được. Rồi âm thanh, ánh sáng... biết bao nhiêu cho hết. Nhưng nếu đến một lúc nào đó, người ta kẹt chỗ, mình lại dọn đi. Và nếu bên kia xây chưa xong, thì chúng tôi dọn đi đâu?
Ông xã dù quạu vẫn luôn ủng hộ tôi
Khi thấy chị gặp khó khăn như vậy, phản ứng của gia đình chị thế nào? Có ai khuyên chị bỏ nghề chưa?
Có lẽ gia đình biết là điều đó không được nên chưa ai khuyên tôi như vậy. Gia đinh thương tôi, xót tôi nhiều hơn. Khi làm sân khấu chúng tôi đã phải hy sinh rất nhiều.
Thời gian chăm lo cho gia đình của tôi gần như không có. Thế nên có những lúc tôi phải mang công việc về nhà để mọi người thấy được là tôi còn hiện diện ở nhà, tốt hơn là thấy tôi đi mịt mù.
Ngay cả những buổi tập nhẹ tôi cũng mang về nhà. Đồ đạc trong nhà phải dẹp hết lại để lấy chỗ tập. Mấy bức tường nhà tôi đều có vết nọ vệt kia, vì đồ đạc mang vô bỏ ra, va quẹt tùm lum.
Ông xã từng thấy tôi quằn quại quá vì không được theo nghề nên anh khuyến khích tôi theo sân khấu. Khi thấy tôi và Hoàng Thái Thanh như vậy, dù có lúc quạu nhưng anh vẫn ủng hộ tôi.
Có khi nào chị lo ngại việc mình ít dành thời gian cho gia đình quá sẽ khiến cuộc sống gia đình không hạnh phúc?
Chuyện đó chúng tôi đã nói rõ với nhau. Ông xã tôi là nhà khoa học đang công tác tại Đại học Bách Khoa TPHCM.
Thời gian ông ấy dành cho khoa học cũng ngang ngửa tôi. Thế nên chúng tôi luôn cố gắng dành chút thời gian chung ít ỏi để có thể gần gũi nhau.
Dù bận nhưng anh vẫn thường xuyên đến xem tôi diễn, nhất là trong những vở mới ra mắt. Hay khi chạy vở, tổng duyệt, anh vẫn đến xem và chụp hình.
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!