Tôi gặp Hoàng Phi khi bộ phim 49 ngày kết thúc họp báo ra mắt ở thành phố Hồ Chí Minh được một ngày. Đây là bộ phim điện ảnh thứ ba Hoàng Phi tham gia nhưng là lần đầu tiên anh vào vai một chàng bóng trên màn ảnh rộng.
Điều tốt đẹp là sự liều lĩnh đó đã mang lại thành công cho chàng trai trẻ. Hoàng Phi kể, ngay trong buổi công chiếu đầu tiên, tới cảnh Lisa (vai diễn của Hoàng Phi) cãi nhau với mẹ và bị ăn tát, một cô lớn tuổi ngồi sau lưng anh đã lớn tiếng: “Đúng rồi, phải tát vô trong mặt của nó, mất dạy”.
“Như một phản xạ, tôi tuột xuống từ từ trên ghế xuống để người ta không thấy mình. Đó là một cảm giác rất thú vị và hạnh phúc khi khán giả chấp nhận hình ảnh, tình huống đó trong bộ phim”, anh cười.
Hỏi Hoàng Phi có sợ sự khó tính của công chúng khi nhận một vai diễn nhạy cảm như thế không, anh lắc đầu.
Nam diễn viên trẻ tâm sự, trên sân khấu kịch, số vai đồng tính anh đã nhận bây giờ không thể nào đếm được trên đầu ngón tay. Hiệu ứng của các vai diễn khá tốt nên khi nhận vai Lisa anh không cảm thấy quá lo lắng.
“Diễn viên là một công việc ăn cắp cuộc đời tất cả mọi người. Tôi ăn cắp hình ảnh đồng tính đó từ những người bạn đồng tính xung quanh tôi và đưa vào vai diễn. Lisa là một vai đồng tính có câu chuyện, có chiều sâu. Đó là lý do tôi muốn làm.
Còn bạn không thể nào xác định được khán giả thích cái gì, ghét cái gì. Nghệ sĩ hãy cứ làm và khán giả sẽ là người quyết định có được hay không.
Nếu được yêu thích thì tốt, còn nếu không thì mình sai rồi và sau này sẽ không làm chuyện đó nữa. Bạn hãy cho khán giả được quyền lựa chọn cái nào là đúng”, anh khẳng định chắc nịch.
Sống dựa vào cảm xúc
Trò chuyện với chàng trai sinh năm 1989, người đối diện sẽ nghe anh nói nhiều về cảm xúc. Đó là yếu tố tiên quyết, tác động rất lớn đến cuộc sống và con đường nghệ thuật của Hoàng Phi.
Cũng vì hai chữ cảm xúc mà anh chưa bao giờ đặt ra bất kỳ tiêu chuẩn hay đòi hỏi nào cho vai diễn sẽ nhận, cứ đọc kịch bản, thấy thích, ừ thì nhận lời.
Và khi nhận lời làm việc gì đó, anh sẽ bỏ hết tất cả những cái khác. Lý do cho điều này cũng vô cùng đơn giản: “Đầu tôi dở lắm, làm nhiều việc dễ bị căng thẳng”.
Cũng vì hai chữ cảm xúc mà khi tôi hỏi về những kỷ niệm thú vị trên con đường làm phim, anh bảo nhiều lắm rồi bỗng khựng lại và lắc đầu nguầy nguậy: “Kỷ niệm thì nhiều nhưng chuyện qua lâu lắm rồi, giờ tôi cũng chẳng thấy chúng còn thú vị để nhắc lại”.
Hoàng Phi kể: “Ngày bé tôi nhát lắm nên mẹ quyết định cho đi học cái gì đó để dạn lên. Kịch đến với tôi như vậy, ban đầu là sự háo hức của một đứa trẻ, sau đó tôi nhận ra không đơn thuần là thích nữa mà yêu nó luôn rồi. Kịch là của tôi và tôi chỉ dành cho nó. Đó là nghiệp.
Tập trung vào kịch nên tôi học chữ chỉ ở mức hoàn thành. Ba mẹ rất vất vả khi điều chỉnh giữa lịch tập kịch của tôi và lịch học. Có một thời gian, vì lo lắng quá, ba cấm luôn nhưng tôi vẫn trốn đi.
Năm 12 tuổi, tôi nhận được giải Nam chính xuất sắc. Điều này bất ngờ đến đỗi người ta còn nói với tôi: “Nếu tao biết mày có giải thì tao cho mày ra Hà Nội nhận giải luôn rồi”.
Tới nỗi khi chú đạo diễn lên nhận giải dưới cái tên Lê Hoàng Phi, khán giả bên dưới cũng thấy bối rối. Họ luôn miệng hỏi: “Hoàng Phi là ai?”.
Cũng vì nó mà đến bây giờ mọi người hay trêu tôi: “Mày có 15 năm tuổi nghề rồi và một huy chương vàng rồi, giờ thêm cái nữa là lên Ưu tú luôn”. Thật sự, đó là một cột mốc cực kỳ lớn trong cuộc đời.
Nhưng chẳng hiểu sao sau khi nhận giải đó, về sân khấu tôi không diễn được, không thoại được, không làm được gì. Cứ bước lên là run lẩy bầy, mồ hôi tủa ra như tắm.
Cố gắng không được, tôi phải chấp nhận mình không diễn được nữa và nghỉ một thời gian. Sau đó tôi có đi tập lại, bắt đầu bằng những vai nhỏ nhưng nản quá nên nghỉ luôn”.
Nghỉ học để sống cuộc đời của mấy ông già
Đó là quãng thời gian chông chênh trong cuộc đời của cậu bé mới lớn. Không thể diễn kịch, việc học cũng dang dở.
Hoàng Phi mất ba năm, đổi 4 trường khác nhau vẫn chưa học xong lớp 12. Cứ học nửa năm anh lại bị đuổi vì vô trường chỉ để nói chuyện chứ không muốn học.
“Ở nhà thì buồn, đi học chỉ muốn đi về. Tôi học nội trú nữa nên bao nhiêu ức chế tâm lý bị dồn vô đó. Khi tôi quyết định không học nữa, ba nói không thích thì nghỉ.
Cách dạy con của ba tôi khác người ta ở chỗ đó. Và tôi về trại chó của nhà ở Lái Thiêu để làm việc, sống cuộc đời của mấy ông già.
Khi Ngọc Trai kêu đi làm MC, tôi mới nhận ra việc không có bằng 12 là thiệt thòi rất lớn. Tôi không biết nó có ảnh hưởng đến sự hiểu biết của mình hay không nhưng đó là một thiệt thòi khi nói ra và tôi muốn đi học lại.
Tuy nhiên, khi bạn quay trở lại, học tập ở một môi trường chỉ mình bạn muốn học trong khi xung quanh chẳng ai muốn thì cũng chẳng học được.
Được hai tháng, tôi quyết định dừng lại, lấy đó làm một sự nhục nhã để cố gắng nhiều hơn trong những công việc khác.
Đến bây giờ, đôi khi gây lộn với thằng em, chỉ cần nó nói: “Ông thi Đại học chưa mà ông nói”, tự nhiên mình thấy nhột, đúng tâm lý nên im lặng.
Thật ra tôi nghĩ, nếu lặp lại chuyện đó một lần nữa, tôi cũng sẽ giải quyết vậy vì tôi sống bản năng lắm. Nhưng tôi không muốn ai giống vậy nữa, thực sự rất khó khăn”, anh chiêm nghiệm.
Quay trở lại với đam mê
Dù không được đào tạo bài bản hay học qua trường lớp nhưng trong vai trò MC, Hoàng Phi để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả trẻ bởi lối dẫn dắt tự nhiên và hài hước.
Không ngoa nếu nói rằng anh đã phá vỡ hoàn toàn quan niệm của công chúng về hình ảnh đạo mạo của một MC thời bấy giờ.
“Tôi thích cách dẫn của một MC trong bộ phim gì đó đã quên mất tên. Anh nói chuyện rất duyên và khiến người xem có cảm giác như họ cũng đang ở trong phòng khách nhà anh ấy.
Anh có thể đi pha cà phê và làm tất cả mọi chuyện trong nhà. Khi xem, tôi đã tự hỏi: “Tại sao mình không làm vậy?”.
Rồi từ đó, tôi luôn tâm niệm sẽ giỡn chơi trong nghề MC nhưng phải giỡn chơi như thế nào để kiến thức vẫn có trong đó và không ai bắt bẻ mình được. Tôi đã làm khá thành công với thử nghiệm đó.
Tuy nhiên, bây giờ tôi không làm được nữa vì cảm xúc đã thay đổi. Đó cũng có thể xem là thiệt thòi của những người làm việc và sống theo cảm xúc như tôi bởi khi không có nó thì người ta không làm được gì hết”, anh cười.
Sau vài năm gắn bó với nghề MC, khi sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, Hoàng Phi quyết định nghỉ ngang, quay trở lại sân khấu khi nhận được lời mời của Thế giới trẻ. Đối với anh, kịch đã là nghiệp và suốt đời này không thể nào dứt ra.
May mắn là những run rẩy, lo lắng không còn nữa, chàng trai trẻ còn cảm thấy như được về nhà.
“Đứng trên sân khấu bây giờ, tôi thấy rất tự tin vì biết xung quanh mình là ai và bản thân có thể làm được những gì. Thế nên, một khi đã quay lại nơi đây, tôi chẳng muốn làm gì khác nữa.
Mỗi ngày tôi thức dậy, ăn sáng, uống cafe, đi chơi, quan sát và lưu lại mọi thứ trong đầu để có thể làm công việc mà tôi yêu thích nhất”, Hoàng Phi chia sẻ.
Ảnh: Thành Đạt