Hoa hậu nhặt rác và chuyện những "Ngọc Trinh chìm"

Nguyễn Xuân Quang Huy |

Dư luận đang có sự chú ý đặc biệt đến Mint Kanistha, một hoa hậu Thái Lan 17 tuổi cùng hoàn cảnh “nhặt rác” của cô.

Trên các diễn đàn, nhiều người cho rằng: “Có gì đâu mà ca thán ca tụng nhiều thế. Các người đẹp ở ta chẳng phải cũng có hoàn cảnh tương tự đấy thôi”

Rồi họ dẫn ra nào là Tăng Thanh Hà với ngôi nhà trọ khu ổ chuột cùng xe nước mía cùng mẹ suốt thời thiếu nữ; Thuý Loan (hoa hậu điện ảnh xưa) với công việc gặt lúa cùng mẹ mỗi mùa; Bùi Thị Diễm tắm cho cả một đàn lợn nhà mình mỗi ngày.

Hay gần đây, là hoa hậu Dương Mỹ Linh – người tình của ca sĩ Bằng Kiều cũng chẳng ngại gì việc trồng cây nuôi lợn, quyết trở thành một “hoa hậu làm vườn”, với tham vọng trở thành bà chủ trang trại hơn là quần quần áo áo õng ẹo trong các sự kiện phù phiếm.

Bức ảnh Hoa hậu quỳ lại mẹ được chia sẻ rất nhiều.
Bức ảnh Hoa hậu quỳ lại mẹ được chia sẻ rất nhiều.

Ai cũng có quá khứ và ai cũng có quyền bình đẳng dù ở quá khứ nào. Và những gì nhìn thấy ở cô đó chỉ là những hình ảnh ban đầu. Còn sau này ra sao thì thời gian sẽ trả lời và mọi niềm tin cho cái đẹp ở thời buổi này cũng chỉ là tạm ứng.

Tuy nhiên, 17 tuổi, ở một đất nước sống bằng văn hoá và cách ứng xử kiểu “dịch vụ”, đội vương miện lấp lánh trên đầu để quỳ gối tạ ơn người mẹ lượm ve chai, thực sự là những hình ảnh gây xúc động.

Cô cũng chẳng ngần ngại gì mặc đồ bảo hộ nhặt ve chai cùng mẹ trong những thước hình mà cho dù có “diễn” đi chăng nữa, nếu không phải là người trong cuộc thì cũng khó mà “diễn” được như thế.

Dĩ nhiên, Mint không cảm thấy xấu hổ vì điều đó mà ngược lại, rất tự hào về những công việc nặng nhọc của người mẹ đã nuôi dưỡng cô nên người.

Hình ảnh của Mint giúp ta nhìn lại, rằng các hoa hậu và người đẹp xứ ta, ở hoàn cảnh tương tự hoặc thậm chí sung sướng gấp triệu lần, thì đã làm được những gì sau một quãng đường làm đại sứ sắc đẹp ngoài việc “xả rác” tinh thần?

Trước khi đi vào dẫn chứng, tôi thành thật nói lời xin lỗi một số hoa hậu mà tôi cho rằng họ “xứng đáng là hoa hậu”, để không rơi vào tình trạng “vơ đũa cả nắm”.

Đó là hoa hậu Bùi Bích Phương, hoa hậu đầu tiên của Việt Nam. Một hoa hậu giữ hình ảnh khá sạch, khẳng định được học vấn và sự nghiệp; cũng như sự tuyệt vời của thiên sứ người mẹ, người vợ trong gia đình.


Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga vừa thành đạt trong học vấn, vừa thầm lặng nuôi các mẹ Việt Nam anh hùng những năm qua
​

Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga vừa thành đạt trong học vấn, vừa thầm lặng nuôi các mẹ Việt Nam anh hùng những năm qua

Đó là hoa hậu Nguyễn Thiên Nga, xếp vương miện vào một góc để theo con đường học vấn, thành tiến sĩ ở xứ Mỹ. Bao năm nay cô vẫn thầm lặng nuôi các mẹ Việt Nam anh hùng, làm các công việc thiện nguyện mà không cần phải khoe khoang hay thể hiện.

Đó là hoa hậu Ngọc Khánh, dù cuộc đời rất nhiều sóng gió nhưng vẫn luôn là một hoa hậu thông minh và bản lĩnh, biết vượt qua nghịch cảnh để khẳng định mình.

Hoặc như hoa hậu Ngọc Hân, các á hậu Vũ Minh Thuý, Ngô Thuý Hà,...dù đứng trên đỉnh cao danh tiếng trong showbiz, là những người mẫu sáng giá của các sàn diễn một thời nhưng biết chọn cách dừng lại, tự tạo ra những giá trị khác cho bản thân bằng những nỗ lực riêng.

Vâng, “chỉ chừng đó thôi”. Còn lại, bạn sẽ hiểu tại sao đã không ít các ý kiến trên các tờ báo điện tử lớn cũng như các diễn đàn, cho rằng nên...dẹp các cuộc thi hoa hậu được rồi!

Thế cũng hơi cực đoan. Vì đẹp cũng là một giá trị. Mà cuộc sống luôn không ngừng tìm kiếm những giá trị.

Nhưng, nhiều “giá trị” được tìm đấy nhiều khi đang góp phần huỷ hoại những giá trị khác hoặc làm người ta mất hẳn niềm tin với cái “giá trị” được tìm thấy kia.

Tôi nhớ cách đây mấy năm, cánh nhà báo được một tập đoàn rượu mời đi du lịch ở các nước châu Âu. Vị tổng giám đốc vùng tại Việt Nam lúc đó, cặp kè với một cô hoa hậu Việt Nam.

Điều đáng nói, vị doanh nhân này đang có vợ. Và cô hoa hậu nhà mình chỉ đóng vai trò “già nhân ngãi” và không ngại ngần thể hiện điều đó ra trước đám đông.

Trên chuyến bay ấy, cô và vị doanh nhân này diễn đủ trò, thậm chí có những tình huống riêng tư mà tất cả những người khác bên cạnh phải quay mặt đi vì xấu hổ thay cho cô.

Và khi ngồi với báo chí dù quen hay lạ, cô nói bậy văng tục như một cái máy.

Thời gian sau, vị doanh nhân chấm dứt mối quan hệ với cô hoa hậu này, để tìm đến với một... cô hoa hậu khác. Cô này trẻ hơn, là hoa hậu lứa sau, và cũng là một người nổi tiếng lùm xùm về vương miện.

Chuyện tình tiền của các cô hoa hậu hay người đẹp xứ ta không còn là chuyện lạ nữa. Không ít người đặt câu hỏi, liệu các cô giành lấy cái vương miện, có phải chỉ để đạt được mục đích tài chính hay không, khi mà vương miện cũng là một cách thức tạo nên bề nổi cho người đẹp kiếm tiền?

Bạn đừng ngạc nhiên khi trên facebook, liên tục xuất hiện hình ảnh những trai đẹp gái xinh chải chuốt “từng cm”. Họ đã hình thành nên một bộ phận không nhỏ và họ xem bề nổi là một thứ để kiếm tiền.

Họ show những bức ảnh đẹp nhất, thậm chí cả những bức ảnh thiếu vải nhất để được gây chú ý. Họ sẽ nhận được những lời làm quen.

Họ cần chiếc điện thoại mới. Họ cần được ngồi sau vô lăng đến các bữa tiệc phù phiếm. Họ cần – thậm chí là một ngôi nhà mới.

Người ta mới chỉ nhìn thấy những “Ngọc Trinh nổi” nhưng “Ngọc Trinh chìm” thì đang nhiều vô kể. Mà thà là tự nhận “được bao” như Ngọc Trinh còn dễ sống dễ nghĩ, đằng này các “Ngọc Trinh chìm” lại xuất hiện trong bóng dáng ngoan hiền thiết tha, đạo đức và thậm chí... đội vương miện.

Tôi không phân biệt được các hoa hậu, các người đẹp sử dụng bề nổi như một thứ công cụ kiếm tiền là người đang dẫn dắt không ít người trẻ vào lối sống thực dụng như một trào lưu hay chính các cô là đại diện cho một lớp người không nhỏ đang rất ảo này.

Và tôi đang nhìn những đứa trẻ đang lớn ở cái thế hệ những đứa trẻ tự tin dám sống, dám...thể hiện, với sự lo ngại thực sự về sự ảnh hưởng không nhỏ từ những “đống rác chìm” dấu mình sau cái bề nổi kia!

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại