Bật mí trang phục, tạo hình của Mỹ nhân kế
Ngay từ khi dự án Mỹ Nhân Kế được khởi động, bên cạnh những khó khăn kỹ thuật thì vấn đề phục trang chính là câu chuyện khiến đạo diễn Quang Dũng đau đầu nhất. Yêu cầu anh đặt ra là tạo hình đẹp, giống phim kiếm hiệp và mang đậm dấu ấn Việt Nam. Người giúp anh thực hiện điều này chính là nhà thiết kế Công Trí.
Sau nhiều ngày vật lộn với những thiết kế tạo hình, đã có tổng cộng 200 bộ trang phục được thực hiện cùng vô số phụ kiện, trang sức riêng cho từng nhân vật. Tất cả đều được làm thủ công bởi các nhà thiết kế trẻ tài năng. Phục trang cho 5 cô gái Kiều Thị, Lan Thị, Đào Thị, Mai Thị, Liễu Thị được lấy ý tưởng chủ đạo từ chiếc áo yếm của khu vực Bắc Bộ. Mỗi sắc màu sẽ tượng trung cho tính cách của mỗi nhân vật.
Kiều Thị tính cách lạnh lùng, bản lĩnh & quyến rũ nên sắc đỏ - màu sắc tượng trưng cho sự mạnh mẽ đã được chọn làm chủ đạo, kết hợp với các trang sức tinh xảo và cách kết tóc cầu kỳ làm toát lên vẻ uy nghiêm cho cô chủ quán.
Kiều Thị có một tạo hình hoàn chỉnh mà chỉ cần cô xuất hiện cũng đã đủ khiến nhiều người phải e dè lẫn trầm trồ. Hình xăm hình cánh bướm lớn rực đỏ sau lưng cũng nhằm tô điểm thêm cho sự bí ẩn của nhân vật này. Không những thế, cánh bướm này còn là một ẩn ý rất sâu xa mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng muốn gửi gắm vào nhân vật Kiều Thị.
Đào Thị có tính cách bốc đồng, hiếu thắng nhưng lại khá đơn giản trong suy nghĩ nên sắc hồng đã được sử dụng cho nhân vật này. Dù bề ngoài chua ngoa, đanh đá nhưng bên trong, Đào Thị lại có tính cách trái ngược hoàn toàn: hào hiệp, quân tử và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Hình xăm chùm hoa màu tím ở lưng cũng một phần hé lộ xuất thân của Đào Thị.
Mai Thị với bản tính hiền hậu và hồn nhiên nên màu xanh lá cây - màu của sự sống là thích hợp nhất cho mỹ nhân này. Không ham của cải, cũng chẳng mong báo thù, điều mà cô cần là sự bình yên và một cuộc sống bình dị như bao người khác. Hình xăm ở lưng trái Mai Thị là một dây leo màu xanh nhỏ thể hiện cho khát vọng tự do, luôn muốn vươn ra ngoài thế giới của Đường Sơn Quán.
Liễu Thị là cô gái ít nói và trầm tính. Trong số 5 mỹ nhân thì đây là nhân vật có phần "cam chịu" nhất. Tính tình của Liễu Thị khá hiền, tựa như mặt biển khi không có bão. Nhưng khi cần thiết thì mặt biển trong tâm hồn cô cũng sẵn sàng nổi sóng để bảo vệ các chị em của mình.
Không gì thích hợp với Liễu Thị hơn màu xanh dương - màu sắc tượng trưng cho những gì nhẹ nhàng nhất. Hình xăm một nhành dương liễu kéo dài giữa sống lưng chính là tượng trưng cho tên gọi của cô.
Và cuối cùng là Linh Lan, nhân vật phức tạp nhất trong 5 cô gái. Cô cũng là mỹ nhân duy nhất trong nhóm không có hình xăm sau lưng. Mang vẻ đẹp tinh khiết như một đóa sương mai, lại xuất thân từ gia đình khuê các, trang phục của Linh Lan mang sắc trắng và có phần kín đáo hơn những nhân vật khác.
Đóa Linh Lan tinh khôi và bí ẩn này cũng là một bài toán khó đối với nhóm thiết kế: "Vai này có diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp. Hơn nữa, cô ấy xuất thân từ một gia đình danh giá nhưng khi tham gia vào nhóm sát thủ thì lại là nữ tỳ. Vì thế, trang phục phải không được cầu kỳ. Dù vậy, từ chiếc trâm cài đến chiếc hài phải làm sao cho nổi bật được nét duyên và thân thế của cô ấy".
Mỹ Nhân Kế không sợ bị "Trung Quốc hóa"
Làm phim cổ trang vốn đã khó và để thực hiện thể loại phim này tại Việt Nam thì lại càng khó gấp bội phần. Lý do bởi khán giả Việt luôn có những so sánh về phục trang trong phim cổ trang Việt với các phim Trung Quốc.
Có thể nói, nỗi "ám ảnh" phục trang mang tên Trung Hoa đã có sẵn từ lâu và nhiệm vụ của NTK Công Trí là phải giải được bài toán này một cách tốt nhất. Việc cả ekip cùng nhau đi tham quan các bảo tàng dân tộc học, bảo tàng lịch sử, bảo tàng Mỹ thuật... để nắm thêm kiến thức lịch sử của trang phục Việt Nam đã không còn là điều quá xa lạ. Nhờ đó, những sáng tạo cho trang phục Mỹ Nhân Kế đã lần lượt được ra đời.
Với các trang sức sử dụng cho các mỹ nhân, NTK Hồng Sương cùng ekip đã lọc ra được khá nhiều kiểu ấn tượng để sử dụng trong phim. Có thể kể đến như: bộ vòng tay và vòng cổ lấy cảm hứng từ kiểu dáng của của dân tộc H'mông trắng (ở Nghệ An), kiềng cổ có khe hở rộng kết nối bằng hàng chục sợi xích dài gắn vài quả chuông nhỏ của người Nùng, Tày (Lào Cai), dân tộc Gié Triêng (Kon Tum), dân tộc H'Mông đen (Sơn La)...
NTK Tuấn Trần cho biết thêm: "Các chi tiết trang trí trên thân áo và váy phải thực hiện bằng tay như thêu tay, đột chỉ, thắt hoa, cả ekip phải tự làm giày dép... Phương pháp thủ công nên tốn rất nhiều thời gian, nhưng đổi lại các bộ trang phục sẽ có được nét tinh tế và phù hợp với tính chất của bộ phim".
Với kết quả đạt được sau hàng tháng trời nghiên cứu, chế tạo và thực hiện cho Mỹ Nhân Kế, NTK Công Trí chia sẻ: "Đối với điện ảnh Việt Nam, phim cổ trang chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu nên không tránh được những thiếu sót ở khâu này, khâu kia. Chúng tôi đã cố gắng hoàn thành công việc này trong khả năng cho phép về kinh phí và ý tưởng. Mong mọi người đón nhận và góp ý chân thành để chúng tôi có thể hoàn thiện ở những lần sau".
Thêm một điều thú vị là ngay từ khi phim chưa khởi quay thì 2 bộ trang phục của phim đã được mua trước với giá 50 triệu. Đây được xem như một tín hiệu khởi đầu may mắn cho cả ekip thiết kế trong suốt quá trình làm việc.
Theo dự kiến Mỹ nhân kế sẽ ra mắt khán giả vào dịp Tết 2013.