Cổ trang Việt: "Già làng" không chỗ đứng

Xét về lịch sử, phim cổ trang là thể loại phim đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam. Từ khi khai sinh, dòng phim này cũng có khá nhiều tác phẩm.

Xét về lịch sử, phim cổ trang là thể loại phim đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam. Từ khi khai sinh, dòng phim này cũng có khá nhiều tác phẩm.

Điện ảnh du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1898. Nhưng đến năm 1923, công ty Phim và Chiếu bóng Đông Dương mới thực hiện cuốn phim truyện đầu tiên tại Việt Nam: Kim Vân Kiều. 

Phim được dựng phỏng theo tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, do Famechon chuyển thể thành kịch bản điện ảnh và không có sự thay đổi đáng kể nào về tình tiết. Phim dài 1500 m, bối cảnh được quay ở Việt Nam và làm hậu kỳ tại Pháp. Các vai diễn do các đào kép của ban tuồng Quảng Lạc đảm nhiệm.

Phim được công chiếu vào ngày 14 tháng 3 năm 1924. Kim Vân Kiều thất bại nặng nề do mắc phải nhiều sai lầm về nội dung, từ trang phục tới lối diễn xuất của diễn viên không khác gì hát tuồng trên sân khấu. Tuy nhiên, bộ phim cũng được coi là dấu mốc mở màn cho nền điện ảnh Việt Nam.

Cổ trang Việt: "Già làng" không chỗ đứng

Thẩm Thuý Hằng trong phim Người đẹp Bình Dương

Bộ phim cổ trang tiếp theo có thể kể đến là phim Người đẹp Bình Dương của Đạo diễn Nguyễn Thành Châu công chiếu năm 1957. Đây là bộ phim đã làm nên tên tuổi của Thẩm Thuý Hằng – nữ minh tinh lừng lẫy một thời. Phim thành công về mặt doanh thu và tạo được tiếng vang lớn lúc bấy giờ.

Phim mang tính chất tôn giáo tuy không phát triển nhưng một vài tác phẩm có chút dấu ấn. Về Thiên chúa giáo có thể kể đến phim Áo dòng đẫm máu (1960). Về Phật giáo có thể kể đến ba bộ phim Người con báo hiếu (1997), Đôi mắt Thái tử Câu Na La (1997) và Ánh đạo vàng (1998).

Cuối những năm 1980 đến khoảng đầu những năm 1990, phim cổ trang chủ yếu hướng tới những câu chuyện cổ tích như Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh, Tấm Cám,.... Khi thể loại phim võ thuật của Hồng Kông du nhập vào Việt Nam, các nhà làm phim cũng sản xuất hàng loạt những phim võ hiệp dã sử như Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Tráng sĩ Bồ Đề, Chuyện tình Mỵ Châu...

Tuy nhiên, bộ phim cổ trang để lại được điểm nhấn trong thời kỳ này là Đêm hội LongTrì - một phim dã sử của đạo diễn Hải Ninh được công chiếu vào năm 1989. Bộ phim được đánh giá là khá thành công về mặt nội dung, bối cảnh cũng như trang phục.

Kiếp phù du là phần tiếp theo của Đêm hội Long Trì, được công chiếu vào năm 1990. Tuy nhiên, Kiếp phù du không để lại nhiều dấu ấn.

Cổ trang Việt: "Già làng" không chỗ đứng

Poster phim Đêm hội Long Trì

Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội là dịp mà phim lịch sử được đầu tư rất lớn. Có thể kể đến những bộ phim như Long thành cầm giả ca, Huyền sử thiên đô, Thái sư Trần Thủ Độ, Khát vọng Thăng Long, Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long, Tây Sơn hào kiệt,…. Với thời gian chuẩn bị khá dài và sự quảng cáo rầm rộ, khán giả đã rất mong chờ một loạt phim cổ trang lịch sử Việt Nam cho thỏa cơn khát bấy lâu. Tuy nhiên, khán giả đã sớm thất vọng.

Ví như, bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long dù đã sản xuất xong từ lâu nhưng tới tận bây giờ, khán giả vẫn chỉ được xem phim trên báo.

Hay như phim Huyền sử thiên đô, dù được chiếu trong giờ vàng trên VTV nhưng số phận cũng không khá hơn là mấy. Phim chỉ được phát sóng đến tập 20 thì bị ngừng giữa chừng, nhường chỗ cho phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long, dù nhận được khá nhiều lời khen từ khán giả.

Cổ trang Việt: "Già làng" không chỗ đứng

Nữ diễn viên Nhật Kim Anh trong phim Đường tới thành Thăng Long

Ngay đến một bộ phim được đánh giá là bộ phim thành công nhất trong loạt phim lịch sử mừng Đại lễ, được chọn làm phim chiếu trong lễ khai mạc Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội như Long thành cầm giả ca cũng không thể làm hài lòng công chúng.

Sau những thất bại nặng nề của loạt phim mừng Đại lễ, có vẻ các nhà làm phim đã không còn hào hứng với việc sản xuất phim bộ lịch sử. Thay vào đó là việc sản xuất những phim lẻ mang tính giải trí cao để công chiếu trong dịp tết. Cách làm này có vẻ an toàn hơn. Hai bộ phim cổ trang mới nhất có thể kể đến là Thiên mệnh anh hùng và Mỹ nhân kế.

Thiên mệnh anh hùng là bộ phim điện ảnh võ hiệp, cổ trang của Việt Nam công chiếu vào Tết năm 2012. Phim do đạo diễn Victor Vũ sản xuất dựa vào tác phẩm Nguyễn Trãi phần 2 - Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn. Là một bộ phim lịch sử hư cấu, nên cũng không mấy ai quá khắt khe về những tình tiết lịch sử, và phim cũng không nhấn mạnh tới yếu tố lịch sử.

Cổ trang Việt: "Già làng" không chỗ đứng

Thiên mệnh anh hùng

Phim được đánh giá cao, cảnh quay đẹp, trang phục tương đối thuần Việt, võ thuật hấp dẫn. Được quảng cáo rầm rộ và được khán giả rất quan tâm, Thiên mệnh anh hùng vẫn thất bại nặng nề về doanh thu. Nhìn chung, đây là một bộ phim đẹp, chỉ tiếc nó không nhiều sao, không hài và cũng không có cảnh nóng nên với thị hiếu phần đông khán giả dịp tết, việc phim thất thu cũng không khó hiểu.

Bộ phim thua lỗ nặng nhưng bù lại, Thiên mệnh anh hùng ẵm rất nhiều giải thưởng Cánh Diều Vàng 2012 với các hạng mục: Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Âm thanh xuất sắc. Đó cũng coi như sự bù đắp lại phần nào cho những nỗ lực và cố gắng của những người muốn mang một làn gió mới cho phim cổ trang Việt.

Đến bộ phim gần đây nhất là phim Mỹ nhân kế được công chiếu vào dịp tết 2013. Nội dung phim dàn trải và không có điểm nhấn. Tuy nhiên, phim vẫn cháy vé nhờ PR tốt và dàn mỹ nhân nổi tiếng của showbiz Việt hội tụ như Tăng Thanh hà, Thanh Hằng, Diễm My 9x, Ngọc Quyên... 

Cổ trang Việt: "Già làng" không chỗ đứng

Poster phim Mỹ nhân kế

Một bộ phim cổ trang kiếm hiệp 3D đầu tiên của Việt Nam với dàn mỹ nữ hot nhất trong showbiz Việt, những cảnh phim lung linh, những cô đào áo yếm nóng bỏng, những cảnh nóng, những úp mở về mối tình đồng tính thì phá kỷ lục doanh thu cũng không có gì khó hiểu.

Bộ phim được ví như một cô gái đẹp nhưng kém duyên. Diễn viên đẹp, cảnh quay đẹp, võ thuật đẹp (do sự hỗ trợ của công nghệ 3D), và người đẹp dù có vô duyên vẫn dễ được tha thứ vì người ta yêu bằng mắt cũng đủ no. 

Nhưng cũng không trách được, một cái bình bông thì nhiệm vụ của nó là để trưng cho đẹp, để người ta ngắm cho thoải mái tinh thần chứ không phải để các nhà khảo cổ săm soi. Xét về khía cạnh này, Mỹ nhân kế là một cái bình bông hoàn hảo.

Có thể thấy, phim cổ trang là thể loại phim “lớn tuổi” nhất trong làng điện ảnh Việt. Nhưng dường như, vị "bô lão" này chưa bao giờ có được một chỗ đứng xứng tầm. 

Phim cổ trang, đặc biệt là dòng phim lịch sử là một mảnh đất lớn nhưng có lẽ, để tạo dựng được một lâu đài trên mảnh đất ấy còn là chuyện của nhiều năm nữa. Sau sự thất bại của hàng loạt phim, chưa nói tới món nợ lớn lao với lịch sử, một món nợ với khán giả hiện tại cũng chưa biết tới bao giờ các nhà làm phim mới có thể trả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại