Là giám khảo cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 năm Triệu Thị Hà đăng quang, ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông Quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có những chia sẻ xung quanh những "lùm xùm" tốn nhiều giấy mực báo chí những ngày qua.
Hãy gọi là người đẹp Triệu Thị Hà, không dùng 'cựu hoa hậu'
Sự việc Triệu Thị Hà và đại diện BTC cuộc thi nhan sắc mà cô đăng quang hoa hậu liên tục đưa ra những thông tin trái chiều trên truyền thông những ngày qua khiến công chúng hoang mang và đặt nhiều dấu hỏi. Là người từng đồng hành với cuộc thi này, ông có những suy nghĩ gì?
- Những cuộc thi tôi làm giám khảo trong đó có Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 thì đều làm việc rất nghiêm túc và công tâm. Trong quá trình chấm, chúng tôi rất lo cho các thí sinh làm sao để họ không chỉ đẹp về hình thể mà đẹp cả về tâm hồn, có kiến thức và luôn mong mỏi tìm được người xứng đáng nhất.
Triệu Thị Hà.
Với Triệu Thị Hà, tôi phát hiện ra cô bé dân tộc Nùng này rất thông minh, có ý chí phấn đấu. Khi Triệu Thị Hà đoạt giải, ban giám khảo và công luận đều thấy cô ấy là người xứng đáng.
Thế nhưng cũng phải thông cảm với các em thí sinh còn trẻ tuổi 18 đôi mươi như Triệu Thị Hà, từ tỉnh lẻ lên, va chạm với cuộc sống đô thị cộng với vinh quang của danh hiệu nên đôi khi không giữ được bản lĩnh và thay đổi tính tình. Đặc biệt khi vướng phải tình yêu thì nhiều khi bỏ cả học đi theo tiếng gọi của con tim.
Có ý kiến cho rằng đó là hậu quả của việc chúng ta chưa có "lò luyện hoa hậu" một cách tử tế, những công ty tổ chức hay "bầu sô" hỗ trợ trước, trong và sau cuộc thi nhan sắc nhiều năm qua rất mơ hồ và hời hợt trong việc định hướng, xây dựng hình ảnh đẹp của một hoa hậu, á hậu. Ông nghĩ sao về điều này?
- Ở Việt Nam, vấn đề đào tạo để trở thành hoa hậu chưa phải là một nghề chuyên nghiệp giống như nhiều nước khác.Vì vậy thực tế liên quan đến các hoa hậu, á hậu và người đẹp đoạt giải đã để xảy ra những sự việc rất đáng tiếc.
Vấn đề đào tạo các em chỉ được các stylist hoặc các ông bầu nghĩ đơn giản là làm sao cho dáng đi thật đẹp, trang phục thật đẹp, lăng xê làm sao cho nổi tiếng mà quên mất rằng phải hướng các người đẹp biết cách ứng xử và nạp thêm những kỹ năng, kiến thức cần có của một người đẹp đúng nghĩa.
Một số cuộc thi sắc đẹp trong nước, tôi được biết BTC rất cẩn thận, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công An trong việc kiểm tra lý lịch thí sinh. Điều này rất quan trọng bởi nó đôi khi giúp giám khảo cân nhắc để chấm người xứng đáng cả về vóc dáng, xứng đáng cả việc biết giữ hình ảnh.
Ông Trường Sơn (phải).
Tôi vẫn nhớ trong một cuộc thi có em chỉ cần vô tình đi chơi ở quê mặc áo bò rồi phì phèo thuốc lá bị chụp ảnh đưa lên mạng xã hội. Những điều đó được phản ánh đến với BGK thì chúng tôi sẵn sàng loại như thường mặc dù trước đó được "chấm" có thể là á hậu.
Quay lại trường hợp của Triệu Thị Hà, theo ông sự việc này nên giải quyết như thế nào?
- Về chuyện của Triệu Thị Hà, chúng ta phải thông cảm ở hai góc độ. Góc độ thứ 1 đối với BTC đã ký hợp đồng với Triệu Thị Hà và phải có sự ràng buộc bởi người ta đầu tư vào thì hoa hậu phải có đóng góp. Khi đăng quang thì Triệu Thị Hà phải đi làm từ thiện, phải quảng bá hình ảnh và việc cô lơ là là có thiếu sót.
Triệu Thị Hà cũng biết mình sai nên đã đến gặp BTC xin lỗi và từng làm đơn xin rút. BTC lúc đó phân vân và sau đó chính BTC lại thấy cần phải đồng ý để Triệu Thị Hà rút vì nếu cô nhân danh hoa hậu để làm những việc có lợi cho bản thân hay hành động không tốt thì ảnh hưởng tới đơn vị tổ chức.
Tuy nhiên ở góc độ pháp lý, như Chánh Thanh Tra Bộ VHTTDL từng chia sẻ là vương miện của Triệu Thị Hà đã được chuyển sang cho người kế nhiệm. Triệu Thị Hà đã trở thành cựu hoa hậu nên về mặt luật pháp thì không rút được.
Đến nay, Bộ VHTTDL vẫn chưa đưa ra quyết định này và cần xem xét hành lang pháp lý về việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu quốc gia để làm sao đảm bảo uy tín của giải, đảm bảo sự đầu tư và công sức của BTC, đảm bảo quyền lợi cũng như nghĩa vụ của người đoạt giải.
Một vấn đề bức xúc hiện nay là các thí sinh trước khi tham gia cuộc thi phải ký hợp đồng với BTC, trong đó có những hợp đồng ràng buộc như quảng bá hình ảnh, làm từ thiện, các hoạt động xã hội... Nếu vi phạm sẽ phải xử theo pháp luật. Đã có rất nhiều thí sinh vi phạm nhưng BTC cũng không phạt được họ vì chưa có đủ các chế tài cụ thể.
Qua sự việc này tôi thấy chúng ta cũng đã hiểu bản chất thật rồi. Bản thân cô Triệu Thị Hà thấy không xứng đáng xin rút. BTC cũng thấy không xứng đáng. Vậy thì lần sau cô ấy có làm gì hay xuất hiện ở sự kiện nào đó thì mọi người cứ nói cô ấy là người đẹp Triệu Thị Hà, không dùng cựu hoa hậu nữa.
Vinh dự khi được nhận kỷ niệm chương của Ba Lan
Là người duy nhất thuộc khối dân sự vừa được nhận kỷ niệm chương của Hội những người anh hùng Ba Lan. Cảm giác của ông thế nào?
- Kỷ niệm chương của những người anh hùng Ba Lan cho công dân Việt Nam thì có từ lâu rồi và lúc trước họ chỉ trao cho những người làm trong quân ngũ, những cựu chiến binh đã hi sinh để bảo vệ tổ quốc. Nhưng sau khi hòa bình, quan hệ giữa Ba Lan và Việt Nam ngày càng phát triển. Vì vậy kỷ niệm chương dành cho những người có đóng góp cho sự phát triển hữu nghị, đoàn kết, mang lại tình gắn kết giữa hai quốc gia.
Ông Nguyễn Trường Sơn nhận kỷ niệm chương của Hội những người anh hùng Ba Lan.
Đây là lần đầu tiên những công dân Việt Nam được trao kỷ niệm chương mà không phải nằm trong quân ngũ. Tôi công tác tại Bộ Thông tin và Truyền thông và nhiệm vụ của chúng tôi là làm công tác về thông tin đối ngoại. Vì vậy trong suốt gần 10 năm tôi có quan hệ chặt chẽ với Hội người Việt Nam ở Ba Lan, các Hội của Ba Lan để làm sao giới thiệu quảng bá hình ảnh con người Việt Nam đến với nhân dân Ba Lan.
Năm 2012 chúng tôi làm một sự kiện rất lớn đó là triển lãm ảnh, phim, phóng sự tài liệu Việt Nam điểm hẹn thế giới gồm 7 chủ đề để giới thiệu về đất nước Việt Nam tại Ba Lan. Đó là triển lãm được coi là lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam tổ chức và được sự hưởng ứng của Ba Lan và các đại sứ quán các nước. Buổi lễ khai mạc đã có 2 Phó Thủ tướng và hàng trăm đại sứ tham dự.
Sự kiện này mang nhiều dấu ấn bởi mang 7 chủ đề: Thứ nhất là Chính phủ Việt Nam và Quốc hội Việt Nam. Chủ đề này xuyên suốt quá trình Việt Nam từ khi thành lập Chính phủ đầu tiên và Quốc Hội Việt Nam từ nhiệm kỳ đầu đến năm 2012 để giới thiệu một cách tổng quan. Thứ hai là "Việt Nam hội nhập và phát triển" trong đó giới thiệu thành tựu phát triển của Việt Nam trong suốt quá trình đặc biệt là sau thời kỳ đổi mới đến ngày nay.
Chủ đề thứ ba là những làng nghề truyền thống Việt Nam. Chủ đề thứ tư là ẩm thực Việt Nam. Chủ đề thứ năm là Lễ hội truyền thống Việt Nam. Chủ đề thứ sáu là những di sản thế giới ở Việt Nam và chủ đề thứ 7 là phong cảnh đất nước và con người Việt Nam gồm 200 bức ảnh và hơn 200 bộ phim tài liệu của Việt Nam và đều có phụ đề tiếng Ba Lan, tiếng Anh, cả tiếng Việt cho kiều bào xem.
Chính vì hoạt động tiêu biểu đó mà tôi chỉ là một đại diện của Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông Quốc tế thuộc Bộ Thông tin và truyền thông được chọn để nhận phần thưởng cao quý này. Nó thể hiện một sự đóng góp nhỏ bé của tôi trong việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra nước ngoài và cam kết làm cho dân tộc Việt Nam- Ba Lan ngày càng hiểu nhau hơn và quan hệ ngày càng phát triển.
Tôi từng đi học ở Nga nên cũng gần gũi với Ba Lan. Đặc biệt những người bạn của tôi thời sinh viên ở Ba Lan khá nhiều nên rất hay sang đó chơi. Sau này về Việt Nam làm công việc thông tin đối ngoại thì tình cảm gắn kết hơn. Vì mối quan hệ với những người bạn, người Việt ở Ba Lan mà chúng tôi luôn trăn trở làm sao để làm những việc gắn kết giữa hai dân tộc với nhau.
Ông có thể tiết lộ những hoạt động văn hóa tiêu biểu của Bộ Thông tin - Truyền thông tại nước ngoài năm 2014?
- Năm nay Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông Quốc tế thuộc Bộ Thông tin và truyền thông vừa tổ chức thành công Liên hoan ảnh và phim phóng sự các nước Asean với chủ đề "Biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường" với hơn 500 bức ảnh và 126 bộ phim của nhiều nước đã gây một tiếng vang lớn trong cộng đồng Asean. Từ ngày 26/4 - 5/5 vừa qua, chúng tôi tổ chức Triển lãm ảnh và tuần phim 40 năm quan hệ Việt Pháp ở Pháp.
Ngày 29/5 chúng tôi tổ chức một sự kiện ở Anh và trao tặng 70 bộ phim. Đặc biệt ở Pháp và Ba Lan chúng tôi sẽ có 2 chủ đề mới đó là "Biển đảo Việt Nam'' giới thiệu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong tổng thể chung của các biển đảo Việt Nam. Ngoài ra có một chủ đề nữa là "Báo chí Việt Nam đồng hành cùng đất nước" để chúng ta thể hiện được vấn đề tự do ngôn luận và tự do báo chí của Việt Nam cho tất cả thế giới được biết.
Vào tháng 9 tới chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức triển lãm "Không gian văn hóa Việt Nam" nằm trong khuôn khổ Ngày Việt Nam tại Hà Lan. Lần này chúng tôi sẽ mang ảnh, phim và một số ấn phẩm, sách, tem của Bộ mang sang. Dự kiến tháng 12 chúng tôi sẽ làm Tuần Việt Nam tại Indonesia.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!