Để các diễn viên có được làn da trắng và mịn như da em bé đoàn làm phim "Gió mùa đông năm ấy" đã sử dụng kỹ thuật quay mà các bộ phim điện ảnh hay phim quảng cáo thường sử dụng. Chính nhờ đặc điểm hình ảnh nhân vật hiện lên lung linh và không tì vết mà “Gió mùa đông năm ấy” đã trở thành cơn sốt trong giới người hâm mộ.
Khi theo dõi phim, người xem sẽ nhận thấy nhân vật cô gái bị lòa, người thừa kế số tài sản kếch xù từ một tập đoàn khổng lồ do nữ diễn viên Song Hye Kyo thể hiện là một cô nàng đẹp từ đầu đến chân. Cô sở hữu làn da trắng hồng, mịn như nhung. Không một nốt tràm, nếp nhăn hay lỗ chân lông nào được phép xuất hiện trên những khung hình của phim.
Theo tiết lộ từ đoàn phim thì bí mật cũng không có gì ghê gớm, đặc biệt không phải nhờ vào việc thẩm mỹ làn da của diễn viên mà là kỹ thuật quay phim. Đạo diễn hình ảnh của phim “Gió mùa đông năm ấy” là Kim Cheon Seok cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng nhiều góc quay cận cảnh nhằm giúp người xem đến gần hơn với cảm xúc của nhân vật trên phim”.
Bộ phim vốn là bản phim làm lại từ bản phim truyền hình của Nhật Bản mà nhiều người Hàn Quốc vốn cũng không mấy xa lạ. Vì vậy, để tạo sự khác biệt cho phim, nhà sản xuất đã phải sử dụng đến kỹ thuật hình ảnh đặc biệt nhằm làm nổi bật những biểu cảm hay những chuyển động dù nhỏ nhất trên khuôn mặt của diễn viên, thậm chí là cảm nhận được ánh mắt sáng long lanh của nhân vật trên màn ảnh.
Đặc điểm của những góc quay cận cảnh là khuôn mặt của diễn viên gần như sẽ choán một phần lớn trên màn hình tivi. Đây cũng là một kỹ thuật quay mới và độc đáo đối với thể loại phim truyền hình thông thường. Bởi phim truyền hình vốn ít khi thực hiện các góc quay cận cảnh mà chủ yếu tập trung khai thác những góc quay tầm gần trung bình hoặc quay bán thân.
Trong phim, cảnh Song Hye Kyo trang điểm tô son hay cảnh cô đứng ở bờ sông là những cảnh khiến người xem cảm nhận thấy vẻ đẹp lung linh nhất. Kỹ thuật quay này vốn rất phổ biến đối với thể loại phim hay MV quảng cáo, phương pháp quay cận cảnh này của phim quảng cáo giúp người xem có cảm giác thực sự gần hơn với nhân vật.
“Tôi muốn có những đột phá về nghệ thuật hình ảnh vốn có những quy chuẩn định sẵn trước đó cho thể loại phim truyền hình. Tôi không đi theo xu hướng quay toàn cảnh và cận cảnh tầm trung thông thường. Thêm nữa đó còn nhờ kỹ năng diễn xuất tài năng của Song Hye Kyo và Jo In Sung khi biết dùng đôi mắt để thể hiện cảm xúc, những khung hình này thường được tôi quay gần hơn bao giờ hết”, ông Kim Cheon Seok tiết lộ.
Đó là về kỹ thuật, còn về phương tiện máy móc, đoàn phim đã sử dụng loại máy quay Alexa Plus có độ phân giải cao, kỹ thuật quay tốc độ cao với những khung hình có màu sắc tươi sáng và lộng lẫy.
Khâu kỹ thuật hậu trường cũng là cách mang lại hiệu ứng cao cho phim, công việc chỉnh sửa biên tập sau khi quay cũng ngốn không ít thời gian. Thực tế là phim được khởi quay từ tháng 11/2012, khi tập 1 của phim được phát sóng thì tập 8 cũng đã hoàn thành những cảnh quay cuối. Việc này giúp các nhân viên hậu trường có thời gian cho việc chỉnh sửa các khung hình trở nên long lanh. Mỗi tập phim có thời lượng 62 phút được tạo nên từ hàng nghìn khung hình và đều phải qua công đoạn gia công chỉnh sửa đến chi tiết.
Thiết bị chiếu sáng của “Gió mùa đông năm ấy” về số lượng cũng được huy động gấp đôi so với các bộ phim truyền hình thông thường khác. Tại trường quay ở Icheon, Gyeonggi đã sử dụng máy phát sáng có công suất lên đến 300 kilowatt đủ để cung cấp điện năng cho các đèn chiếu có cường độ chiếu sáng gấp 3 -6 lần so với máy phát sáng thông thường. Đạo diễn ánh sáng Park Hwan chia sẻ về công việc của mình trên trường quay: “Theo cách suy nghĩ của tôi cũng như đạo diễn Kim thì diễn viên cũng phải trông thật đẹp ngay cả khi họ khóc. Chúng tôi cố gắng tận dụng nhiều ống kính máy quay để tạo ra những khung hình tràn đầy cảm xúc”.
Những khung hình đẹp lung linh và diễn viên mịn không tì vết trong "Gió mùa đông năm ấy".