Việc bài hát này thống trị Billboard nhờ cách thống kê mới, tính cả số lượt xem các đoạn video Harlem Shake vốn chỉ dài có 30 giây trên YouTube, đã khiến BXH âm nhạc quan trọng nhất nước Mỹ trở nên mất uy tín trong mắt độc giả.
Đứng đầu Billboard một cách phi lý
Giờ đây, tìm từ khóa “Harlem Shake” trên YouTube cho ra 353.000 kết quả, những kết quả đầu có hàng chục triệu lượt xem, đều là những video 30 giây quay điệu nhảy Harlem Shake.
Điều thú vị là chính tác giả của nó, DJ người Mỹ Bauuer, lại chưa từng ra video chính thức. Bài hát gốc đang đứng đầu Billboard tuần thứ 3 liên tiếp, bất chấp lượng bán và tải nhạc có dấu hiệu giảm.
Bày tỏ sự thất vọng trên trang Billboard.com , nhiều độc giả cho rằng những video do người dùng tự quay không thể được xếp ngang hàng với những video ca nhạc chính thức được các hãng đĩa quay công phu.
Thứ nhất, độ dài chỉ bằng 1 phần 6 (30 giây so với 3 phút – độ dài thông thường của một bài hát). Thứ hai, nếu thế, hầu như bất cứ ai dùng YouTube cũng có thể quay video, tải video của họ lên và tác động đến BXH này.
Thứ ba, các video nhảy Harlem Shake chẳng tôn vinh giai điệu của bài hát gốc hay ít nhất là khiến người xem chú ý đến giai điệu, người ta hầu như chỉ xem các động tác lắc giật. Đứng đầu BXH khi hoàn toàn không phải là một giai điệu đáng nhớ, chưa nói đến đi vào lòng người, điều đó cũng khá phi lý. Cũng chẳng thấy ai nhắc đến ý nghĩa của lời bài hát, bởi thực chất nó chỉ có vài ba câu ngắn ngủn.
Đó là còn chưa kể tới việc bản thân Harlem Shake không thực sự xuất sắc. Ca khúc này nghe không "đã tai" bằng Gangnam Style và dễ nhanh chán hơn nhiều. Nếu thực sự hay, Harlem Shake đã ở đâu, kể từ khi ra mắt vào tháng 5/2012? Không ai chú ý đến nó cho đến tháng 2/2013, tức 9 tháng sau, bài hát này (hay chính xác là 30 giây đầu của nó) mới trở nên nổi tiếng nhờ các video nhảy tập thể gây sốt.
Trên Billboard.com , người nghe bộc lộ sự lo ngại khi những bài hát có giá trị hơn như When I Was Your Man (Bruno Mars) hay Stay (Rihanna) có ít cơ hội lên vị trí số 1 vì bị Harlem Shake ngáng đường.
Một độc giả nêu ý kiến, việc tính thêm cả lượt xem YouTube có nguy cơ khiến BXH Billboard trở thành một trò đùa. Bởi nếu theo tiêu chí đó, “thảm họa YouTube” năm 2011 là video nhạc Friday của giọng ca tuổi teen Rebecca Black cũng có thể dẫn đầu Billboard.
Cũng có ý kiến nửa đùa nửa thật đề xuất Billboard nên lập hẳn một hạng mục xếp hạng cho các trào lưu hơn là “nhét” bài hát này vào một hạng mục gồm toàn các bài hát được phát hành chính thức và có đầu tư (không phải tung lên mạng miễn phí như Harlem Shake ). Rất nhiều ý kiến cho rằng Harlem Shake hoàn toàn không xứng đáng với vị trí số một.
Nhạc hip-hop - đại chúng hóa và xa rời nguồn gốc
Đứng thứ 2 Billboard hiện tại là một ca khúc hip-hop (Harlem Shake không hẳn là hip-hop nhưng có chịu ảnh hưởng), Thrift Shop của 2 nghệ sĩ Macklemore và Ryan Lewis. Thrift Shop đã thống trị BXH này vài tuần trước khi Harlem Shake nhảy vào.
Hip-hop đang ngày càng trở thành trung tâm của âm nhạc đại chúng. Từ một thể loại âm nhạc đặc thù, hip-hop đã trở nên đại chúng và tiện dụng một cách đáng kinh ngạc. Trong âm nhạc, quảng cáo và lời ăn tiếng nói hàng ngày, hip-hop đều hiện diện.
Nhà báo Jon Caramanica viết trên New York Times: “Tùy theo cách nhìn của bạn, hiện tượng này (sự lên ngôi của hip-hop) có thể phản ánh một chiến thắng to lớn của hip-hop trong nền văn hóa hoặc là khoảnh khắc mà hip-hop đang đánh mất ý nghĩa thực của nó”. Theo cây bút âm nhạc nổi tiếng này, tương lai của dòng nhạc hip-hop là vô định, không xác định được trọng tâm, bởi nó đang bị làm suy yếu vì cách người ta sử dụng.
Bản thân thể loại hip-hop đang rời xa khỏi nguồn gốc của nó, rời xa nền văn hóa hip-hop vốn rất "đậm đà bản sắc". Cùng với sự nổi tiếng của Harlem Shake, điều này càng trở nên rõ ràng.
Chính Harlem Shake cũng là một trường hợp tiêu biểu về rời xa nguồn gốc. Điệu nhảy cùng tên đã tồn tại cách đây vài chục năm, gắn với khu phố Harlem ở New York, nơi người Mỹ gốc Phi sinh sống. Nhưng Harlem Shake hiện tại, cả điệu nhảy lẫn bài hát, chẳng có điểm gì chung với bản gốc cả.