Chuyện tình chưa kể của nhạc sĩ Thuận Yến

Với Thuận Yến, ông không thể quên được gương mặt của những cô gái mười tám đôi mươi nhoà nước mắt trong đêm ngủ rừng đầu tiên. Vì vậy, tình yêu của những người nghệ sĩ ngày càng được chắp cánh...

Tình yêu của người nghệ sĩ

Thuận Yến  là nhạc sĩ quân đội và người bạn đời của ông cũng là nữ nghệ sĩ đàn tam thập lục. Mối tình của họ được bắt đầu khi hai người học chung trường Nhạc viện Hà Nội, khóa VI. Khi đó, nhạc sĩ Thuận Yến thường giúp cô nữ sinh Thanh Hương hoà thanh nên dần dà nảy sinh tình cảm giữa hai người.

Năm 1964, với tình yêu tha thiết, họ đã cùng nhau lên đường vào chiến trường. Với Thuận Yến, ông không thể quên được gương mặt của những cô gái mười tám đôi mươi nhoà nước mắt trong đêm ngủ rừng đầu tiên. Vì vậy, tình yêu của những người nghệ sĩ ngày càng được chắp cánh. Năm 1968, họ được tổ chức đứng ra làm đám cưới.

Nhưng vợ chồng chưa bén hơi nhau đã phải chia xa vì người vợ phải ra Bắc để chữa trị bệnh đau khớp gối. Ngã ba đường 9 (Quảng Trị) đã chứng kiến cuộc chia tay thấm đẫm nước mắt của đôi vợ chồng son trẻ với nỗi đau lặng lẽ vì cuộc ra đi không có ngày hẹn gặp.

Cũng bởi thế, năm 1991 khi đọc bài thơ Hoàng hôn lặng lẽ của nhà thơ Hoài Vũ, nhạc sĩ Thuận Yến như được gặp lại kỷ niệm xưa, để rồi ông viết thành nhạc. Nhạc sĩ tâm sự: "Tôi đã chọn 6 câu thơ của Hoài Vũ để viết nên bản tình ca Chia tay hoàng hôn. Với mỗi câu thơ mà tôi biến đổi như: Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi thành hoàng hôn yên lặng cũng theo về, hay xa vườn xưa chim chiền chiện tha mồi thành xa hàng cây đêm hò hẹn ta ngồi... đều gắn với một kỷ niệm thực của vợ chồng chúng tôi. Nhất là khi điệp khúc chia tay anh chia tay hoàng hôn được cất lên, tôi như được nghe lại tiếng gọi tha thiết của Thanh Hương khi tôi cất bước vào chiến trường. Thanh Hương đã gọi tên tôi kéo dài mãi trong không gian cho đến khi tôi không còn nghe thấy gì nữa.

Nhạc sĩ Thuận Yến.

Không những thế, sau cuộc chia tay đó, người nghệ sĩ này không thể tin được mình đã có một mầm sống và sau này người con ấy đã trở thành niềm tự hào của riêng ông - cô con gái Thanh Lam với danh hiệu "Nữ hoàng nhạc nhẹ" cũng được bắt đầu từ bài bát "Chia tay hoàng hôn" mang đậm dấu ấn tình yêu của cha mẹ. Có người nghi ngờ đã hỏi nhạc sĩ rằng, có phải vì ông đã kể lại câu chuyện tình cảm động ấy nên con gái ông mới hát thành công như thế?

Nhưng nhạc sĩ Thuận Yến đã khẳng định rằng: "Con gái Thanh Lam đã hát bài hát với tình cảm hoàn toàn tự nhiên khi nó hoá thân và đắm mình trong cảm xúc của chính mình, chứ không phải là sự vay mượn tình cảm từ câu chuyện quá khứ của cha mẹ. Sở dĩ tôi khẳng định điều đó là vì trước khi Lam hát, chưa khi nào chúng tôi kể cho con nghe câu chuyện này". Nhạc sĩ cũng cho biết thêm: "Cuộc sống cũng có nhiều điều khiến con người ta phải băn khoăn về những đứa con của mình, nhưng mãi mãi trong tôi, Thanh Lam vẫn là cô con gái bé bỏng, chịu thương chịu khó đã cùng cha mẹ vượt qua khó khăn của cuộc sống để học hành và trưởng thành. Đấy là những buổi sáng Lam thức dậy từ 4h để học bài. Đấy là những lần Lam còng lưng gánh nước giúp ba mẹ...".

Nhạc sĩ của nh ững ca khúc viết về Bác Hồ

Nhắc đến Thuận Yến, nhiều người vẫn nói, ông là nhạc sĩ có những tác phẩm viết về Bác Hồ thành công nhất. Trong tuyển tập ca khúc Thuận Yến có tới 14 ca khúc viết về Hồ Chủ Tịch. Đối với ông đấy là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được. Giờ đây, nhạc sĩ Thuận Yến vẫn còn nhớ như in lần đoàn văn công giải phóng ra Bắc, ông được vinh dự vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Bác.

Nhạc sĩ hồi tưởng lại: "Lúc ấy, Bác Hồ ngồi trong chiếc ghế mây cùng một em bé để xem các cháu biểu diễn. Sau mỗi tiết mục Bác lại lên chia cho mỗi cháu hai chiếc kẹo. Hình ảnh và phong thái của Bác cứ in đậm trong ký ức của tôi". Không phải ngay sau lần gặp Bác Hồ đầu tiên đó là nhạc sĩ đặt bút viết ngay được một tác phẩm về Bác. Và, kể cả đến năm 1969, nghe tin Bác mất trên đường đi công tác Quảng Ninh, dù trong lòng tràn đầy tình cảm, lòng kính yêu Bác Hồ nhưng nhạc sĩ vẫn chưa thể viết  - bật - lên được tác phẩm âm nhạc nào về Người. Thời điểm này, đã có rất nhiều nhạc sĩ, viết các ca khúc nổi tiếng về Bác.

Nhạc sĩ Thuận Yến tâm sự: "Phải đến 10 năm sau, khi tham gia cuộc vận động sáng tác viết về Hồ Chủ Tịch nhân 90 năm ngày sinh của Người, do NXB Văn hoá -Thông tin tổ chức thì bài hát Bác Hồ một tình yêu bao la mới được ra đời. Những nốt bật đó làm tôi phát khóc".

Nhạc sĩ Thuận Yến nhớ lại: "Trước khi đặt bút viết, tôi lâm vào bế tắc, có những đêm thức trắng, khiến mắt trũng sâu và râu dài ra. Giữa những bài hát có tính khái quát, trang nghiêm viết về Hồ Chủ Tịch của các nhạc sĩ, cuối cùng tôi cũng tìm được một cách thể hiện của riêng mình. Đó là việc sử dụng nhịp 6/8 cùng lời ca giản dị mà ấm áp, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân của các dân tộc cùng chung sống trên dải đất hình chữ S. Thực ra, lúc đầu tôi đặt tên bài hát là: "Bác Hồ, người Việt Nam kính yêu nhất. Nhưng khi mang sang Đài Tiếng nói Việt Nam thì được góp ý, về chữ nhất. Thế là, đêm về đọc lại, suy nghĩ mãi cuối cùng tôi mới đặt được tên Bác Hồ một tình yêu bao la. Đây cũng là bài hát khơi nguồn cho những ca khúc tiếp theo của tôi khi viết về Bác như: Đôi dép Bác Hồ, Miền Trung nhớ Bác, Người về thăm quê, Vầng trăng Ba Đình..."

Riêng đối với ca khúc Miền Trung nhớ Bác nhạc sĩ Thuận Yến đã viết khi ông về Quảng Nam và được đề nghị viết về tình cảm Bác Hồ đối với người dân Quảng Nam. Thực ra, chưa khi nào Bác Hồ về Quảng Nam cả. Vì thế ông lại rơi vào bế tắc.

Thật tình cờ, sau đó nhạc sĩ đọc cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng và nhặt được hai chi tiết: Bác Hồ về Bình Khê thăm cha khi ông Nguyễn Sinh Sắc làm tri huyện ở đây; sau đó Bác vào Phan Thiết, ở lại làm thầy giáo tại trường Dục Thanh một thời gian và rồi Bác đến bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Từ đó, ngoài việc sáng tác ca khúc Miền Trung nhớ Bác, nhạc sĩ còn viết cả trang giao hưởng cùng tên. Nhạc sĩ bảo: "Tôi muốn mượn âm nhạc để phác hoạ chân dung Hồ Chủ Tịch trong những nỗi gian truân khi Người tìm đường cứu nước và niềm hạnh phúc vô bờ của Người khi được trở về ôm hôn hòn đất Tổ quốc nồng ấm... Ngoài ra, tôi còn cùng nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã hoàn thành tổ khúc Hương rừng về với Bác (tôi viết nhạc, anh Cảnh viết lời). Với một nhân vật vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nghĩ rằng, chỉ âm nhạc sử thi hào hùng mới có thể phác hoạ đầy đủ và xứng tầm".

Là nhạc sĩ trưởng thành từ chiến tranh nên những tác phẩm của ông vừa hùng tráng khi viết về những giờ phút lịch sử của đất nước hay những anh bộ đội Cụ Hồ, vừa đằm thắm thiết tha với những bản tình ca về người mẹ Việt Nam anh hùng.

Và đặc biệt, với 14 tác phẩm âm nhạc viết về Bác Hồ, Thuận Yến là một trong số những nhạc sĩ đã khắc hoạ thành công hình tượng Bác Hồ với lời ca cũng như âm nhạc rất riêng. Nhạc sĩ Thuận Yến thổ lộ rằng, thế hệ nhạc sĩ của chúng tôi sáng tác âm nhạc đều bắt đầu từ những gì cụ thể, gần gũi nhất. Khi đó, âm nhạc không đơn thuần là những cảm xúc cá nhân, mà nó còn là sự chia sẻ với tất cả mọi người!

Khi gửi bài Hát mừng quê ta đã giải phóng rồi cho Đài Tiếng nói Việt Nam, không biết người biên tập nào đã cho thêm dấu sắc vào chữ Yên thành chữ Yến. Giữa chiến trường khói lửa, khi nghe bài hát của mình với bút danh Thuận Yến, tôi mới nhận ra rằng, đúng là khi đi với chữ Thuận thì phải dùng chữ Yến mới ổn.

Vì vậy, đến bây giờ, tôi vẫn mong mỏi có một lần tìm được biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã sửa thanh sắc ấy để cảm ơn, họ đã thật tinh tế khi biên tập giúp tôi. Có thể nói, biên tập viên ấy thật tinh tế khi thêm dấu sắc vào chữ Yên. Và chính nhờ đó mà âm nhạc mới đến với tôi để có được một nhạc sĩ Thuận Yến ngày hôm nay...

Chỉ một lần được gặp Bác duy nhất mà nhạc sĩ Thuận Yến đã viết được 14 ca khúc nổi tiếng về Bác. Đây là một dấu ấn quan trọng, một điểm nhấn trong đời sống thực và trong hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ như nhạc sĩ Thuận Yến.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại