Bài thơ “cảnh tỉnh” fan cuồng Kpop của nhà thơ Đỗ Trung Quân đã tạo nên làn sóng dư luận mạnh mẽ. Ý kiến trái chiều, những xung đột, tranh cãi không ngừng nghĩ liên tục được cập nhật trên các diễn đàn. Chỉ là lời khuyên ý nhị về tư tưởng sống của nhà thơ giành cho những bạn trẻ trong thời đại mới.
Song vô tình là “cái cớ” để nhiều người có tuổi chỉ trích fan Kpop một cách nặng lời. Đọc qua những lời lẽ khá cay nghiệt ở nhiều bình luận – vô hình chung khán giả trẻ yêu nhạc Hàn không khác nào những tội đồ và đang sống một cách “vô thức”.
Khi bài thơ xuất hiện trên facebook ngay lập tức nảy sinh rõ hai luồng dư luận đối nghich. Một bộ phận hết lời khen ngợi bài thơ và không quên dành tặng thêm những dòng phê phán giới trẻ. Một bộ phận lại cho rằng “người lớn” đã quá khắt khe với bạn trẻ và quy chụp một cách thiếu khách quan.
Khi câu chuyện dần tạm lắng, dư luận tiếp tục huyên náo bởi ý kiến của Giáo sư Xoay (Đinh Tiến Dũng). Anh cho rằng “chuyện bé đã xé ra to”, mỗi người đều có quyền được trải nghiệm và lớn lên.
Facebook của Giáo sư Xoay đang thu hút cư dân mạng bởi việc anh lên tiếng bênh vực fan Kpop
Trích facebook của Giáo sư xoay:
“Khổ thân các bạn trẻ, độ này hay bị người lớn nhân danh quốc thể và bản sắc dân tộc để mà mắng mỏ về ba cái vụ hâm mộ với cả thần tượng ngôi sao xứ Hàn. Đâm chuyện bé lại thành ra to.
Chắc người lớn nhiều việc nên dễ quên, cách đây khoảng hơn một thế kỷ, phong cách Pháp đã từng được coi là thời thượng, đến giờ nhiều người vẫn cho rằng vẻ đẹp của Thủ Đô xưa phải phảng phất chút ít văn hóa Pháp với biệt thự cổ, với váy áo kiểu vintage, xe máy cổ...
Cách đây gần nửa thế kỷ, các ông anh bà chị của mình cũng khổ sở với quần loe như các bác The Beatles, khổ sở với khăn quàng cổ kiểu ban nhạc Smoky, khắp vũ trường đến đám cưới là điệu nhảy Disco và Lambada...
Mình chưa đủ tuổi để phán xét đâu hay đâu dở, nhưng mình tin vào sự chọn lọc của thời gian. Cái gì có giá trị thực, cái đó sẽ tồn tại, còn không nó sẽ bị đào thải và lãng quên.
Ai cũng có quyền được trải nghiệm để lớn lên, xin người lớn hãy kiên nhẫn với bọn trẻ, như ngày xưa thế hệ người lớn trước đã từng kiên nhẫn với mình.”
Nhưng việc xin người lớn hãy kiên nhẫn với bọn trẻ của Giáo sư Xoay tiếp tục hâm nóng chuyện “cảnh tỉnh” fan cuồng Kpop với nhiều tranh cãi. Cá nhân Giáo sư Xoay cũng chịu không ít chỉ trích được cho là anh đang lấy lòng khán giả trẻ và đã bênh vực cho họ.
Hàng trăm ý kiến trái chiều về chuyện bênh vực "bọn trẻ" yêu nhạc Hàn
Độc giả Huy Bean: “Phải có đấu tranh thì mới có cách mạng,đây cũng xem như là 1 cuộc tiểu cách mạng văn hoá thui mà.nếu ko phê phán thì mấy đứa fan "cuồng" kia đâu thể biết thế nào là sai trái mà sửa đổi. Đây ko phải là vơ đũa cả nắm,đây là lấy 1 bộ phận "cuồng" để làm gương cho những ng khác.Việt Nam phải có bản sắc riêng, đâu thể để pha tạp lẫn lộn vào được.”
Độc giả Getuot: “Cuồng thì phải phán xét và nó khác với hâm mộ”
Độc giả Hà Khương: "Vấn đề hâm mộ cái hay, cái đẹp có gì đáng nói, cái đáng trách là nhiều thanh niên nam nhi (tương lại của đất nước, trụ cột của gia đình) đã rơi nước mắt vì mấy sao Hàn, có đáng không?"
Trái ngược với những ý kiến “vùi dập” giới trẻ yêu nhạc Hàn là một bộ phận có cái nhìn thoáng hơn và “độ lượng” hơn. Ngay cả những người không thích nhạc Hàn cũng lên tiếng bênh vực cho fan Kpop. Sở thích của họ không đáng để lên án bởi mỗi thời điểm con người lại có những bước trưởng thành. Khi không còn ở lưa tuổi teen chắc chắn họ sẽ biết cách tiết chế cảm xúc và đặt tình cảm mình một cách có ý nghĩa.
Độc giả BMC: “Tôi đồng ý với bác Xoay, ai muốn giáo dục giới trẻ thì kệ họ, đánh đập hay chửi bới hay dỗ ngọt là tùy. Tôi chỉ ngồi đây là nghĩ rằng nếu mình bị chửi tan nát đến không còn cái thể diện nữa thì đau lắm.
Bài của bác Đỗ cũng đọc rồi. Thú thực là kiểu như bác ấy trọng giá trị tinh hoa Việt Nam nên bác ấy cảm thán Hallyu xâm thực đất nước mình là phải đạo rồi. Nhưng nhìn các bạn trẻ vịn vào bài viết của bác Đỗ mà tiếp tục lên tiếng chà đạp, làm tổn thương người khác thì thật là....xin lỗi chứ chịu không nổi.”
Độc giả TNQD: "Mình không phải "bọn trẻ", và mình cũng không phải "Kpop fan" nhưng mình nghĩ giáo sư nói quá đúng, đặc biệt là câu cuối, cuộc đời ai cũng có phạm sai lầm, vấp ngã rồi đứng lên, trải nghiệm từ cuộc sống để trưởng thành, có những trải nghiệm phải trả 1 cái giá quá đắt, nhưng bài học sẽ theo họ đến suốt đời, 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa, các bạn ấy sẽ nhìn lại hình ảnh của mình và tự nghĩ "sao lúc ấy mình lại như thế nhỉ, nhìn mình thật chẳng ra thể thống gì cả" họ trưởng thành hơn, biết nghĩ hơn, vậy xin "hãy kiên nhẫn" bảo cho họ đúng sai... còn nữa tôi nghĩ với tính cách của giáo sư, nói giáo sư đang "lấy lòng giới trẻ", tôi thấy hơi sáng tạo và buồn cười... "