Ngày mùng Một ý nghĩa
- Do đặc thù công việc, trong khi nhiều người quây quần bên người thân trong giờ phút chuyển giao năm mới anh thường xuyên phải đón giao thừa ở … ngoài đường vì phải làm chương trình truyền hình trực tiếp. Vậy anh thu xếp thời gian ăn Tết với gia đình như thế nào?
- Tôi xa Hà Nội vào TP.HCM thấm thoắt đã 10 năm rồi. Nhưng năm nào cũng vậy, đã trở thành thông lệ, tôi nhận làm MC cho các chương trình đến ngày 30 Tết. Đến đêm giao thừa, tôi sẽ về nhà đúng lúc 12g để làm lễ cúng, cầu xin một năm mới nhiều điều may mắn, bình an và hạnh phúc. Sau đó, tôi đi ra ngoài đường dể đi lễ chùa với bạn bè rồi lại trở về nhà để sửa soạn đồ đạc và đáp chuyến bay đầu tiên của năm mới ra Hà Nội.
Bao giờ cũng vậy, tôi luôn có mặt ở nhà ngày mùng Một Tết để đi thăm bà con họ hàng. Đó là những giây phút mà tôi cảm thấy ấm lòng và bình an nhất trong năm. Tôi sẽ ăn Tết ở Hà Nội khoảng 1 tuần. Sau đó trở lại Sài Gòn và tiếp tục công việc của mình. Thường thì tôi chỉ đón xuân và vui xuân tại Hà Nội và Sài Gòn mà thôi. Tôi thấy như vậy là hạnh phúc lắm rồi.
- Mỗi khi nhắc đến Tết, anh nhớ điều gì nhất?
- Hễ nghe đến từ “Tết” là tôi nghĩ ngay đến việc được nghỉ nhiều ngày để về thăm gia đình ở Hà Nội (cười). Do công việc phải xa nhà nên lúc nào tôi cũng muốn được trở về nhà với cha mẹ và gia đình, đặc biệt là những ngày Tết thì thật tuyệt vời. Tôi thích ăn Tết ở Hà Nội với không khí lành lạnh, với những cành hoa đào nở rộ, với những món ăn ngày Tết rất đặc trưng của Bắc Bộ và quan trọng hơn cả là được gặp lại bà con họ hàng, bạn bè thân hữu lâu ngày không gặp để ôn lại những kỷ niệm thật đẹp của những tháng ngày đã qua.
- Kỉ niệm ngày Tết nào đáng nhớ nhất với anh?
- Do công việc không cho phép nên bây giờ tôi ít có dịp gói bánh chưng cùng với gia đình nữa. Nhưng tôi vẫn nhớ như in kí ức ngày trước, khi đó trời Hà Nội rét căm căm, cả nhà tôi cùng nhau rửa lá dong, vo gạo, vo đậu xanh, thái thịt … để chuẩn bị cho việc gói bánh. Nhưng tôi thích nhất là lúc cho bánh vào trong nồi, nhóm lửa bằng củi và thức cả đêm để trông nồi bánh chưng, rồi được vớt những mẻ bánh chưng xanh thơm phức ra khỏi nồi thật là tuyệt. Mặc dù trời rất lạnh, càng về đêm càng lạnh, nhưng ngồi cạnh nồi bánh chưng, ai cũng cảm thấy ấm áp, hơi ấm từ nồi bánh và cả hơi ấm của tình người. Tôi sẽ không bao giờ quên được những ngày tháng ăm ắp kỉ niệm đó.
- Nhiều người chia sẻ tuy đã lớn nhưng họ vẫn thích được lì xì vì cảm thấy được trở lại thời thơ bé. Anh có thích phong tục này không?
- Lì xì luôn là phong tục ngày Tết mà tôi thích nhất. Nhưng có một điều hơi khác. Hồi nhỏ, tôi háo hức nhận được bao lì xì của người lớn, còn bây giờ, tôi thích lì xì cho các em, các cháu mình. Nhìn thấy những nụ cười của các em, các cháu là mình hạnh phúc lắm rồi. Tôi nghĩ đó là một phong tục có ý nghĩa, một nét đẹp văn hóa vào mỗi dịp Tết đến xuân về mà chúng ta nên gìn giữ, để cầu chúc sự may mắn và tốt lành cho mọi người trong năm mới.
- Năm mới nhắc lại một chút chuyện cũ. Năm qua, anh đã “đầu quân” về kênh VTV9 của Đài Truyền hình Việt Nam. Công việc mới của anh như thế nào?
- Công việc chủ yếu của tôi hiện nay tại VTV9 là dẫn chương trình. Khi mới vào làm việc, tôi đã được tham gia dẫn chương trình cầu truyền hình kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27 – 7. “Bản hùng ca bất diệt” tại điểm cầu Phú Quốc. Đó là một chuyến đi thật đáng nhớ và nhiều ý nghĩa. Hiện tại, tôi tham gia dẫn các chương trình truyền hình trực tiếp và quay hình cho chương trình “Tôi là người Việt Nam” – talkshow trò chuyện với các nhân vật thành đạt trong nhiều lĩnh vực của đời sống, Quà tặng tình yêu … Dù đã gắn bó với công việc truyền hình 6 năm rồi nhưng khi đến với công việc mới, tôi cũng hơi bỡ ngỡ. Tôi đang cố gắng thích nghi để hoàn thành tốt công việc được giao. Tôi thấy rất vui khi được lãnh đạo và các đồng nghiệp VTV9 đón nhận và tạo điều kiện làm việc.
- Cám ơn những chia sẻ của anh. Chúc anh năm mới an lành, hạnh phúc!