- Cái đấy thì tôi chịu! Điều tôi có thể làm lúc này là tiếp tục làm cho tốt phần việc của mình (chỉ đạo ban nhạc cho The Voice - PV). Làm tới đâu “ăn” tới đó! Còn những việc khác mình nghe thế biết thế chứ không thể làm gì khác!
- “Mũ ni che tai” cho lành?
- Không phải! Mà đơn giản, đó là cách làm việc chuyên nghiệp, và cái này tôi học được ở nước ngoài: Chỉ quan tâm đến việc mình làm, đừng quan tâm đến việc người khác, nhất là với những việc nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.
- Lẽ nào anh có thể vô cảm đến thế trước những ồn ào?
- Thực sự, nếu cảm thấy bất bình, tôi cũng không muốn làm mọi việc rối lên thêm nữa. Thiếu gì cách tốt hơn để góp một tiếng nói, nhất là khi đó còn là bạn mình. Lại là lúc bạn đang gặp khó khăn thì trước mắt mình phải giúp họ đã!
Nhạc sĩ Hoài Sa.
- Không cần biết đúng, sai?
- Giúp đã, sai đúng tính sau! Và giúp đây không phải là bênh, mà có thể mình sẽ nói sau, nói từ từ với bạn, biết đâu lúc đó sẽ thấm hơn.
- Nhưng công chúng đâu có chờ lâu thế được, khi họ đang cảm thấy bị lừa. Một loạt “hội những người tẩy chay The Voice”, anh không thấy sao?
- Đã đành! Nhưng ý mọi người là sao? Là muốn Phương Uyên ngay lập tức rời khỏi cái ghế giám đốc âm nhạc của The Voice chứ gì? Điều đó có thực sự cần thiết không, khi dù là thay thợ xây, thì cũng vẫn trên cơ sở bản vẽ đã có của kiến trúc sư kia mà? Và thậm chí, Phương Uyên vẫn có thể âm thầm đứng sau.
Vậy thì, thay Phương Uyên cùng lắm cũng chỉ là một “động tác giả” để làm dịu lòng dư luận thôi chứ, có đáng để “vắt chanh bỏ vỏ”?
Hay nặng hơn, là loại vĩnh viễn Phương Uyên ra khỏi đời sống âm nhạc, để cô ấy qua Mỹ sống (cùng ba mẹ) và làm một nghề khác chứ gì? Sao không nghĩ nếu như chúng ta cho cô ấy một cơ hội và nếu quả thực cô ấy sai, thì cô ấy sẽ phải nỗ lực gấp trăm lần để sửa sai? Còn nếu như cô ấy bị oan, thì cô ấy cũng sẽ cố làm cho tốt hơn để minh oan bằng được cho mình.
Ca sĩ Phương Uyên.
- Liệu có sợ rằng cứ mỗi một lần làm sai lại được cho một cơ hội làm lại thì sẽ “nhờn thuốc” không anh?
- Trời, ai mà dám làm vậy lần nữa! Thế nên, chửi bao nhiêu vậy tôi nghĩ đủ rồi! Rồi thì còn cho người ta cơ hội sửa sai với chứ. Nnếu như cứ cương quyết loại vĩnh viễn người ta ra khỏi showbiz thì coi như đó là cái “án tử hình” đối với một người làm nghệ thuật còn gì!
Dù gì thì đây cũng có phải là một dạng tội phạm hình sự đâu, và ngay cả với những tội phạm hình sự thì nhiều người trong số họ vẫn còn có cơ hội trở lại với đời sống.
Trộm cắp đi tù về vẫn có thể tỉnh bơ ra đường đi chơi được mà không bị ai nhận mặt. Nhưng với một người của công chúng, một khi đã bị chỉ trích, thì họ đâu còn có thể sống bình thường được nữa, họ đi đâu cũng bị dòm ngó, dèm pha, và đó là cái án nặng nhất với họ rồi còn gì.
- Anh có chắc là mình có đủ công tâm khi Phương Uyên là bạn anh và đang cùng trong một êkip?
- Nếu như đây không phải là Phương Uyên mà là một đồng nghiệp khác thì tôi cũng sẽ nói như vậy vì đây thực sự là những suy nghĩ chân thành nhất của tôi.
Và không phải đến giờ tôi mới thấy trăn trở vì điều này. Còn nhớ vụ “Bảo Chấn đạo nhạc” không? Chú Bảo Chấn là thần tượng của tôi…, cũng như bao thế hệ nhạc sĩ trẻ khác, bởi trước hết, chú là người chơi piano hay nhất mà chúng tôi từng biết, đồng thời là một nhạc sĩ phối khí có tài và có nhiều sáng tác hay như chúng ta từng thừa nhận…
Nhưng kể từ sau tai nạn nghề nghiệp đó, và dưới một trời búa rìu dư luận, người nhạc sĩ có tài đó đã gần như biến mất khỏi đời sống nhạc Việt. Điều đó thực sự khiến tôi cảm thấy rất đau lòng, mỗi khi nhớ đến.
- Anh cho rằng Bảo Chấn bị oan?
- Oan hay không, cứ nhìn vào nhạc Việt lúc này thì biết! Giờ dân tình người ta đạo nhạc thậm chí còn gấp cả nghìn lần: từ ăn cắp nhạc, lời, thậm chí còn bê nguyên cả bản phối, thản nhiên như không.
Đấy, vậy thử hỏi, loại bỏ chú Bảo Chấn ra khỏi làng nhạc, thì nhạc Việt từ bấy đến nay có tốt lên không, hay còn tồi tệ hơn? Hay đơn giản, người ta thay vì làm xấu công khai, sẽ chuyển qua bí mật, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn? Rồi bao trùm lên showbiz là một lối hành xử đề phòng nhau, cảnh giác nhau, thủ thế trước nhau? Và trên hết, là làm những người trẻ như chúng tôi đôi khi cảm thấy mất niềm tin ghê gớm.
- Vì nhạc Việt đã để mất Bảo Chấn?
- Mất một con người, dù là một người tài, với cá nhân người đó, có thể chưa phải đã là một điều ghê gớm nhất. Mà cái mất lớn hơn, như tôi vừa nói, chính là mất niềm tin, của không chỉ một con người, mà có thể, còn là của cả một thế hệ trẻ, những người đang háo hức muốn chứng minh mình…
Tại sao ở ta, người ta lại háo xem đánh nhau quá vậy: hàng xóm chửi nhau - giỏng tai nghe, tai nạn giao thông - xúm vào xem, một người nổi tiếng hay một chương trình hot gặp sự cố - lao vào đánh…
Gây ồn dễ thế, “vẽ đường” dễ thế, chả trách người ta càng ngày càng thích dùng cách đó PR, hoặc chơi xấu nhau.
- Ý anh là nhạc Việt đừng để mất thêm Phương Uyên, sau khi đã để mất Bảo Chấn?
- Không chỉ nhạc Việt mà trong đời sống thường ngày, tôi nghĩ cái gì cũng không nên làm quá, đừng dồn một ai đó đang ở thế yếu vào chân tường. Vì có đứng trong showbiz, bạn mới hiểu được rằng: người bị bêu xấu trên mặt báo ngày hôm nay chưa chắc đã là người xấu nhất.
Những kẻ xấu biết đâu là những kẻ chưa bị lộ và có thể là chẳng bao giờ bị lộ vì họ khéo giấu, họ tinh vi và khôn lỏi hơn, hoặc chẳng ai buồn nhắc tới vì cả làng trừ họ ra. Đó mới là kẻ xấu nhất.
Không phải ngẫu nhiên mà trong sự cố vừa qua vớiPhương Uyên, cô ấy đã may mắn không bị người bạn nào bỏ đi, dù có thể không hẳn đã bỏ qua. Với tôi, giá trị đó, ở một con người, còn quan trọng hơn cả tài năng.