Là 1 chương trình âm nhạc khá đặc biệt, Giai điệu tự hào không chỉ cho khán giả nghe nhạc mà còn giúp họ có cái nhìn đa chiều hơn về nhạc đỏ, về 1 thời máu lửa của dân tộc. Những vị khách mời đại diện cho 2 thế hệ của xã hội Việt Nam sẽ ngồi lại với nhau, thẳng thắn chia sẻ những quan điểm, những góc nhìn với nhau về vấn đề chiến tranh, lịch sử dân tộc.
Với concept khá “thoáng” này, việc mời Hoa hậu Thu Thủy – người luôn có những phát ngôn gây sốc vì quá thẳng thắn ngồi ghế nóng, đại diện cho quan điểm của giới trẻ thực sự khiến chương trình trở nên “nóng” hơn hẳn.
Đặc biệt, trước đó, khi nói về những chia sẻ của mình trong chương trình này, Thu Thủy đã "cảnh báo" trước: "Những điều tôi chia sẻ trong chương trình thật nên nhiều khi hơi phũ, đôi lúc không thuận tai, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, đả kích”.
Hoa hậu cũng từng lên tiếng trên trang cá nhân, thẳng thắn chỉ ra những "bệnh tuổi tác" của hội đồng bình luận lớn tuổi. Theo ý chị, những vị khách mời của hội đồng bình luận lớn tuổi thường: "hay công kích cá nhân, hay cắt ghép và qui chụp, hay nói chân lý".
Trước sự "rào trước đón sau" này, người ta chờ đợi những phát ngôn “thẳng tuột” và có phần hơi bất cần, hơi cực đoan từ phía Thu Thủy. Song, cách nói chuyện của Thu Thủy trong Giai điệu tự hào số 3 lại khác hẳn.
Vẫn là những chia sẻ rất chân thành, thẳng thắn, nhưng những nhận xét và đánh giá của Thu Thủy dường như mềm mại và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Chị thừa nhận những thiếu sót của giới trẻ đối với vấn đề ứng xử với quá khứ dân tộc, song chị không lên án, không phủ nhận những hoài niệm về công lao và những hi sinh mất mát của lớp cha anh đi trước.
“Thế hệ chúng tôi khi phải đối diện với quá khứ của cha anh thường bị mặc cảm ngược. Chúng tôi không biết cách ứng xử với quá khứ, với những đau khổ của những người đi trước. Và chúng tôi không biết làm thế nào với những may mắn, những hạnh phúc mà hòa bình đem lại cho chúng tôi.
Qua những chương trình thế này, qua việc chúng ta trao đổi 1 cách thẳng thắn mới giúp giới trẻ hiểu và biết cách ứng xử với những quá khứ. Chúng ta có ứng xử được với quá khứ thì mới có thể hưởng thụ được hạnh phúc.”
Khi đưa ra nhận xét về ca khúc Một đời người, một rừng cây, Thu Thủy không “lên án” chuyện ca khúc bị nặng về tính triết lý, yếu về tính nghệ thuật như họa sĩ Đinh Công Đạt. Chị cũng không gay gắt phản bác hay đồng tình mà Hoa hậu nhẹ nhàng nêu ra quan điểm rất riêng của mình về nhân sinh quan của giới trẻ.
Thu Thủy mềm mỏng và có phần "nhún nhường" khi được mời phát biểu ý kiến.
Chị cho rằng không nên quy chụp, nhồi nhét về nhân sinh quan của giới trẻ. Với Thu Thủy, điều quan trọng là mỗi người phải biểu “tự nhìn nhận ý thức của bản thân” và “khi xã hội phát triển, mỗi người nhìn nhận về bản thân mình, về sự tồn tại của mình trong cộng đồng thì giá trị nhân sinh quan của mỗi con người đã nâng lên cao rất nhiều và sự tôn trọng người khác, tôn trọng ý kiến quan điểm của người khác tôi đề cao điều đó trong cách nhìn nhận của giới trẻ.”
Ý kiến của Thu Thủy nhận được sự đồng thuận nhiệt tình từ phía nhạc sĩ Trần Tiến. Ông thốt lên: “ Tôi rất ít khi được tiếp xúc với Hoa hậu. Vậy mà lần đầu tiên tôi được thấy Hoa hậu nói hay như thế! Thường thường tôi coi Hoa hậu rất bình thường. Nhưng tôi phục cô Thu Thủy, nói rất hay, rất tuổi trẻ. Tôi thích kiểu nói chuyện như thế, có gì nói vậy, rất tuổi trẻ!”
Nếu những ai chờ đợi 1 Thu Thủy nổi loạn, 1 Thu Thủy “chặt chém” ở Giai điệu tự hào lần này, có lẽ họ đã rất ngỡ ngàng. Bởi Hoa hậu bỗng dưng “nhún nhường” và dịu dàng hơn rất nhiều.