Hàn Quốc lo ngại về tỉ lệ tự vẫn cao của giới nghệ sĩ

huongngan |

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, người hâm mộ xứ Hàn đã chứng kiến hai cái chết của giới nghệ sĩ.

Song Ji Sun chọn cái chết sau một thời gian dài chịu áp lực từ người hâm mộ còn thành viên cũ của nhóm SG Wannabe Chae Dong Ha treo cổ tự vẫn mà không có lý do. Một nguồn tin cho hay, nam ca sĩ 30 tuổi cảm thấy buồn chán thường xuyên và luôn cảm thấy cô đơn kể từ khi người bạn thân đồng thời là người quản lý cũ của anh tự vẫn từ 2 năm trước.

Cái chết của nữ diễn viên Choi Ji Shil năm 2008 có tác động đáng kể tới xã hội xứ Hàn.

Trước đó, giới showbiz Hàn đã từng chứng kiến nhiều cái chết đáng tiếc của nghệ sĩ xứ Hàn, có thể kể ra như trường hợp nữ diễn viên Choi Ji Shi, em trai cô - Choi Jin Young, nam diễn viên Park Yong Ha, các nữ diễn viên như Lee Eun Joo, Jung Da Bin… Họ chọn cái chết để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn sau một thời gian dài chịu những sức ép trong làng giải trí đầy những scandal và thị phi. Cái chết của họ khiến người thân đau đớn còn người hâm mộ thì nuối tiếc.

Chỉ trong 3 năm trở lại đây, tỉ lệ tự vẫn trong giới nghệ sĩ xứ Hàn tăng lên đáng kể khiến những nhà chức trách hết sức lo ngại. Họ sợ rằng, những nhân vật của công chúng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội. Được biết, tỉ lệ người tự vẫn của xứ kim chi cao nhất thế giới trong mấy năm trở lại đây.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, điều khiến các nghệ sĩ Hàn tự tìm tới cái chết là do sức ép của sự nổi tiếng cùng các vấn đề cá nhân. Khi là người của công chúng, họ được báo giới “chăm sóc” chu đáo, người hâm mộ quan tâm. Đôi khi công việc của họ không được như ý, họ bị chỉ trích, hay cuộc sống riêng có những sai lầm, họ cũng bị người ta mang ra “mổ xẻ” lên án.

Bên cạnh đó, cuộc sống của người nghệ sĩ thường khép kín. Họ không dám thổ lộ những bí mật riêng tư, nhưng khúc mắc trong cuộc sống riêng với những người khác bởi lo sợ, một ngày nào đó những thông tin đó xuất hiện trên mặt báo sẽ ảnh hưởng xấu tới sự nghiệp.

Cuộc sống cô đơn, nhiều áp lực, nhiều lo lắng vô tình đã đẩy họ vào trạng thái trầm cảm kéo dài mà không lối thoát. Do vậy, chỉ một tác động nhỏ trong cuộc sống cũng có thể khiến những con người yếu đuối và cô đơn này tìm tới cái chết.

Nam ca sĩ 30 tuổi Chae Dong Ha vừa treo cổ tự vẫn trung tuần tháng 5/2011.

Một chuyên gia nghiên cứu tâm lý của trường đại học Yonsei của Hàn Quốc cho rằng: “Sự nổi tiếng có thể dẫn con người ta tới những sức ép. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt trong làng giải trí, sự dò xét của dư luận khiến cho những nghệ sĩ rất khó thổ lộ những bí mật riêng tư với người khác. Những tin đồn không căn cứ cứ ngày càng nhiều, những lời bình luận vô trách nhiệm của cộng đồng mạng về sự nghiệp cũng như cuộc sống riêng của người nghệ sĩ khiến họ phải chịu áp lực nhiều gấp bội so với người bình thường”. Tiêu biểu cho trường hợp này chính là nữ diễn viên Choi Ji Shil, cô bị một người không quen biết loan tin siết nợ và bội bạc với bạn cũ, đẩy anh ta phải tìm tới cái chết. Thông tin không căn cứ này đã khiến Choi Ji Shil buồn đau, dằn vặt và quyết định tìm tới cái chết để chứng minh mình trong sạch.

Một thành viên cũ của nhóm nhạc Noise và hiện đang làm việc trong hiệp hội quản lý nghệ sĩ Hàn Quốc tiết lộ: “Trước khi phát hành một ca khúc một, tham gia một show diễn mới, người nghệ sĩ luôn cảm thấy căng thẳng và lo lắng như đang đứng chênh vênh trên một mỏm đá”.

Nhưng điều quan trọng nhất chính là, cái chết của những người nghệ sĩ đang có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, dẫn tới hiệu ứng tự vẫn hàng loạt bắt chước theo người nổi tiếng. Khi giới truyền thông đưa tin về cái chết đột ngột của bất kỳ nghệ sĩ nào, thì tỉ lệ tự vẫn tại Hàn Quốc lại tăng lên đáng kể sau đó.

Lee Eun Joo (trái) tự vẫn vào năm 2005và nam diễn viên Park Young Ha cũng tự kết liễu cuộc đời vào năm ngoái.

Một số liệu chỉ ra rằng, số người tự vẫn đã tăng lên 1.700 trường hợp trong một tháng, sau khi nữ diễn viên Choi Ji Shil tự vẫn. Trước đó, tỉ lệ trung bình tại quốc gia này chỉ là 1.000 trường hợp trong một tháng. Tương tự như vạy, trường hợp tự vẫn của nữ diễn viên Lee Eun Joo trong năm 2005 cũng đẩy tỉ lệ tự vẫn trung bình của Hàn Quốc tăng gấp 2,5 lần.

Hiện, Hàn Quốc đang là quốc gia có tỉ lệ tự vẫn cao nhất trong khối những nướcphát triển. Theo báo cáo chính thức, tại Hàn Quốc, cứ 100 nghìn người thì có 28,4 người tự vẫn trong năm 2009, gấp ba tỉ lệ tự vẫn trung bình của các quốc gia đã phát triển khác. Chỉ riêng trong năm 2009, có tới 14.579 người tại Hàn Quốc đã tự vẫn, tăng gần 19% so với năm trước đó. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, tỉ lệ tự vẫn trung bình tại quốc gia này đã tăng 50%, trong đó phần lớn là người dưới 30 tuổi.

Trước tình trạng báo động kể trên, chính phủ Hàn Quốc đang kêu gọi mọi người cùng tham gia hành động nhằm giảm tỉ lệ tự vẫn tại quốc gia này xuống chỉ còn 20% cho tới năm 2013. Trong đó, chính phủ nước này cho rằng, việc giáo dục bộ phận học sinh sinh viên là rất quan trọng.

Một giáo sư nghiên cứu lĩnh vực tâm lý học của Hàn Quốc cho rằng, để giải quyết tình trạng này, sự quan tâm và các kế hoạch hành động của chính phủ là chưa đủ. “Điều quan trọng hơn cả chính là sự giao lưu, liên lạc giữa con người với con người. Nếu các thành viên trong gia đình, những người bạn sống quan tâm và chịu khó trò chuyện với nhau, thì những áp lực trong cuộc sống sẽ được giải tỏa, và giúp cho tình trạng tự vẫn giảm đi”, vị giáo sư nói.

Theo Dân Trí

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại