Linh Nga: “Tôi như cục pin đã nạp đầy năng lượng”

Duy Khánh |

(Soha.vn) - Con gái vừa rụng rốn, chưa đầy nửa tháng, Linh Nga vội vã trở lại phòng gym để giảm cân. Bé Lunna vừa tròn 4 tháng, Nga đã tái ngộ khán giả bằng show diễn hoành tráng cùng Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Bông Sen – show diễn mang tính quyết định xem Linh Nga sẽ dừng lại hay bước tiếp với múa. Dường như với cô gái sinh năm 1986 này, dù có làm mọi thứ đi chăng nữa thì múa cũng là số một, không thể tách rời.

Sau nhiều lần trầy trật hẹn đi hẹn lại, cuộc gặp giữa phóng viên và diễn viên múa Linh Nga được sắp xếp vào một buổi chiều tại căn hộ chung cư cao cấp của gia đình cô trên đường Lê Thánh Tôn. Khác với vẻ sang trọng, đài các và sành điệu khi xuất hiện tại các sự kiện gần đây, Linh Nga lúc này trang phục giản dị, mặt mộc, không trang điểm để lộ làn da hơi xanh, cô xin lỗi vì trót thất hẹn những lần qua. 

Linh Nga nói tưởng rằng có thời gian rảnh sau hai đêm diễn Sen vừa rồi ở Nhà hát TP.HCM, ai dè quá bận rộn với con nhỏ, và lại vào ngay Tết. Tết này, vợ chồng Linh Nga ăn Tết ở Hà Nội cùng gia đình hai bên nội – ngoại. “Tết này là một cái Tết ý nghĩa với tôi bởi người ta nói Tứ đại đồng đường là phúc lắm, bốn thế hệ Linh Cầm, Vương Linh, Linh Nga và nay là Linh Linh cùng hội tụ!”.

Trưởng thành và nhiều năng lượng hơn

- Cảm giác của chị như thế nào khi sinh con xong và tiếp tục đứng trên sân khấu?

- Hồi xưa, mẹ cùng vì mê nghề, có bầu đến tháng thứ 7 mà vẫn còn đi diễn nên đẻ non tôi. Tôi muốn “an toàn” hơn nên nghỉ ngơi từ sớm để con mình được sinh đủ tháng. Nghỉ đúng 9 tháng ở nhà cho đến lúc đi tập lại, thú thật là lúc đó tôi thấy mình như một cục pin hết năng lượng vậy.

 Cho nên ngay khi sinh con, tôi bắt đầu tập luyện thể lực, tập những động tác nhẹ nhàng để có thể trở lại sân khấu trong thời gian sớm nhất. Bây giờ tôi cảm thấy mình trưởng thành và nhiều năng lượng hơn kể từ lúc sinh bé Lunna (tên ở nhà của bé Linh Linh).

- Trong giai đoạn nghỉ ngơi ấy, chị làm gì?

- Thời gian ấy, tôi ngồi nhà tranh thủ xem ti vi, xem hết tất cả các chương trình để biết “gu” của người Việt bây giờ ra sao, khán giả thích món gì nhất để lên ý tưởng cho những sản phẩm sau này của mình.

- Hai đêm diễn “Sen” ở Nhà hát Thành phố vừa rồi cũng nằm trong dự tính của chị lúc mang thai? Có vẻ chị lên kế hoạch cho cuộc đời mình khá chu đáo, lấy chồng, sinh con rồi… trở lại sàn diễn! Vừa về nước đã có show quảng bá, rồi show khẳng định thương hiệu, đến bây giờ vừa sinh con xong cũng tổ chức show…

- Đây là show của Nhà hát Bông Sen chứ không phải cá nhân tôi, có ca múa nhạc dân tộc đầy đủ… Tôi là một thành viên nên ý thức về sự đóng góp của mình, phần biểu diễn của tôi chỉ là một chương trình nhỏ của tổng thể chương trình. Một show diễn tôn vinh hoa sen, được nhận kỷ lục Guinness như vậy của nhà hát thì tôi không thể không tham gia được!

Mà ngay cả việc tham gia chương trình này cũng là một thử thách rất lớn đối với tôi. Sinh con xong, tăng 16kg, để được diễn lại tôi phải nhanh chóng lao vào giảm cân, rèn luyện thể lực. Ngay cả khi tập chương trình, mẹ tôi nói nếu nhắm mình không thực hiện được các kỹ thuật cần có thì thôi rút vào hậu trường luôn đi, cũng may là mọi việc đều tốt đẹp.

Tiết mục múa Phật Bà Quan Âm

- Tôi nghe nói chị còn kế hoạch dài hơi cho show diễn này lắm.

- Hai đêm diễn vừa rồi chỉ là những màn trình diễn chào sân thôi. “Sen” còn kế hoạch diễn 24 đêm nữa trong năm 2013. Đầu năm, chúng tôi sẽ mang “Sen” ra Nghệ An quê Bác nên có thể nói rằng đây chính là đêm diễn đặc biệt nhất, mang nhiều yếu tố tâm linh. Sau đó đến Hà Nội, Hội An, Nha Trang… và có thể sẽ xuất ngoại sang Nga và Anh nữa.

Nếu như “ Vũ ” (2008) và “ Sen ” (2011) tôi làm với mục đích mời bạn bè đến quảng bá thì “ Sen ” này là bán vé để nuôi nghệ sĩ. Chúng tôi không muốn làm một show tiền tỷ rồi lại cất kho. Tại sao người ta có thể bỏ mấy trăm đô đến Anh xem nhạc kịch Broadway, sang Singapore xem các ca sĩ nổi tiếng lưu diễn mà ở Việt Nam mình lại không có gì để xem? 

Thành phố Hồ Chí Minh là một điểm du lịch nổi tiếng với khách nước ngoài, vậy sao mình không mong muốn “ Sen ” sẽ được diễn đi diễn lại ở nhà hát như một điểm duy trì văn hóa, giới thiệu, quảng bá với họ? Đó là mục tiêu của tôi và các thành viên nhà hát.

- Có khá nhiều ý kiến trái chiều về giá vé (5 triệu đồng) của 2 đêm diễn này trong thời buổi kinh tế suy thoái, chị thấy sao?

- Giá là do nhà tài trợ quyết định, tôi không có quyền gì cả. Chính tôi còn thấy choáng, tự đặt dấu hỏi cho chính mình khi đem thắc mắc này hỏi nhà tài trợ, họ bảo: Một chương trình quy tụ hàng loạt các NSND, NSƯT đến cả những người du học 12 năm ròng ở nước ngoài về như vậy (diễn viên lớn nhất 70 tuổi – nhỏ nhất 7 tuổi), lấy 5 triệu nhân lên với lượng khán giả rồi chia cho số lượng diễn viên thì được bao nhiêu? Có nhiều lắm không?”…

Tôi thì nghĩ như vậy: 5 triệu đồng để đi ăn tiệc cũng hết, còn đây là món ăn tinh thần, sẽ không bao giờ là thiệt thòi khi bỏ tiền thưởng thức các “món ăn” văn hóa. Huống chi 5 triệu chỉ là những vé hạng VIP, chúng tôi vẫn còn những vé phổ thông hơn giá 1 triệu, 2 triệu đồng…

Gần 30 rồi, thời gian cũng chẳng còn nhiều…

 

- Linh Nga là một trong số ít các diễn viên múa giàu có, nổi tiếng với nghề. Tuy nhiên, chị kiếm được nhiều tiền không phải nhờ múa mà là nhờ quảng cáo! Có dư luận rằng về múa, nghề nghiệp chính thì chị cũng không phải là một gương mặt xuất sắc, thậm chí nhiều người đánh giá chị không bằng người bạn thân của chị - Thùy Chi. Chị nghĩ gì về điều này?

- Thuở mới về nước, còn khó khăn lắm, tôi đã từng được mời đóng phim, làm người mẫu và phải suy nghĩ kỹ lắm trước khi từ chối tất cả. Tôi nhớ diễn viên điện ảnh Chương Tử Di đã từng nói một câu: “Chính múa làm tôi có thêm nghị lực để đi tiếp con đường này. Cảm ơn những ngày tháng ở Học viện Múa Bắc Kinh, cảm ơn tuổi thơ cực khổ đã làm nên tôi bây giờ”. 

Nghệ sĩ múa ở Việt Nam có nhiều người nổi tiếng lắm chứ không riêng tôi, như cô Lê Vân, Lê Vy, chị Thanh Mai, Hồng Ánh hay Thu Minh, Đỗ Hải Yến nhưng hầu hết họ đều nổi tiếng khi chuyển qua đóng phim hay ca hát… Tôi luôn thấy mình may mắn khi gắn bó và nổi tiếng với nghề múa chứ không phải bất cứ ngành nghề nào khác. Tôi rất tự hào khi người ta gọi mình là Linh Nga múa chứ không phải Linh Nga diễn viên, người mẫu…

Còn về chuyện so sánh với Chi, tôi thấy hơi mệt mỏi vì mọi người không hiểu vấn đề. Tôi học dân gian, Chi học hiện đại. Tôi thiên về diễn xuất thì Chi lại chọn biên đạo, đâu có gì liên quan đến nhau mà mọi người cứ đem ra cân đong, đo đếm. Phải chăng vì chúng tôi là đôi bạn thân từ nhỏ nên mọi người nghĩ rằng có sự ganh đua thiệt hơn?

- Chị và Thùy Chi có lấy điều này làm hiềm khích khi luôn bị khán giả, truyền thông đem lên bàn cân như thế?

- Tôi và Chi lớn lên từ nhỏ cùng nhau, đi du học cùng lúc. Tình bạn của chúng tôi vượt trên những gì mà mọi người có thể đàm tiếu, bàn tán. Đôi khi chỉ cần nhìn nhau thôi chúng tôi cũng đủ hiểu nhau, chẳng cần đến nói câu nào! Sắp tới khi Thùy Chi tốt nghiệp xong rồi về nước, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội hợp tác cùng nhau hơn.

- Cứ 10 diễn viên múa thì có hết 7 người bỏ nghề sau khi sinh con rồi vì không đáp ứng được điều kiện của nghề. Chị có từng nghĩ đến chuyện ấy khi sinh bé Lunna không?

- Tôi gần cán đích 30 rồi, mà diễn viên múa tuổi đó thì xương cốt cũng cứng đi, nghề lụt hết. Nhưng nghĩ đến cha mẹ mình, tôi cố gắng…

Cha mẹ nuôi ăn học mười mấy năm, từ nhỏ đã hi sinh cả tuổi thơ để học múa, lúc 3-4 tuổi tôi đã biết duỗi mui chân. Đến lúc lấy chồng, tôi đã cảm thấy mình ở ngoài tầm tay của gia đình rồi. Nói gì thì nói, tình yêu của cha mẹ ít nhiều có sự “ích kỷ” trong đó. Khi tôi lấy chồng, bố mẹ đã mơ hồ sợ tôi bỏ nghề… 

Họ nghĩ tôi sẽ không làm tiếp được những gì họ mong ước. Tuy buồn lắm nhưng chẳng ai nói ra, tuy nhiên, tôi cảm nhận được sự lo sợ ấy của người lớn. Mẹ có nói với tôi rằng nếu con không sắp xếp được thời gian thì hãy ngừng lại đi. Múa không thể nửa vời được…

Bản thân tôi tự hỏi mình có nên dừng lại không khi quá mệt mỏi vì con, vì những đêm thức trắng chăm con quấy, rồi mình phồng lên như một quả bong bóng sau khi sinh… Tôi đã khóc rất nhiều, cuộc sống chỉ có giá trị khi mình đi đúng con đường, nên không thể lấy lí do đơn giản như vậy để đầu hàng, bỏ nghề dễ dàng như vậy được.

- Hướng đi sắp tới của chị là gì?

- Tôi quá chán ngán những câu hỏi “Linh Nga sinh con được bao lâu?”, “Gia đình như thế nào?”… rồi! Đã đến lúc khép lại những câu chuyện cá nhân để mọi người quan tâm đến công việc chính của tôi – một nghệ sĩ múa. Tôi 28 tuổi rồi, thời gian cũng không còn bao lâu nữa. Nếu như lúc mới về nước tôi muốn khẳng định mình, muốn kiếm sống… thì bây giờ tôi muốn đào tạo, huấn luyện, tìm ra người kế tục sự nghiệp của mình. Tôi sẽ chuyển dần sang biên đạo, dạy học…

- Cảm ơn những chia sẻ của chị. Chúc chị toại nguyện với những ước mơ và dự định mới!

Linh Nga là con gái độc nhất của cặp nghệ sĩ múa Đặng Hùng – Vương Linh. Cô lớn lên cùng nhóm múa “Những ngôi sao nhỏ” của cha mẹ mình. 12 tuổi đi du học tại Học viện múa Bắc Kinh (Trung Quốc) với học bổng toàn phần, chuyên ngành múa dân gian. Sau 10 năm du học, Linh Nga trở về và tổ chức “Vũ” liveshow riêng đầu tiên của một diễn viên múa tại Việt Nam. Hiện cô làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Bông Sen.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại