Tuấn Đăng - một trợ lý truyền thông đã có những chia sẻ chân thực về "góc khuất" khi tổ chức show diễn âm nhạc. Những lời chia sẻ thể hiện quan điểm riêng của Tuấn Đăng - một sinh viên 22 tuổi - thông qua các trải nghiệm liên quan tổ chức sự kiện.
Tuấn Đăng từng hỗ trợ truyền thông cho khá nhiều dự án âm nhạc ở Hà Nội và cũng tham gia tổ chức một số show nhạc với các ca sỹ trẻ.
"Câu chuyện này chẳng mới nhưng nó bỗng nhiên được nhắc lại bởi một cuộc chuyện phiếm giữa tôi và một người anh em... mới cắm đi cái sổ đỏ, bán đi cái xe và treo trên đầu một cái nợ gần nửa tỷ. Lý do: anh ấy làm show.
Bản thân tôi may mắn vì được tiếp xúc với quá nhiều êkip thực hiện các chương trình âm nhạc từ to đến bé, từ nhà nước đến tư nhân, show 100 người cũng có, 1000 người thì nhiều, đến cả show kín sân Mỹ Đình cũng đã từng được thử.
Và hơn ai hết tôi biết chắc một điều dù chẳng bao giờ nói ra nhưng lúc nào tôi cũng tự nhủ: Người trẻ làm show là đâm đầu vào chỗ chết!
Tuấn Đăng (thứ 3 từ phải qua).
Nhiệt huyết và máu lửa thì lúc nào cũng tràn đầy, nửa đêm đang ngủ bật dậy cũng có thể ngay lập tức vẽ ra một cái viễn cảnh sân khấu sáng rực đèn led, mờ ảo trong màn khói nitor và ở dưới là cả ngàn cánh tay giơ lên theo từng giai điệu.
Thú thực một điều, những người trẻ chúng tôi bị thu hút bởi những thứ như vậy, là sắc màu, là hào quang là sự sôi động. Chúng tôi chưa đủ trưởng thành để nhìn ra điểm yếu của bản thân, chỉ feel the beat cứ thế mà tiến thôi. Chết là ở chỗ đấy!
Khoảng 1 năm trước, tôi join vào team của JustaTee thực hiện chuỗi chương trình YOUNG MUSIC, cũng có thể nói đây là một chương trình thành công, nó thành công về mặt tinh thần đối với anh em tôi, chứ còn đề cập đến kinh tế thì tôi dám chắc Tee đã phải vật lộn khổ sở mất ăn mất ngủ hàng tháng trời.
Cứ thử tưởng tượng thế này cho dễ, để có 1 phút trọn vẹn đứng trên sân khấu, nghệ sĩ thì chỉ tốn hơi còn thằng làm show nó tốn cả hơi lẫn máu. Đó là những kẻ làm một cách chuyên nghiệp, mồ hôi công sức bỏ ra còn có sự tính toán chi li và kỹ lưỡng đến từng hào từng cắc.
Còn những người như chúng tôi, cứ để "khí thế" dẫn đường thì ngoài hơi sức ra rất có thể phải đánh đổi bằng chính cái mạng sống của mình, mỗi khi show bể.
Để làm được một chương trình biểu diễn quy mô nho nhỏ khoảng vài ngàn người, trước khi tính đến chuyện lỗ lãi, chúng tôi phải lo cả trăm thứ việc không tên, nào là xin phép được biểu diễn, rồi tìm thuê địa điểm, chọn đối tượng, thiết kế sân khấu, xây dựng hình ảnh, chọn lựa concept chương trình, biên tập làm sao để hút được khán giả.
Trời ạ! Chỉ những thứ cơ bản nhất đấy thôi cũng đủ để đè chết một êkip chuyên nghiệp chứ đừng nói là ba thằng trẻ ranh làm việc với nhau.
Rồi nào đâu đã phải chuyện dễ dàng, cứ cho là nắm được tâm lý của đối tượng khán giả rồi, thì truyền thông thế nào để bán được vé, cần bán bao nhiêu để thu được vốn đấu tư, cần chi bao nhiêu để hoàn thiện concept được đưa ra một cách hoàn chỉnh, bao nhiêu người để chạy được một chương trình.
Ôi nếu mà kể hết ra thì chắc sẽ phải viết thành sách "dạy làm show cơ bản".
Mà nào có ai dạy cho chúng tôi đâu, cứ đi xem, đi nghe, đi hỏi, làm đến đâu lại hỏi đến đấy, động đến cái gì là lại phải mò mẫm đến đấy, mấy thằng làm show tự phát như thế chẳng khác nào mấy thằng mù chỉ có trong tay một cái que củi mà phải tìm đường đi cứu cả thế giới. Ấy vậy mà chưa hết đâu!
Tính toán xong cả rồi, kế hoạch hoàn chỉnh rồi, concept chương trình hòm hòm lại phải tính chuyện ĐẦU TIÊN.
Cái chuyện ĐẦU TIÊN ấy là tiền ở đâu để biến những ý tưởng điên loạn bốc khói trong đầu kia thành hành động thực tế. Lại vất vả làm hồ sơ, gửi đi, van nài quỳ lạy xin xỏ để có được tiền, thậm chí nhiều người chả nói nhưng tôi biết, một khi mà đã quyết rồi thì sẵn sàng cầm sổ đỏ, bán đồ đạc để làm cho đến cùng.
Lúc đấy chẳng nghĩ gì đâu chỉ có háo hức và háo hức chờ đến giây phút đèn sáng lên trên sân khấu, nhạc đập uỳnh uỳnh giữa cả ngàn người. Cái cảm giác đấy còn phê hơn là chơi ma tuý (tôi đoán vậy). Cứ thế mọi thứ chảy theo nhịp điệu của ảo ảnh trong đầu.
Ý tưởng bắt đầu đi vào hiện thực, mọi thứ được booking, fix lại, các mối nối ghép lại với nhau và chờ đợi. Chờ đợi các "thượng đế nghệ thuật" rủ lòng thương.
Mà tôi nói thật khán giả Việt Nam buồn cười lắm, muốn xem show hay nhưng lại phải rẻ, muốn âm thanh tốt nhưng mà lại phải hoành tráng cơ.
Cứ cái gì rẻ hoặc cho không thì mới thích. Ấy cứ thế chúng tôi vẽ ra cho nó thật hoành tráng, đầu tư tất cả những gì chúng tôi có vào rồi, thì họ lại bỏ bơ, lảng đi. Họ coi việc đó là việc mà NHIỄM NHIÊN bọn tôi phải làm.
Ơ kìa, thế nếu mà tự làm tự xem thì góp tiền đi hát karaoke với nhau có phải là vui vẻ mà lại không lo bị chủ nợ nó giết không ?
Vé 500 nghìn kêu là đắt, ừ thì giảm, giảm đến cái độ mà không thể giảm nổi nữa vì nếu giảm nữa chỉ có nước đi bán thận bù lỗ, thế mà ngày lại ngày trôi qua cứ lèo tèo 10 vé bán ra, 5 vé bán ra. Ôi mẹ ơi, những ai chưa trải nhiệm cái cảm giác thấp thỏm lo âu ấy không thể hiểu nổi đâu, vừa háo hức mà lại vừa sợ. Mọi thứ rối loạn hết thảy. Đâm lao thì phải theo lao.
Trước ngày diễn một tuần (quãng thời gian thu về kinh phí) các phòng vé báo về, các địa điểm báo về: CHẮC CHẮN LỖ.
Anh em lại phải ngồi lại với nhau, được ăn thua chịu cưỡi hổ rồi nhảy làm sao được, thỉnh thoảng cũng có nước bàn lùi hay thôi bỏ, ok đồng ý bỏ, nhưng bỏ được show chứ làm sao bỏ được máu lửa trong đầu, vậy là thôi kệ, cứ diễn thôi, rồi về tính tiếp.
Nghệ sĩ cầm mic trên tay, khán giả đứng dưới vỗ tay hô hào náo nhiệt còn thằng làm show thì đứng đằng sau cánh gà khóc hết nước mắt.
Vì sổ đỏ lỡ cắm rồi, xe bán rồi, tiền chi ra rồi, lỗ thế này thì diễn xong chỉ nó nước dắt hết nhau ra LONG BIÊN thôi chứ biết làm sao.
Những đơn vị chuyên nghiệp, chủ đầu tư lớn tôi không tiện kể tên ở đây cũng chắc chắn không nằm ngoài cái vòng đau khổ tột độ này, chỉ khác là họ bản lĩnh và già hơn chúng tôi, họ còn có cái mà vớt vát, mất cái nhà còn cái lều mà ở.
Thực ra lỗ show đâu ai dám kêu đâu, vì há mồm kêu là nhận ngay gạch đá. thế là đành ngậm đắng nuốt cay ăn chay trường chờ ngày trả hết nợ.
Tôi thấy trước đây có vị nhạc sĩ nổi tiếng huỷ show, khán giả rú ầm lên chê bai đủ kiểu, còn bản thân thì tôi thấy ông ấy tỉnh vô cùng.
Đấy là cách bảo toàn nghệ thuật trong tâm tưởng tránh để bị tổn thương, cứ cố đấm ăn xôi làm chẳng ra gì thì có phải còn nhục hơn không, thà bỏ chờ cơ hôi, chấp nhận mất vài trăm triệu để mua cái chất nghệ cho mình còn hơn.
Nhưng đó là chuyện lão làng thôi, còn bọn trẻ chúng tôi thì đèn sân khấu tắt là mắt bắt đầu rơi lệ.
Nhưng mà về thì vẫn tự nhủ với nhau thôi đã trót chọn sống nghệ thì phải chấp nhận chết vì nghệ chứ biết làm sao. Rồi lại mỗi thằng một hướng cày kéo trả món nợ, để rồi khi vừa hết nợ lại nhấc điện thoại gọi nhau: Alo ông à! Mình triển show mới thôi."