Trong vài ba năm nay, cụm từ “thảm họa điện ảnh” xuất
hiện và được dùng khá phổ biến để ám chỉ những phim Việt có chất lượng
kém, hời hợt từ nội dung cho tới bối cảnh, diễn xuất.
Lần lượt những Chuông reo là bắn, Lệnh xóa sổ, Hello cô Ba…
đều được gắn danh “thảm họa”.
Tuy nhiên, nhiều phim trong số này được
nhà sản xuất khẳng định là đáp ứng đối tượng khán giả bình dân và vẫn
hút khách khi ra rạp đúng thời điểm (theo doanh thu thống kê từ nhà phát
hành).
Chính vì vậy, hàng năm điện ảnh Việt Nam lại cho ra đời rất nhiều những bộ phim như vậy và Nàng men chàng bóng là “anh tài” mới nhất góp mặt ở dòng phim này.
Phim lấy bối cảnh vùng sông nước miền Tây, xoay quanh nhân vật Út Chót (Đinh Ngọc Diệp), một “nàng men” mạnh mẽ như đàn ông và thích đi giúp đỡ người dân.
Một lần, Út Chót tình cờ giải cứu được anh chàng “bóng lộ” Ẽo Ợt (Ngô Kiến Huy) lúc anh này cố gắng trốn khỏi người vợ sắp cưới mà cha mẹ đã hứa hôn cho từ nhỏ.
Từng là bạn khi còn bé, Út Chót đồng ý giúp Ẽo Ợt chinh phục chàng trai mà anh này thầm thương trộm nhớ. Mọi chuyện thay đổi khi Út Chót và Ẽo Ợt vô tình trở thành những người đánh thức bản năng giới tính cho nhau…
"Nàng men" Đinh Ngọc Diệp và "chàng bóng" Ngô Kiến Huy.
Là người từng đem đến phim truyền hình Hương phù sa với vẻ bình dị, mộc mạc được nhiều khán giả yêu thích, nhưng với bộ
phim điện ảnh đầu tay như thế này, đạo diễn Võ Tấn Bình đã góp phần kéo
điện ảnh nước nhà đi xuống.
Nàng men chàng bóng là một sự chắp ghép rời rạc những màn hài kịch nhạt nhẽo, lố lăng theo phong cách “cù nách” khán giả rồi bảo “cười đi”.
Các nhân vật trong Nàng men chàng bóng dường
như làm gì cũng rất dễ dàng - khóc dễ, cười dễ, nói nhảm từ đầu đến cuối
phim và có thể đột ngột la hét một cách chối tai bất cứ lúc nào.
Tiếng cười, tiếng khóc, tiếng chửi, tiếng gầm rú hay màn “đờn ca” gây hoảng hốt của Cát Phượng, Tấn Beo, NSƯT Việt Anh với NSƯT Thanh Thủy rất dễ khiến khán giả yếu bóng vía gặp phải “ác mộng” trong đêm sau khi xem xong. So với những “thảm họa” trước đây như Chuông reo là bắn, Cảm hứng hoàn hảo hay gần đây là Hello cô Ba thì Nàng men chàng bóng có kịch bản dễ dãi hơn nhiều.
Các nhân vật của "Nàng men chàng bóng" bị áp đặt tính cách, tình huống.
Phim khai thác sự “bóng lộ” của nhân vật Ẽo Ợt để làm trò mua vui câu khách và bóp méo giới tính, áp đặt câu chuyện tới mức sửng sốt.
Có quá nhiều tình tiết phi lý, phản cảm và cách xử lý hời hợt
như một trò đùa, điển hình là cảnh Ẽo Ợt nhận ra chân lý “đàn ông đích
thực” chỉ bằng… một cái ôm.
Được xây dựng là một anh chàng “xăng pha
nhớt” 100% ngay từ đầu phim nhưng sau một pha chạm thân, Ẽo Ợt đột ngột
trở thành “chuẩn men”.
Khó có ai có thể lý giải được sự kỳ quặc này. Sau đó, phim còn cố gắng câu khách bằng rất nhiều màn hôn hít, những pha tỏ tình với phần thoại thô thiển, "khó nuốt".
Đinh Ngọc Diệp từng để lại ít nhiều ấn tượng với các phim điện ảnh như 1735km, Chuyện tình xa xứ hay Cô dâu đại chiến.
Với những bộ phim trên, diễn xuất của cô có thể được người này khen,
người kia chê nhưng ít ra, ngoại hình xinh đẹp cùng với những nỗ lực vì
vai diễn của Ngọc Diệp vẫn mang lại được cảm giác dễ chịu cho người xem
và tạo được hình ảnh đẹp.
Còn trong Nàng men chàng bóng, ngoại trừ một vài khoảnh khắc xinh xinh, yêu yêu khi soi gương ở gần cuối phim, quyết định tham gia vai diễn kiểu này là một hướng đi đáng thất vọng của Ngọc Diệp. Với trường hợp của Ngô Kiến Huy thì có lẽ khán giả sẽ tự mình biết được câu trả lời khi xem anh chàng hóa thân thành một “chàng bóng” ra sao.
Các góc quay, cách bố trí ánh sáng, màu sắc của Nàng men chàng bóng giống phim truyền hình đã đành; âm thanh cũng không đồng đều, lúc to
lúc nhỏ và ngay cả một khán giả bình thường cũng có thể nhận ra rất rõ.
Cách chuyển đoạn, chuyển góc rất ẩu (điển hình ở đoạn Ẽo Ợt định tự tử trên một con tàu và Út Chót chạy lên cứu) chứng tỏ phần cắt dựng của phim quá cẩu thả và vội vàng.
Phim có vô số những cảnh quay thô thiển, nhảm nhí nhằm mục đích gây cười cho khán giả.
Vẫn biết nền điện ảnh nào cũng cần có sự đa dạng với
nhiều thể loại, nhiều dạng phim khác nhau, nhưng dường như phim Việt
đang thiếu đi sự cân bằng khi những tác phẩm chất lượng, hướng người xem
đi lên ngày càng nhỏ giọt, trong khi các “thảm họa” cứ thế ập đến như
những trận đại hồng thủy. Thị trường phim ảnh tại Việt Nam vẫn còn non
trẻ và khó lường.
Khán giả Việt Nam cũng rất phức tạp và khó nắm bắt
được. Những tác phẩm “thảm họa” trước đây dù có bị giới truyền thông “ném đá”,
nhiều khán giả xem xong chê bai, thậm chí là chửi rủi và than thở là
“bị lừa” nhưng tại sao vẫn có những phim rất ăn khách, khiến cho nhà sản
xuất đều đặn ôm tiền cười sướng?
Khó có thể trách được số đông khán giả
bình dân vì với họ, việc ra rạp xem những màn tấu hài vô thưởng vô phạt
và thỏa mãn nhu cầu giải trí nhất thời không phải là cái tội. Họ muốn
được cười và họ đã được “cù” cho cười, như vậy là đủ.
Có vẻ như chính sự dễ dãi này đã hình thành nên tư duy “cứ làm phim hài nhảm, không cần đầu tư cầu kỳ quá, khán giả bình dân thích là được, cứ thế mà thu tiền” trong suy nghĩ của một lớp đạo diễn, sản xuất phim Việt Nam hiện nay.
Bị giới truyền thông chê bai dữ dội với những cụm từ mạnh như “nỗi sỉ
nhục đối với nền điện ảnh nước nhà”, “đại thảm họa phim Việt”, “cú vả
vào mặt khán giả” nhưng thành - bại của bộ phim này là điều mà chẳng ai
biết trước.
Nếu Nàng men chàng bóng tiếp tục đem về lợi nhuận cho nhà sản xuất thì những người tâm huyết với điện ảnh Việt sẽ phải lo lắng cho chất lượng của những tác phẩm trong tương lai.