Trong tất cả các bộ môn nghệ thuật, xiếc là bộ môn khiến người nghệ sĩ vất vả và đối mặt với nhiều nguy hiểm nhất. Thế nhưng, trớ trêu thay, đây cũng là ngành nghề mà người nghệ sĩ nghèo nhất.
Trên mặt báo, rất nhiều nghệ sĩ khiến công chúng choáng váng với xe sang, với đồ hiệu, với nhà triệu đô nhưng tuyệt nhiên, trong số họ, không hề có ai là nghệ sĩ xiếc.
Thậm chí, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, đa phần các nghệ sĩ xiếc đều không được công chúng nhớ mặt, nhớ tên mà chỉ được biết tới qua những tiết mục biểu diễn trên sân khấu.
Cuộc sống của họ là những ngày tập luyện triền miên với nguy hiểm rình rập từng phút, từng giây từ trên sàn tập tới sân khấu. Trên cơ thể mỗi nghệ sĩ xiếc có không biết bao nhiêu vết thương, vết bầm cả mới lẫn cũ.
Chỉ cần 1 sơ sẩy nhỏ, họ có thể không bao giờ trở lại sàn diễn nữa, thậm chí là phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình.
Thế nhưng, trong nhà của các nghệ sĩ xiếc không có huy chương, không có giải thưởng. Tất cả các giải thưởng đều được đặt ở trụ sở cơ quan, ở sàn tập bởi vinh quang đó là mồ hôi công sức chung của cả đoàn, cả nhóm.
Phần thưởng mà mỗi nghệ sĩ xiếc trân trọng nhất và được giữ riêng cho mình chính là món quà trị giá 0 đồng - những tràng pháo tay từ phía khán giả sau mỗi màn biểu diễn.
1 ngày của các nghệ sĩ xiếc thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thường bắt đầu vào lúc 8h sáng. Họ tranh thủ tập luyện cho tiết mục mới hoặc ôn lại tất cả những động tác trong tiết mục của mình.
Cả cuộc đời mỗi nghệ sĩ xiếc đều gắn với 2 từ "tập luyện". Bởi chỉ cần nghỉ vài ngày, khi quay trở lại với sàn tập sẽ rất khó khăn.
Các anh chị em trong đoàn không chỉ tập luyện riêng cho mình mà còn tranh thủ chỉ bảo, truyền đạt lại kinh nghiệm của mình cho những người mới. Họ đối xử với nhau như anh em trong nhà.
Cũng từ trên sàn tập, rất nhiều tình yêu đẹp đã nảy nở. Bùi Thị Hương và Vũ Thanh Tuấn là cặp đôi đẹp và tài năng nhất nhì Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện tại. Họ nổi tiếng với tiết mục Đu quan họ được trình diễn nhiều nơi trên thế giới.
Hương sinh năm 1993 nhưng đã hoạt động ở Liên đoàn Xiếc 5 năm, còn Tuấn về đoàn được 4 năm. Tình yêu của họ nảy nở từ trên sàn tập và đã được tròn 3 năm.
Hằng ngày, ngoài việc luyện tập cùng nhau, Hương và Tuấn cùng sẻ chia những khó khăn, vất vả của cuộc sống. Do lịch tập khá nặng, những nghệ sĩ xiếc không có thời gian nấu cơm trưa mà thường tranh thủ ăn cơm bụi.
12h trưa, cả đoàn kết thúc lịch tập buổi sáng. Khoảng 13h30, họ trở lại với sàn tập. Hương và Tuấn chuẩn bị đạo cụ cho buổi tập trên dây của mình.
Tiết mục của cặp đôi khá mạo hiểm. Họ sẽ thực hiện những động tác uốn dẻo, nhào lộn, múa trên 1 chiếc đu được kéo lên cao, cách mặt đất hàng chục mét.
Ở độ cao này, người bình thường chỉ nhìn đã đủ chóng mặt, nhưng với Hương và Tuấn thì không. Họ đã quá quen thuộc với những màn mạo hiểm như vậy.
Hương tâm sự: "Cả em và anh Tuấn đều bị ngã nhiều lần rồi. Lúc ngã thì sợ và đau lắm. Nhưng nếu chấn thương không quá nặng, nghỉ một vài ngày chúng em lại quay lại tập. Ngã rồi đứng dậy tập tiếp, ngã rồi lại đứng dậy, ở đây, ai mà chả như thế! Chúng em quen rồi!"
Để có 1 tiết mục được trình diễn trên sân khấu, người nghệ sĩ phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. Những đôi giày sờn rách, những chiếc áo đẫm mồ hôi, những đôi chân đôi tay đầy vết bầm tím là chuyện "không có gì lạ".
Đa phần anh em trong Liên đoàn sinh hoạt trong khu tập thể ngay bên cạnh rạp. Đó là dãy nhà cấp 4 lụp xụp, cũ kỹ nhưng không ai muốn chuyển đi. Bởi: "Kinh phí eo hẹp là 1 chuyện, nhưng chúng em ở đây cũng quen rồi, có anh em, bạn bè, lại tiện cho việc tập luyện".
Trung bình, tổng thu nhập của 1 nghệ sĩ xiếc thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chỉ từ 4-5 triệu đồng. Người nào có tiết mục lẻ hoặc được mời biểu diễn ở các trung tâm lớn hơn mới có mức thu nhập 8-10 triệu/tháng.
Những tấm xốp cách nhiệt trần nhà cũng đã cũ kỹ, xập xệ và ngả sang màu vàng.
Mỗi căn phòng thuộc khu tập thể của Liên đoàn Xiếc có kết cấu giống hệt nhau: 4 chiếc giường đơn, 4 chiếc tủ kèm theo những món đồ thiết yếu nhưng đều đã cũ, hỏng.
Ngay vào mùa đông, những chiếc giường này cũng không được trải đệm.
Không thể tin đây là nơi ở của những nghệ sĩ từng đoạt rất nhiều huy chương ở các liên hoan xiếc quốc tế và trong nước.
Chỉ có một số ít anh em nghệ sĩ đủ điều kiện để thuê nhà trọ bên ngoài. Nhưng đó cũng chỉ là những căn phòng nhỏ, bình dân dạng phòng trọ sinh viên.
Tuy vất vả, thiếu thốn như vậy, nhưng gương mặt các nghệ sĩ luôn ánh lên niềm vui khi nói về nghề. Hương cho biết: "Em theo nghề từ khi mới hơn 10 tuổi, chưa bao giờ em có ý định bỏ nghề, dù nghề này đối với phụ nữ vô cùng khắc nghiệt và thiệt thòi".
"Đôi búp bê này là em được khán giả tặng trong 1 chuyến lưu diễn nước ngoài. Biểu diễn xong, họ chờ em ra khỏi sân khấu để tặng. Cảm động lắm, vì em cảm nhận được họ yêu quý mình, họ thích tiết mục của mình", Hương chia sẻ.
"Những món quà này về vật chất không có giá trị đáng bao nhiêu, nhưng với chúng em thì là vô giá. Mỗi khi nhìn thấy chúng, em lại có thêm động lực và niềm vui để tập luyện, biểu diễn".
Những tấm poster chương trình biểu diễn tại nước ngoài đều được các nghệ sĩ giữ gìn một cách trân trọng.
"Bình thường, em cất trong tủ và không cho ai xem đâu! Chỉ những dịp đặc biệt mới lấy ra xem để nhớ lại những buổi biểu diễn này thôi".
"Diễn trên sân khấu nào cũng vậy, niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng em là khi tiết mục khép lại, dưới khán đài rộ lên những tràng pháo tay của khán giả".
"Em dự định sẽ kết hôn muộn một chút, vì phụ nữ sau khi sinh con cơ thể sẽ không còn linh hoạt như trước, làm nghề sẽ khó hơn".
"Khi em lớn tuổi hơn, không còn biểu diễn trên dây được nữa thì em sẽ chuyển sang các tiết mục nhẹ nhàng hơn. Ở Liên đoàn, ai cũng thế, họ không thể bỏ nghề được", Hương chia sẻ.