Trong những bóng hồng đã đi qua cuộc đời thăng trầm ấy, mối tình giữa ông và cô gái mang tên Diễm từng khiến nhiều người nhầm với Diễm của Trịnh Công Sơn.
4 năm với "Mắt Diễm buồn"
Trong âm nhạc Việt Nam, mỗi lần nhắc tới người con gái tên Diễm, công chúng thường liên tưởng ngay đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua ca khúc nổi tiếng "Diễm xưa" với "dài tay em mấy thuở mắt xanh xao".
Nhưng nhạc sĩ Tô Thanh Tùng cũng có một mối tình với nàng Diễm đầy "bí ẩn".
Năm 20 tuổi, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng lên Sài Gòn học trường Luật. Ông và một nhóm sinh viên Văn Khoa hay ghé quán cà phê gần trường vì sự cuốn hút từ người con gái đẹp có tên Diễm, ngày lại ngày vẫn ngồi ở quầy thu ngân.
Theo lời ông kể, Diễm là người chủ động để mắt tới ông trước vì biết ông vốn nổi tiếng từ năm 19 tuổi nhờ ca khúc "Hồng Ngự mang tên em".
Như lẽ tự nhiên, tình yêu chớm nở trong lòng chàng trai 20 tuổi và được ghi dấu bằng bài hát "Mắt Diễm buồn". Qua chất giọng của ca sĩ Elvis Phương, cả ca khúc lẫn người sáng tác đã trở nên nổi tiếng lúc nào không hay.
Bìa đĩa nhạc gây sốt một thời.
Ca từ vừa lãng đãng, vừa da diết của "Mắt Diễm buồn" từng níu chân biết bao khách lạ ghé quán cà phê ở Đa Kao (quận 1) thời bấy giờ: Diễm ơi, mắt Diễm buồn mang nhiều thương nhớ/ Nhớ em, viết mấy dòng gửi cùng mây gió...
"Những ngày vui của tôi với Diễm khá ngắn ngủi, khi nàng ngoảnh mặt quay lưng cũng là lúc tôi đau khổ. Nhiều đêm dài lang thang dưới phố rồi đêm về tôi viết nên ca khúc Giã từ…", nhạc sĩ Tô Thanh Tùng có lần bộc bạch tâm sự.
Ông hé lộ, cuộc tình với cô thu ngân mang cái tên diễm lệ ấy kéo dài suốt 4 năm cùng bao kỉ niệm vui buồn chất ngất.
Theo đó, ca khúc "Giã từ" như đoạn vĩ thanh cuối cùng vút lên rồi lắng đọng niềm tiếc nuối, đắng cay còn giằng xé trong tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa.
Một điều không kém phần đặc biệt, người được Tô Thanh Tùng chọn để hát ca khúc này là cô ca sĩ gốc miệt vườn có tên Thu Vân được ông "khai quật" mãi vùng Sa Đéc.
Bìa đĩa nhạc gây sốt một thời.
Bài hát thoạt đầy bị từ chối phát thanh vì quy định lúc đó tất cả các ca sĩ xuất hiện trên sóng đều phải nổi tiếng. Nhưng khi nghe qua băng cassette, người quản lý đã đồng ý cho phát thử vào sáng chủ nhật để dò ý dư luận.
Không ngờ, với phong cách bolero tuyệt diệu cùng giọng hát ám ảnh của cô ca sĩ vô danh, "Giã từ" đã lay động hàng triệu trái tim thính giả yêu nhạc. Nhiều người phải bật khóc khi nghe bản nhạc ấy trong đêm vắng.
Khúc vĩ thanh kết tinh bởi cuộc tình 4 năm của Tô Thanh Tùng với Diễm được ví như bản "giấy thông hành" khiến nữ ca sĩ miệt vườn ngày nào trở nên nổi tiếng và sau này định cư ở nước ngoài.
Đến bây giờ, "Giã từ" vẫn là ca khúc gắn liền với nhiều giọng ca nổi tiếng trong nước và hải ngoại như: Giao Linh, Phương Dung, Quang Lê, Trường Vũ, Đan Nguyên, Mạnh Quỳnh, Bảo Yến, Chế Thanh, Ngọc Sơn, Quốc Đại…
"Tình yêu dù đã ra đi nhưng vẫn nên giữ lại những điều ngọt ngào về nhau. Từ suy nghĩ ấy, nên trong những câu kết của bài hát, tôi đều hướng đến những điều tốt đẹp chứ không ủy mị, thê lương.
Điển hình như trong bài "Giã từ", kết thúc là câu hát "Người về trong thương nhớ, người đi nhớ thương người", nhạc sĩ Tô Thanh Tùng nói.
Cô đơn trước "đại lộ" cuộc đời
Như là định mệnh, cha đẻ của những khúc nhạc tình lấy cảm hứng từ nỗi mất mát, ngậm ngùi đã có cuộc đời nhiều thăng trầm, biến động.
Năm 1965, trước khi gặp người con gái tên Diễm, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng từng có cảm tình với cô thôn nữ chung xóm tên là Tuyết.
Thuở hai người gặp nhau, thiếu nữ mới 17 tuổi và cũng là người chủ động nói lời yêu với chàng sinh viên năm thứ nhất trong dịp về quê nghỉ hè.
Vì đang còn đi học, lại chưa muốn ràng buộc gì nên Tô Thanh Tùng đã lặng lẽ khước từ mối tình trong sáng ấy.
Tuy vậy, mỗi lúc đêm về, trong sự mến thương, day dứt , ông đã viết ca khúc "Sao anh nỡ đành quên" tặng cho cô thôn nữ mà mở đầu là một lời trách móc rất con gái: Sao anh nỡ đành quên bao lời tha thiết êm đềm/ Sao anh nỡ đành quên chuyện tình đẹp như giấc mơ….
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng trong thời gian điều trị bệnh.
Thời trai trẻ được nhiều bóng hồng ngưỡng mộ, theo đuổi nhưng đến cuối đời, khi mang trọng bệnh, dường như nhạc sĩ Tô Thanh Tùng vẫn cô đơn trên hành trình gặp gỡ một tình yêu đích thực.
Chẳng ai biết người con gái tên Diễm ngồi ở quầy thu ngân năm xưa giờ ở đâu, cô thôn nữ từng yêu đơn phương nhạc sĩ hiện thế nào... chỉ biết rằng, sau những mối tình thoáng qua, tác giả "Mắt Diễm buồn" từng có cuộc sống sung túc với tiệm băng đĩa lớn bậc nhất TP HCM.
Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, vợ con sang định cư ở nước ngoài, cô đơn, bệnh tật đã bủa vây Tô Thanh Tùng.
Hơn 40 năm qua, những lời tiếc nhớ người đẹp tên Diễm vẫn vang vọng trong lòng bao thế hệ yêu nhạc bolero bằng nỗi cô đơn đầy tính dự cảm của người viết nên ca khúc: Tuổi đời chân đơn côi gót mòn đại lộ buồn/ Đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa/ Hồn lắng tâm tư, đi vào dĩ vãng/ Đường tình không chung lối mang nuối tiếc cho nhau.
Và ở bên kia con dốc cuộc đời, dù nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đang lạc quan đối diện với khó khăn, mỏi mệt nhưng trước mắt ông, dường như vẫn mở ra một "đại lộ buồn" với đèn đêm bóng nhạt.