Đến nay, gia đình Thiện Nhân vẫn chưa quên được niềm vui ngày cô bé đoạt danh hiệu quán quân. Khi mẹ, anh trai em bật khóc vì xúc động ở trường quay thì tại miền quê thanh bình, đông đảo bà con lối xóm cũng tụ họp để cùng theo dõi và ăn mừng chiến thắng.
Ông Trương Hoàng Thanh (Trưởng thôn Quang Hy) cho biết: “Trong đêm chung kết cuộc thi vào tối 4/10, Đoàn thanh niên và Chi hội phụ nữ thôn đã bố trí một màn hình lớn tại trụ sở thôn để mọi người tập trung đến xem. Đêm ấy, khi Thiện Nhân giành chiến thắng, chúng tôi đều vô cùng vui sướng. Mong rằng dù đi đâu, cháu cũng mãi là niềm tự hào của quê hương chúng tôi”.
Tuy nhiên khi trở lại thôn Quang Hy (xã Phước Lộc, huyện Tuy Hòa, tỉnh Bình Định), chúng tôi mới ngỡ ngàng phát hiện Thiện Nhân lớn lên trong gia đình nông dân, cuộc sống hoàn toàn dựa vào ruộng đồng. Ngày đăng ký tham dự cuộc thi, gia đình em thậm chí phải vét sạch “tài khoản” mới lo được 2 triệu đồng cho con gái lên đường.
Hát karaoke “lén” từ khi chưa biết chữ
Nằm bên cạnh con đường dẫn vào thôn Quang Hy (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định), ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ của Thiện Nhân hướng mặt ra cánh đồng. Đang vào mùa mưa, trời chiều âm u nhưng không khí xóm làng dường như náo nức lạ thường từ ngày bé Thiện Nhân từ TP.Hồ Chí Minh trở về. Trong khi người lớn trò chuyện, bàn tán về cuộc thi thì đàn trẻ nghêu ngao hát những bài mà cô bạn Thiện Nhân đã hát trên sân khấu.
Anh Nguyễn Xuân Phương (45 tuổi, cha của Thiện Nhân) chia sẻ: “Trước đây khi Thiện Nhân còn đang thi, bà con lối xóm đều quan tâm theo dõi. Nhiều khi, chúng tôi còn tập hợp nhau lại cùng xem chương trình nữa. Nay biết cháu về, mọi người đến để thăm hỏi, chia vui”.
Thiện Nhân là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Cha mẹ làm nông nên cuộc sống chỉ đủ ăn nhưng tiếng cười, tình thương thì luôn đầy ắp trong gia đình “tam đại đồng đường” gồm 7 người: Ông nội, cha, mẹ và 4 anh chị em Thiện Nhân. Vợ chồng anh Phương làm nông, sớm tối cặm cụi ngoài đồng. Từ nhỏ, Thiện Nhân được ông nội trông nom. Cũng chính trong khoảng thời gian ở nhà cùng ông, em đã bộc lộ sở thích và tài năng – những “nền tảng” đưa em đến thành công vang dội vừa qua.
Năm Thiện Nhân lên 5 tuổi, gia đình có sắm một dàn karaoke. Mỗi lần ở nhà trông cháu, ông Thiện Nhân thường mở nhạc lên nghe cho đỡ buồn. Không chỉ chăm chú nghe, Thiện Nhân còn ghi nhớ và có thể hát lại theo nhạc dù chưa hề biết chữ. “Dù chưa biết chữ nhưng mỗi lần nghe người lớn hát, Thiện Nhân véo von theo. Được một thời gian thì chỉ cần bật karaoke, nghe nhạc đệm là cháu tự hát được mà không cần đọc chữ hay nhìn màn hình. Rồi không biết từ lúc nào, Thiện Nhân ghiền hát karaoke.
Cứ mỗi lần cha mẹ đi làm vắng nhà, cháu lại bật dàn karaoke lên rồi hồn nhiên nghe, hồn nhiên hát. “Thấy dàn karaoke tốn điện quá, tôi rầy cháu nhưng rồi đâu lại vào đấy. Nhiều lần cháu lén hát, khi nghe tiếng cha mẹ về đến ngõ là vội tắt đi. Lớn lên chút nữa, mỗi lần nghe đài, ti vi có chương trình âm nhạc là Thiện Nhân xem, hát theo được vài đoạn. Nhiều lần gia đình đưa đi ăn đám cưới, cháu cũng xin lên hát”, anh Phương kể lại.
Thiện Nhân nhí nhảnh tại văn phòng nhà trường trước giờ chia tay bạn bè thầy cô để Nam tiến.
Gia đình mưu sinh nhờ mấy sào ruộng và vườn đu đủ. Bởi vậy dù biết con có năng khiếu, cha mẹ Thiện Nhân cũng không có điều kiện lo cho con gái đi học âm nhạc. Dẫu vậy, sở thích ca hát chưa bao giờ mất đi trong cô bé này. Mỗi lần ở trường có chương trình văn nghệ, Thiện Nhân đều hăng hái tham gia. Nhờ hát hay, em luôn được thầy cô chọn đi thi hát tại các cuộc thi dành cho học sinh cấp huyện, tỉnh. Năm học lớp 5, Thiện Nhân được trường chọn tham gia Hội thi tiếng hát Hoa phượng đỏ và đạt giải thưởng cấp tỉnh. Cứ như vậy, tiếng hát ngọt ngào của cô bé nông dân dần “vang xa” khỏi lũy tre làng.
Trong một lần xuống thành phố Quy Nhơn dự đám giỗ, chị Hồ Thị Tân (43 tuổi, mẹ Thiện Nhân) khoe với một người họ hàng là con gái mình hát rất hay. Thiện Nhân được mọi người yêu cầu hát cho nghe thử. Nghe xong, ai cũng tấm tắc khen. Cô bé được người họ hàng giới thiệu với ca sĩ Kiều Lệ, chủ phòng trà ca nhạc Nghệ Sĩ ở Quy Nhơn. Nghe giọng hát của Thiện Nhân, ca sĩ Kiều Lệ cũng rất thích và thường thỉnh thoảng mời em làm “ca sĩ” cho phòng trà ca nhạc của mình. Đầu năm 2014, Thiện Nhân và một cô giáo còn đoạt giải nhất song ca Hội thi tiếng hát giáo viên, học sinh ngành Giáo dục tỉnh Bình Định năm 2014.
Biết Thiện Nhân say mê ca hát và rất chăm chú theo dõi các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình, đặc biệt là Giọng hát Việt nhí năm 2013, anh trai cô bé là Nguyễn Thanh Cầm đã đăng ký cho em gái vào mùa 2014. “Thiện Nhân mê hát nên khoái cái chương trình Giọng hát Việt nhí đó lắm. Khi nghe bố mẹ bảo cho đi thi thì cháu vui sướng nhảy cẫng lên”, bố Thiện Nhân cho biết. Trong những ngày Thiện Nhân tham gia cuộc thi, anh trai Nguyễn Thanh Cầm phải tạm dừng xin việc (Cầm vừa tốt nghiệp ngành Xây dựng ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng - PV) để đưa em đi thi. Ngày hai anh em vào thành phố, gia đình gom góp ít tiền từ thu hoạch mùa vụ cộng thêm số tiền bán đu đủ được 2 triệu đồng. May mắn khi vào TP.Hồ Chí Minh, hai anh em được người thân ở đây giúp đỡ. Thiện Nhân được mua quần áo, giày dép để bước lên sân khấu.
Mỗi khi Thiện Nhân thi hát, chị Hồ Thị Tân phải vào trước 2 ngày để chăm sóc, cổ vũ cho con gái. Còn anh Phương, vì phải chăm lo ruộng đồng và quán xuyến công việc gia đình nên không thể vào Nam, đành cùng bà con lối xóm ngồi trước màn hình ti vi theo dõi màn trình diễn của con gái. “Trước mỗi lần thi, gia đình rất lo lắng bởi Thiện Nhân khá nhút nhát trước đám đông lại không được học âm nhạc bài bản như các bạn. Vậy mà, cháu lại đoạt giải nhất cuộc thi lớn như vậy. Chúng tôi rất bất ngờ và tự hào”, chị Tân cho biết.
Nam tiến không phải để chạy show
Dù mê hát nhưng Thiện Nhân chưa bao giờ lơ là việc học. Suốt những năm tiểu học, cô bé đều là học sinh giỏi. Thiện Nhân cho biết, xa trường lâu ngày nên em rất nhớ thầy cô, bạn bè. Vậy nên khi trở về nhà vào chiều hôm trước, hôm sau em đã đến trường.
Các thầy cô giáo cũng cho biết Thiện Nhân rất ngoan, gặp người lớn tuổi luôn chào hỏi và nói chuyện lễ phép. Gặp em trong văn phòng nhà trường, cô bé hồn nhiên chia sẻ: “Xa bạn bè, thầy cô lâu ngày nên em rất nhớ, muốn đi học ngay để được gặp mọi người. Em muốn mình học thật giỏi để sau này thành cô giáo dạy âm nhạc”, Thiện Nhân tâm sự.
Thế nhưng đây là những ngày cuối cùng Thiện Nhân học tại trường cũ. Bởi chia sẻ với chúng tôi, gia đình cho biết đã quyết định đưa em vào TP.Hồ Chí Minh học tập từ ngày 13/10. Gia đình hi vọng với sự giúp đỡ của vợ chồng nhạc sĩ Minh Vy - ca sĩ Cẩm Ly, cô bé sẽ có điều kiện tốt nhất để bồi dưỡng năng khiếu ca hát. “Xa con bé, gia đình ai cũng nhớ. Con bé còn nhỏ quá mà đã phải xa nhà nên mọi việc đều nhờ cậy anh trai nó”, chị Tân tâm sự.
Về việc Nam tiến của con gái, anh Nguyễn Thanh Cầm cho biết: “Dù chuyển trường nhưng gia đình vẫn đặt việc học văn hóa của Thiện Nhân lên hàng đầu. Gia đình đang làm hộ chiếu cho Thiện Nhân để cháu có thể làm thủ tục đi máy bay dễ dàng hơn.
Ban tổ chức Cuôc thi Giọng hát Việt nhí cũng đã hứa sẽ sắp xếp các sô diễn từ thiện vào các ngày thứ 7, Chủ nhật để không làm ảnh hưởng đến việc học tập của cháu. Gia đình chúng tôi chỉ mong muốn Thiện Nhân tập trung vào việc học văn hóa, còn sự nghiệp ca hát thì để sau này mới tính”.
Biết mình sắp xa bạn bè trường lớp, Thiện Nhân ngồi lặng im, nụ cười hồn nhiên thường trực giờ được thay bằng những phút ưu tư. Ban giám hiệu Trường THCS Phước Lộc cho biết, dù khá buồn khi phải chia tay cô học trò nhưng nhà trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để sớm hoàn thành thủ tục giấy tờ. Trước khi cùng mẹ ra về, Thiện Nhân được thầy cô đến tâm sự, động viên. Tất cả đều mong muốn, cô bé sẽ thích nghi được với môi trường mới, phát triển tài năng trên thành tích mà em đã đạt được ở cuộc thi vừa qua.