Khỏa thân cả tiếng đồng hồ, không kiếm đủ tiền mua bát phở

Cũng mang danh “người mẫu”, nhưng không ăn sung mặc sướng như một số “người mẫu” chân dài mỗi lần bán thân đã kiếm hàng ngàn USD, mỗi giờ đồng hồ khỏa thân của họ chỉ nhận khoản thù lao bèo bọt chưa mua nổi bát phở.

Đó là câu chuyện của những người ngồi làm mẫu vẽ cho những sinh viên, họa sĩ.

Hy sinh vì nghệ thuật

Gần 11h30’ trưa, bác Trần Văn Hà  (quê Hà Nam) mới kết thúc buổi ngồi mẫu. Một giảng viên quản lý lớp mà bác Hà ngồi mẫu giới thiệu trước, đây là “người mẫu tận tụy nhất trường”. “Bất đắc dĩ lắm mới được cử động một chút để gãi ngứa, lau mồ hôi. Chứ như bác Hà thì ngồi im cả buổi. Có tư thế của mẫu nữ phải vặn hông, mẫu nam thì chân trụ, chân nghỉ. Ngồi như vậy rất mỏi, người không quen chỉ ngồi mươi phút sẽ chóng mặt, hoa mắt, có người ngất xỉu”, vị giảng viên nói về nỗi cực khổ của những người mẫu.

Vừa mặc quần áo xong sau khi kết thúc tiết học, bác Hà xuýt xoa vì lạnh. Tuổi ngoài 60, bác Hà đã làm nghề được gần 20 năm. Trộm nghĩ với thời gian làm việc dài gần bằng số năm công tác của một công chức, có lẽ bác phải được chế độ lương bổng ổn định.

Thế nhưng, bác cho biết: “Cái nghề này làm giờ nào “ăn lương” giờ đấy. Như tôi, mỗi tiết học được 24 - 25 ngàn đồng, phụ nữ ngồi mẫu thì được hơn một chút. Không có lương cố định, không có chế độ hưu. Làm thì làm, không muốn làm nữa thì thôi”.

mẫu nude, thù lao
Hình chỉ mang tính minh họa (nguồn Internet)

Ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp có khoảng 15 – 17 người chấp nhận mức thù lao bèo bọt, cả giờ ngồi mẫu không được bằng bát phở như vậy.

Mức thù lao của Đại học Mỹ thuật Hà Nội (thường gọi là Mỹ thuật Yết Kiêu) gần đó thì lại cao hơn một chút: từ 50 – 60 ngàn đồng/tiết ngồi mẫu. Nếu muốn kiếm tiền thêm, những người mẫu có thể tìm đến các lò luyện thi đầu vào của các trường mỹ thuật, nhận khoảng 160 ngàn đồng cho một giờ ngồi mẫu. Mà ở các lò luyện, chỉ mẫu nam mới được chấp nhận, do đặc thù của các trường là thí sinh thi đầu vào chỉ vẽ mẫu nam, không vẽ mẫu nữ.

Trở lại câu chuyện của bác Hà, bác tâm sự: “Tiền thù lao chẳng được bao nhiêu. Hằng ngày tôi đạp xe từ nhà con gái cách đây hơn chục cây số đến trường, ngồi mẫu khoảng 4 – 5  tiết thì về. Tổng thu nhập mỗi tháng được khoảng 3 triệu đồng, có tháng sinh viên học ít, chỉ kiếm được hơn triệu bạc”.

Nhà bác Hà ở tận Hà Nam, vợ bác vẫn ở quê làm ruộng từ gần 20 năm nay. Tiền công ngồi làm mẫu vẽ đủ cho bác nuôi con cái, đến giờ có một người con gái đã lấy chồng, bác ở cùng người con gái này.

Hỏi bác có e ngại mọi người biết công việc “đặc biệt” của mình không, bác nói rất “chuyên nghiệp”: “Người ngoài thì không, nhưng người nhà đều biết công việc của tôi. Tôi thì thấy bình thường, nhưng các chị phụ nữ thì cũng hơi e ngại. Nói cho cùng, cũng phải có người hi sinh vì nghệ thuật, vì việc học việc dạy của các họa sĩ chứ?”

Theo lời kể của bác Hà, thù lao mấy năm trước còn ít hơn, chỉ chưa đầy 20 ngàn đồng/tiết ngồi mẫu.

Thế nên hầu như tất cả “dàn người mẫu” cả nam lẫn nữ ở trường này đều đạp xe, hoặc đi xe bus đến trường. Cô Hoa, chị Liên nhà mãi tận Sơn Tây (Hà Nội), ngày thường đi buôn bán rau quả nhì nhằng, ngày có tiết ngồi mẫu thì đạp xe rủ nhau lên trường. Anh Năm, thợ chữa xe, rửa xe gần trường thì đi bộ đến, lúc nào “chạy sô” sang làm mẫu ở trường Yết Kiêu thì đi xe bus… Cô Loan, ngồi mẫu ở trường đã gần 20 năm, tiền công cũng chỉ đủ chi tiêu rất tằn tiệm.

Một thái độ chung của những người mẫu ở đây là sự mềm mỏng, cam chịu. Chị Liên, mẫu nữ trẻ có khuôn mặt rám nắng xinh xắn, bảo: “Tiền thù lao có thế, biết làm sao được”.

Có lẽ chính vì tính cách đều rất thuần hậu, chất phác như thế, những người mẫu ở đây mới có đủ chữ “nhẫn” để ngồi bất động hàng giờ liền. Thậm chí, họ còn phải chịu đựng những “tai nạn” trên trời rơi xuống của nghề mẫu “nuy”.

Nghề nguy hiểm

Đa số mẫu nữ đều ở tuổi “sồn sồn”, từ U40 trở lên. Mẫu nam cũng có người trẻ hơn, nhưng đa phần từ U50, có người đã ngoài 70 tuổi.

Thêm một chi tiết thú vị nữa, những cô gái đẹp kiểu “nghiêng nước nghiêng thành” có khi ngồi không công cũng chẳng ai thèm vẽ. Lý do là mọi họa sĩ mong muốn ở các người mẫu là phải có một đặc điểm nổi trội về hình thể, ví dụ thật lùn, thật cao, thật béo, thật gầy gò khắc khổ… “Mẫu càng xấu, càng khắc khổ thì càng dễ bắt ra đặc điểm. Chứ mẫu “nuột” quá, đẹp quá thì lại chẳng có gì để vẽ!”, một sinh viên cho biết.

Nghề này có một “dạng tai nạn” mà các mẫu “nuy” hiện nay rất sợ, tương đối giống với nghề của những “đồng nghiệp” là các cô người mẫu xinh đẹp trên sàn diễn thời trang. Đó là tình trạng sinh viên chụp trộm vài kiểu ảnh của mẫu trong “trang phục Adam, Eva”.

Một mẫu nữ ở trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, tuổi đã ngoài 30, đã từng là nạn nhân của trường hợp trên. Khi biết bức ảnh chụp mình trong giờ ngồi làm mẫu “nuy” được chia sẻ tràn lan trong giới sinh viên mỹ thuật, chị đã bỏ ngay công việc làm mẫu.

Một mẫu nữ tại trường này tâm sự: “Chính vì những chuyện như thế nên chúng tôi rất sợ khi có người lạ vào trường. Trước đây, mẫu không mặc gì trên người thì trường còn quản lý chặt, thấy người lạ vào là đuổi ra ngay. Gần đây mẫu được mặc quần “chip” thì chuyện này lại lơi lỏng, nhiều khi rất sợ mình bị quay lén, tung lên mạng mà không biết”

Đa phần mẫu nữ trong các trường mỹ thuật ở Hà Nội đều giấu gia đình công việc của mình. Không hiếm trường hợp mẫu nữ bị chồng hay người yêu chia tay khi biết công việc “đặc biệt” của họ.

Có câu chuyện được giới sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp lưu truyền: Có anh mẫu nam chuyên mặc áo vest, sơ mi trắng, thắt cà vạt… ngoại hình trông như “giám đốc”. Sinh viên mới đến, thường nhầm anh là giảng viên nơi khác đến thăm trường. Đến giờ học, anh mới cởi bỏ “quần áo ngụy trang” để ngồi mẫu “nuy”. Lý do: “Mặc như thế cho gia đình khỏi biết”.

Chẳng thế mà Họa sĩ Ngô Bá Thảo, quyền Chủ nhiệm khoa Mỹ thuật cơ sở của trường này, chẳng mặn mà tiếp chuyện khi chúng tôi bày tỏ ý định tìm hiểu về công việc của những người làm nghề ngồi mẫu. Ông bảo: “Lương cho họ đã không bao nhiêu, làm việc lại vất vả. Có người bị chồng bỏ vì tội đi làm mẫu “nuy”. Giờ phóng viên vào quay phim, chụp ảnh thì còn ai dám làm cho chúng tôi nữa?”.

Nghề mẫu vừa vất vả, nhọc nhằn, thù lao thấp, lại nhiều tai nạn. Thế nhưng vẫn có những người lặng lẽ đeo đuổi công việc này.

Chuyện “học chay”, không có mẫu hoặc dùng ảnh, video thay thế người mẫu là không thể. Vậy mà một chế độ đãi ngộ tốt hơn cho những người mẫu hi sinh thầm lặng sau các tác phẩm hội họa vẫn là quá xa vời, khi những giáo viên dạy mỹ thuật còn than thở: “Giảng viên như chúng tôi còn được có vài chục ngàn một tiết dạy, thì làm sao có cơ chế để tăng thù lao cho người mẫu?”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại