Qua rồi cái thời đạo diễn nằm dài chờ phim, phải sống bằng lương hoặc nhận số tiền cát-sê ít ỏi không đủ sống với nghề.
Thị trường sản xuất và kinh doanh phim truyền hình đang ngày càng sôi động khiến đạo diễn ngày càng đắt sô, được trọng dụng, chọn lựa những dự án theo ý muốn (đạo diễn có tên tuổi) và có cơ hội làm nghề dễ dàng (đạo diễn trẻ).
1 tỉ đồng/năm là chuyện thường
Hiện nay, dù nhà nước hay tư nhân, đa số đều áp dụng phương thức trả cát-sê theo thỏa thuận từng tập phim. Trên mặt bằng chung hiện nay, cát-sê cho đạo diễn trung bình dao động từ 8-12 triệu đồng/tập.
Nếu tính một phim khoảng 30 tập, quay trong vòng 2 tháng theo kế hoạch của nhà sản xuất (NSX) để đáp ứng tiến độ phát sóng, đạo diễn có thể bỏ túi khoảng 300 triệu đồng/phim.
Những đạo diễn có tên tuổi, ăn khách hiện giờ như Xuân Phước, Võ Việt Hùng, Hồ Ngọc Xum, Trương Dũng, Nhâm Minh Hiền… thường làm 3 phim/năm, thu nhập 1 tỉ đồng mỗi năm là bình thường.
Trong thời buổi làm phim truyền hình “đánh nhanh, thắng nhanh” để tiết kiệm chi phí của NSX, một đạo diễn ăn khách tiết lộ anh làm tới 4-5 phim/năm.
Như vậy, thu nhập sẽ cao hơn con số trung bình 1 tỉ đồng rất nhiều. Vị đạo diễn này cho biết khi cơ hội đến, anh không thể bỏ qua dù làm xong có thể “tắt thở” và chất lượng phim không tốt.
Cũng theo tiết lộ của các NSX, tùy tên tuổi, đẳng cấp của đạo diễn, mức độ “hoành tráng” của phim và để cạnh tranh với các hãng khác, họ không ngại chi nhiều tiền để mời đạo diễn.
Hiện nay, tuy không độc quyền nhưng có những đạo diễn luôn được các NSX “chọn mặt gửi vàng” như: Trương Dũng (Sóng Vàng), Nhâm Minh Hiền, Đặng Lưu Việt Bảo, Võ Việt Hùng (M&T Pictures)…
Đã có những đạo diễn được trả đến 15 triệu đồng/tập phim. Đại diện một NSX cho rằng với những đạo diễn có tên tuổi, làm nghề nghiêm túc, bảo đảm chất lượng phim thì mức cát-sê trên là xứng đáng.
Tất nhiên, với những đạo diễn trẻ, ít tên tuổi, con số này chỉ ở mức 6-7 triệu đồng/tập, thậm chí 4-5 triệu đồng/tập kèm theo những lời hứa thưởng thêm nếu phim đạt chỉ số người xem theo yêu cầu của nhà đài.
Theo Xuân Phước, trước đây một đạo diễn làm được 2 phim/năm là mơ ước. Đa phần các hãng phim nhà nước khoán từ A - Z cho đạo diễn nhưng với kinh phí cho một bộ phim khiêm tốn như lâu nay, đạo diễn khó hưởng lợi được số tiền dư.
Hiện nay, một vài hãng phim tư nhân vẫn còn trả cát-sê cho đạo diễn theo hình thức khoán. Nhờ kinh phí khoán cho một phim tăng lên nhiều, những đạo diễn biết tính toán, làm nhanh, gọn, rẻ thì có thể hưởng được số tiền dư đáng kể.
Không ai phủ nhận rằng vài năm trở lại đây, thù lao của đạo diễn phim truyền hình ngày càng được cải thiện dù không tăng vọt hay đạt những con số ngất ngưởng như ở các nước trên thế giới.
Thế nhưng, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi phim và cả tỉ đồng hoặc hơn thế mỗi năm không còn là giấc mơ của các đạo diễn.
Cầu cao hơn cung
Vài năm trở lại đây, nghề đạo diễn trở thành nghề “hot” khi số lượng phim truyền hình tăng, nhu cầu đạo diễn cũng tăng vọt.
Song, lượng phim sản xuất ngày một nhiều nhưng lực lượng làm phim, nhất là đạo diễn có tay nghề cao, bao năm nay vẫn không tăng.
Khi cung - cầu nhân lực mất cân đối, những gương mặt mới từ các vai trò khác như kịch vụ, diễn viên, quay phim, ánh sáng… chuyển qua làm đạo diễn cũng khá nhiều.
Tuy không đảm nhận những dự án lớn của các NSX uy tín nhưng lực lượng này đang làm phim đều đặn bởi hiện nay có hàng chục NSX tư nhân tham gia sản xuất phim.
Trong số đó, có người được học qua các lớp đạo diễn nhưng cũng có không ít người làm nghề theo kiểu “nghề truyền nghề”.
Những cái tên như Quách Khoa Nam, Lê Minh, Hạnh Thúy, Tấn Beo, Lý Hải… đều từ diễn viên chuyển qua làm đạo diễn. Hiện nay, rất nhiều diễn viên có ý định sẽ làm đạo diễn.
Đạo diễn Võ Việt Hùng cho rằng lực lượng đạo diễn hiện nay không còn khan hiếm và dự báo vài năm nữa sẽ “nở nồi”.
Trong đó, nhiều gương mặt nữ sẽ làm đạo diễn bên cạnh Hạnh Thúy, Việt Trinh, Hồng Ngân, Trần Quế Ngọc, Đặng Thái Huyền, Nguyễn Hoàng Điệp…
Đạo diễn cần có năng lực
Một đạo diễn kỳ cựu thốt lên: “Thời của tôi, muốn làm đạo diễn khó lắm! Phải học hành đàng hoàng, ra trường cọ xát với thực tế vài ba năm cũng chưa chắc được đứng vai trò đạo diễn.
Còn bây giờ, có cảm giác ai cũng làm đạo diễn được”. Đạo diễn Xuân Phước cho rằng có thể ở một khía cạnh nào đó, nghề đạo diễn đang “hái ra tiền”, trở thành một miếng bánh ngon mà ai cũng muốn nhảy vào để chia phần.
Song, cũng không ít người theo nghề vì đam mê thực sự, vì muốn khẳng định tài năng, tên tuổi ở một vai trò khác. Theo khẳng định của người làm nghề, đạo diễn không phải chỉ có đam mê mà cần phải có năng lực.
Mặc kệ là có năng lực hay không, các đạo diễn không chuyên cho rằng đã thấy được khả năng kiếm tiền và hành nghề dễ dàng.
“Tôi không sợ cạnh tranh, thất nghiệp. Bởi lẽ, các NSX hiện nay phải chạy đua với số lượng phim để kịp đáp ứng lịch phát sóng của nhà đài, vì vậy họ rất cần đạo diễn.
Nhiều NSX không đòi hỏi đạo diễn làm phim có chất lượng hay không, miễn có là mừng rồi” - một đạo diễn đi lên từ diễn viên chia sẻ.