Họ cũng có ước mơ là được diễn và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Thế nhưng, họ cũng bị “ngã ngựa” khi lửa nghề đang hừng hực bởi ước mơ “lấm lem” tiền bạc, vật chất, làm họ trượt dài trên con đường nghệ thuật.
Những giấc mơ đến từ sàn nhảy
Tôi gặp Hoàng Nam trong một buổi diễn thời trang tại Hà Nội. Với “ngoại hình sáng” và phong cách trình diễn tự tin nên Nam “được lòng” nhiều “ông bầu” thời trang.
Sau buổi diễn, Hoàng Nam ngồi ngay trong phòng trang điểm (để tẩy trang – PV) tâm sự rằng, quê Nam ở Hải Phòng, ngay sau khi tốt nghiệp đại học Hàng hải, anh có làm trên tàu của một người bà con nhưng lại bị... say sóng. Cứ đi tàu một tuần thì Nam say sóng 3, 4 ngày, vậy là anh phải lên bờ và cái bài học ở trường đại học chẳng thể thành “cần câu cơm” cho Nam được.
Hai năm trước, trong một lần vào quán bar ở trung tâm TP. Hải Phòng, Nam gặp người bạn cũ học cùng cấp 3, nhìn thấy Nam có body chuẩn, người bạn rủ Hoàng Nam lên Hà Nội làm... người mẫu. Muốn “đổi gió” và mong tìm một cơ hội nghề nghiệp khác nên Nam khăn gói “quả mướp” lên Thủ đô theo lời khuyên của bạn. Người bạn cũ giới thiệu Nam vào một lớp đào tạo người mẫu nam chuyên nghiệp, làm quen với các kỹ năng trên sàn diễn và cách đi đứng trên sân khấu.
Hoàng Nam thật thà: “Mới đầu vào lớp, em rất ngại, tâm lý là mình “phơi ngực” trên sân khấu và mọi người nhìn vào rồi chỉ trỏ làm em rất e dè. Song, vào học, em choáng vì gặp nhiều người mẫu nam cũng đang “luyện dáng” rất chuyên nghiệp. Nhìn các anh mặc những bộ đồ đẹp, sang trọng và nghe các anh nói chuyện về những show diễn lớn, em mơ tới ngày được như thế. Nhưng với em, con đường được đi trên sàn catwalk rất khó khăn, vì xuất phát điểm của những người mẫu kia đều là con nhà giàu, được cung phụng, luyện tập từ nhỏ, em thì mới bước những bước đầu tiên, phải xác định là rất “mệt” chị ạ”.
Hoàng Nam kể, lớp học chưa tới 40 người; mỗi tuần chỉ học sáu giờ. Học viên chỉ được dạy hai điều cơ bản nhất của một nam người mẫu là catwalk và tạo dáng trước ống kính. Thỉnh thoảng, học viên được học diễn một số tiểu phẩm vì mới vào lớp diễn nên mọi người ngại thể hiện mình trước nhiều người. “Đó là cách để chúng tôi có kinh nghiệm khi đi... đóng quảng cáo. Còn phong cách riêng là điều mà mỗi người mẫu phải tự tìm tòi, học hỏi, quan sát, biết mình có thế mạnh gì. Về nhà, em thường dành hai tiếng trước gương tự luyện tập”, Hoàng Nam nói.
Người bạn tên Lâm nói nhỏ với Hoàng Nam: “Thời này làm mẫu nam là dễ nhất; chỉ cần có ngoại hình đẹp, cao ráo, bụng “sáu múi” là ok hết. Hà Nội hết show thì “bay” vào Sài Gòn. Mới làm mẫu được hai năm mà nhiều mẫu nam đã có ô tô đi...”. Nghe lời động viên của Lâm, Hoàng Nam miệt mài học để mơ về một ngày làm người mẫu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, càng dấn thân với nghề, Hoàng Nam càng thấm thía: “Không có nghề gì dễ cả, ngay cả việc mặc quần áo đẹp và bước trên sân khấu thì tôi cũng phải luyện tập hai tháng mới có dáng đi mạnh mẽ, uyển chuyển trên sàn catwalk. Nửa năm sau, tôi mới được công ty đưa đi diễn những show nhỏ và tiền thù lao cũng không đáng là bao”.
Tú “manly”, một người bạn cùng lớp học catwalk của Nam cho biết, nhiều thanh niên cứ nghĩ, nghề người mẫu dễ nên nhiều “trai trẻ” nuôi ước mơ đi làm... Nam vương. Họ đâu biết, show diễn ít, người mẫu nam lại quá nhiều nên cũng lắm cạm bẫy. Khi đã vào nghề, nhiều “trai trẻ” không thể bỏ vì quá đam mê ánh hào quang của nó.
Tú “manly” nhận lời đi diễn tất cả các show như chụp hình áo cưới, catalogue, làm lễ tân khai trương khách sạn... “Tiền bạc là một chuyện nhưng lý do quan trọng hơn là được diễn. Đó là đam mê từ xương tủy của tôi”, Tú thú nhận. Tú làm thêm ở một hãng thời trang từ 9h sáng đến 3h chiều/ngày, thời gian còn lại là tập thể hình và thỉnh thoảng đi show nhỏ.
Xài hàng hiệu, ở nhà... thuê
Nam và Tú đều cho biết, từ khi đi làm người mẫu, đời họ như bước sang một trang khác. Họ từ những chàng trai ngô nghê với ánh đèn lung linh trên sân khấu, giờ đã biết đến những cuộc chơi quý tộc và từng bước biết đến những thú vui của giới thượng lưu. Khi trình diễn catwalk hay chụp hình thời trang, Hoàng Nam được mặc những bộ đồ vest sang trọng, đắt tiền.
Nam bảo, nhiều khi đi diễn cho nhiều nhãn hiệu nổi tiếng còn được tặng hẳn cả sản phẩm mang về. Nhiều nơi sau khi diễn, người ta chỉ trả tiền cát-xê 300.000 đồng nhưng tặng hẳn cả áo hàng hiệu gần chục triệu đồng. Lúc “bí” tiền, Nam mang ra cửa hàng bán lại... Họ sống cuộc sống hoàn toàn bản năng cùng với một số người mẫu nam. Họ dùng đồ hàng hiệu nhưng vẫn ở nhà thuê. Một tháng, Nam chỉ dùng 3 - 4 triệu đồng cho tất cả mọi thứ: Tiền nhà, tiền xăng, tiền ăn uống, tiền chi tiêu lặt vặt... còn lại, anh gửi về cho bố mẹ và chăm lo bữa ăn của mình để luôn có thân hình chuẩn, đẹp.
Nam cho hay: “Nếu đúng chuẩn, chỉ riêng phần ăn uống đã chiếm hết thu nhập một tháng. Đã thế, là người mẫu thì phải xuất hiện trước công chúng với những bộ áo quần mới, có phong cách. Cái nghề này không đổ máu nhưng phải đổ mồ hôi rất nhiều. Có chương trình, chúng tôi phải tập từ ba đến bốn tiếng đồng hồ trước khi trình diễn chính thức. Đi show tối, thường, tôi về đến nhà là nửa đêm. Đêm diễn về, tôi thấy mệt, cô đơn và buồn, dù lúc chuẩn bị lên sàn diễn rất háo hức”.
Hùng “miêu”, một “ông trùm” trong giới đào tạo người mẫu nam cho biết: “Thế giới người mẫu nam phức tạp không kém mẫu nữ. Để chạm tay vào danh hiệu Nam vương, họ cũng rất nhọc nhằn. Có chàng trai trẻ mấy năm mòn chân trên sàn diễn mà không có danh, đành phải trở về quê đi hát, làm MC ở những đám cưới để lấy tiền sống. Những lung linh vật chất mà khán giả nhìn thấy chỉ là bề nổi thôi...”.
Thái Hoàng, người mẫu nam trong công ty V.D trải lòng: “Với ngoại hình đẹp nên ngay từ năm thứ nhất đại học, tôi đã nhận được lời mời đi diễn. Tuy nhiên, không chỉ có người mẫu nữ mới chịu nhiều điều tiếng mà mẫu nam cũng bị “lời ong tiếng ve” nhiều không kém. Đã có lúc, tôi định bỏ nghề vì quá nhiều áp lực. Họ nói, tôi phải “ăn ngủ” với đạo diễn, bầu show, phải "bóng gió" (tức bị gay – PV) mới được đi diễn. Người mẫu nam khó khăn thì nhiều mà cám dỗ lại không ít. Bố mẹ không hiểu, cấm tôi theo nghề người mẫu. Nói chung là vất vả lắm...”.
Thái Hoàng “bật mí”, nhiều mẫu nam quyết định “Nam tiến” để gây dựng sự nghiệp, tuy nhiên thế giới người mẫu ở Hà Nội vẫn có nhiều cạnh tranh. Ngoài những show diễn về thời trang thì những chương trình biểu diễn văn hoá cũng mời những người mẫu nam để tăng thêm “màu sắc” cho các đêm diễn.
Sau một thời gian đi làm, Thái Hoàng rút ra một kinh nghiệm: Những hợp đồng lớn, đôi khi không rơi vào tay người mẫu nổi tiếng nhất hay phù hợp với sản phẩm đó nhất, mà còn dựa vào mối quan hệ của người mẫu tới đâu. Hoàng dẫn chứng trường hợp về người mẫu B., một trong số nam người mẫu có hình thể đẹp nhất hiện nay: Nhiều người trong giới bất ngờ khi B. nhận hợp đồng quảng cáo cho dòng thời trang công sở M. của một hãng thời trang lớn tại Việt Nam. Tuy B. có hình thể đẹp nhưng anh chưa bao giờ chụp hình trang phục công sở. Về sau, mọi người mới biết rằng, một trong những nhà thiết kế chính của dòng thời trang kia là người yêu đồng giới của B..
Chuyện “hạ giá”, cướp “sô”
Người mẫu Tuấn Minh khẳng định: “Bị giật “sô” là chuyện bình thường. Có những khách hàng chấp nhận mời một người tiếng tăm không bằng nhưng thù lao thấp hơn”. Bản thân Minh có lần đã nhận lời chụp hình quảng cáo cho một công ty dệt may lớn ở Hà Nội với cái giá hơn 2.000 USD. Nhưng sau đó, hợp đồng này lại rơi vào tay một đồng nghiệp của Minh có chiều cao thấp hơn nhưng cái giá mà anh này đưa ra chỉ là 700 USD! Vì vậy, chuyện cướp “sô” cũng làm sứt mẻ tình cảm nhiều người mẫu nam.