Vở hài kịch gồm 4 tiểu phẩm, với nhiều câu chuyện, bối cảnh khác nhau xoay quanh cuộc sống vợ chồng. Và, quan trọng nhất, nó đưa khán giả tới một trải nghiệm mới: Vừa cười, vừa thảng thốt giật mình!
Cái thảng thốt đầu tiên, đó chính... là điệu cười hô hố của nhiều bà chị khán giả trung tuổi ngồi sau lưng vì lời thoại diễn viên hay quá, buồn cười quá!
Cái giật mình thứ 2, đó là ai cũng cảm nhận được của chính bản thân trong vở kịch, từ đó, nhìn nhận lại cách ứng xử của bản thân với vợ, với người tình và thậm chí, với mẹ.
Hội 'Chim trắng mồ côi' trong vở kịch.
Cuối cùng, điều giật mình găm vào tâm trí khán giả, là việc ê-kíp sản xuất chương trình đã định nghĩa "nước mắt đàn ông" theo một cách đặc biệt - là chính nỗi đau, sự chịu đựng của chị em phụ nữ.
Kịch bản chương trình do Giáo sự Cù Trọng Xoay Dũng viết, Sĩ Tiến đạo diễn, do đó, sẽ không mấy khó khăn để nhiều người cảm thấy nét quen thuộc, giống với cách gây cười ở Táo quân trên VTV.
Đó là cách diễn hài đặc trưng: lời thoại hóm hỉnh kèm nhạc chế "hot" như Con bướm xuân, Anh không đòi quà... và điểm xuyết một số sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm.
Cùng với đó, chất liệu hài được xây dựng chủ lực qua ngôn ngữ giao tiếp, nhân vật chứ không cầu kỳ bôi phấn, vẽ mặt gây cười.
Dù chưa tới mức khiến hàng loạt khán giả bật khóc như vở kịch 'Người ngựa, ngựa người' của Xuân Hinh ngày xưa, nhưng 'Nước mắt đàn ông' đủ khiến khán giả liên tục thay đổi cảm xúc: vừa cười hô hố đã lại trầm ngâm, gật gù suy nghĩ, từng câu chữ các nhân vật đối thoại sau vài giây.
Hình ảnh Tùng - Tươi dưới đêm trăng.
'Nước mắt đàn ông' không dừng lại ở thông điệp tôn vinh phụ nữ, mà còn đưa ra nhiều triết lý sống thức thời như phụ nữ cần tự yêu thương, tôn trọng chính bản thân thì mới mong người khác yêu thương họ; Tình yêu đôi khi ngay ở cạnh ta chứ không ở đâu xa; Người vợ cần biết bỏ qua sự ích kỷ để khoan dung, yêu thương và kéo chồng về với bản thân....
Vở kịch gồm 4 tiểu phẩm, thứ nhất xoay quanh câu chuyện tình của 2 bạn trẻ Tùng - Tươi. Tiểu phẩm 2 khai thác những bi hài của nhóm thành viên hội Chim trắng mồ côi. Tiểu phẩm 3 nói về câu chuyện bà vợ quên mất chính bản thân, để chăm sóc chồng con.
Điểm nhấn cuối cùng, là một đoạn kịch ngắn, diễn tả cảnh hai đứa trẻ buồn rầu trong cảnh gặp mặt nhanh chóng, chia tay bịn rịn vì bố mẹ đã chia tay.
Xuyên suốt hơn 2 tiếng diễn ra vở kịch, khán giả cười nghiêng ngả, nhưng quan trọng hơn, họ đều chợt nhận ra cho mình một cách ứng xử, 1 suy nghĩ tích cực về mối quan hệ với vợ, bạn gái hoặc với những người phụ nữ bên cạnh mình.