Hết thời… đẻ sòn sòn
Bấy lâu nay, giải Cánh diều Vàng hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam luôn là giải thưởng danh giá ghi nhận những đóng góp xuất sắc của các diễn viên, đạo diễn và êkíp làm phim cho nền điện ảnh nước nhà.
Thế nhưng, với những cái tên như “Cát nóng” - đạo diễn Lê Hoàng, “Đam mê” - đạo diễn Phi Tiến Sơn và “Gia sư nữ quái” - đạo diễn Lê Bảo Trung tham gia tranh tài trong tổng số 11 bộ phim được đề cử Cánh diều Vàng năm 2013 khiến dư luận đặt câu hỏi. Tại sao khi ra mắt từng được xếp vào diện “thảm họa” nhưng 3 bộ phim trên vẫn có mặt tại hạng mục tranh giải của một giải thưởng cho đến thời điểm này là danh giá nhất?
Lời phát biểu của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát trước báo giới đã phần nào làm thỏa đáng cho câu hỏi trên: “BTC đã gửi giấy mời tới các hãng phim nhưng một số nhà sản xuất phim không tham gia vào Cánh diều Vàng 2013. Không hiểu giải thưởng này có gì khiến họ e ngại hay họ tự ti về phim của mình với những khen chê của dư luận? Chúng tôi đang “so bó đũa chọn cột cờ” bởi số lượng phim có hạn”.
Thực chất của câu chuyện không đơn giản như vậy, số lượng phim hạn hẹp trong một năm một phần được lý giải bởi sự đầu tư nhỏ giọt đối với các hãng phim thuộc Nhà nước. Các hãng phim tư nhân, vì tự hoạch toán thu chi nên họ cũng rất cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư vào sản xuất một bộ phim.
Chính vì thế, phim Việt từ lâu đã không còn cảnh “đẻ sòn sòn”. Và thế là, dù phim có nhằng nhì về chất lượng và nội dung đi chăng nữa nhưng chỉ cần đáp ứng tiêu chí: “Được sản xuất trong năm 2012” thì đều có thể ung dung tranh giải. Nhưng nói đi cũng cần nói lại, sức hấp dẫn của giải thưởng điện ảnh uy tín này với giới làm nghề đang giảm sút thật sự và bị phân tán bởi nhiều lý do.
Thừa thãi giải thưởng
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng điện ảnh Việt cũng rất cần nhìn Oscar để tự soi mình, được phần nào hay phần ấy. Mỗi năm nền công nghiệp điện ảnh Mỹ sản xuất cả nghìn bộ phim, và người ta thoải mái chọn ra 11, 12 đề cử. Nếu như, một hạng mục bình chọn của Oscar chỉ để trao một giải duy nhất thì Việt Nam luôn “thừa thãi” giải thưởng để trao tặng cho các nghệ sỹ.
“Số lượng các giải được trao tại giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam thường chiếm tổng lượng phim”-ông Vũ Xuân Hưng, Phó Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết. Tâm lý “cả làng cùng vui” phần nào đã hạ thấp giá trị của giải thưởng trao cho người nhận.
Cùng với đó, lợi ích sát sườn của các nghệ sỹ khi nhận được các giải thưởng của Hội điện ảnh Việt Nam lại thấp. Giải thưởng đó chỉ làm cho nghệ sỹ vui, uy tín có tăng lên đôi chút nhưng bước ngoặt đánh dấu sự nghiệp thì không. Công chúng sẽ quên rất nhanh diễn viên này, đạo diễn kia dành được giải thưởng Cánh diều Vàng trong một rừng giải thưởng như vậy.
Bên cạnh đó, hình thức tổ chức của giải Cánh diều Vàng hiện nay đang xuất hiện nhiều bất cập và là một trong những lý do chính khiến giải trở nên kém hấp dẫn với giới điện ảnh và khán giả. Ngay như giải Mai Vàng của TP.HCM xem ra còn tạo được sức hấp dẫn với công chúng hơn. Bằng chứng cho thấy, Mai Vàng đã làm cho các nghệ sỹ đến dự trao giải thấy sự sang trọng và tôn vinh.
Một nghệ sỹ đi vào là có 4 người hộ tống bên cạnh. Vậy mà, có nhiều nghệ sỹ thuộc hàng lão làng, có tên tuổi của điện ảnh Việt Nam đã kêu rất nhiều về hình thức trải thảm đỏ của Cánh diều Vàng. Có nghệ sỹ còn cảm thấy tủi thân, lủi thủi bước vào hội trường trước những ánh mắt thờ ơ của giới truyền thông và khán giả.
Dường như tất cả ống kính của ngày hôm đó đều hướng vào các cô gái chân dài mới nổi lên. Thế rồi, sự tung hứng trò chuyện giữa người được nhận giải và người trao giải hay MC của buổi lễ cũng kém duyên. Chính cách nói buồn tẻ của người được trao giải đã không tạo ra được sức hấp dẫn cho Lễ trao giải thưởng Cánh diều Vàng.
Cách tổ chức thiếu chuyên nghiệp của Cánh diều Vàng cũng cần được thông cảm từ khán giả và nghệ sỹ bởi kinh phí hạn hẹp và chưa có một tổ chức chuyên nghiệp đứng ra đảm nhận. Mỗi năm, Diều Vàng lại được rút kinh nghiệm sau khi kết thúc về công tác tổ chức.
Nhưng khổ nỗi, năm nay là một nhà sản xuất này làm nhưng năm sau lại là một nhà sản xuất khác nên có rút kinh nghiệm thì cũng không ăn nhằm gì. Vì thế mới có chuyện, không biết đến bao giờ diều mới “bay cao”?