Chồng Mai Khôi: Rất nhiều đàn ông Việt từ giàu đến nghèo đều có nhiều bồ mà xã hội không lên án
Benjamin Swanton, hôn phu của ca sĩ Mai Khôi đã có những chia sẻ về cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng. Đồng thời, anh cũng tiết lộ góc nhìn về đàn ông Việt trong chuyện ngoại tình.
Tôi giúp Mai Khôi dọn dẹp nhà cửa, rửa bát
Mai Khôi, vợ của anh là một ca sĩ nổi tiếng, được nhiều người mến mộ. Làm thế nào mà anh chinh phục được trái tim của cô ấy?
Tôi không thích quan niệm chinh phục, nó không tự nhiên. Với tôi, tình yêu phải xuất phát từ hai phía thì đó mới là tình yêu. Ngay ngày đầu tiên gặp nhau thì chúng tôi đã cảm thấy yêu nhau rồi, không cần phải vờn nhau bằng cách chinh phục này nọ.
Anh và Mai Khôi đến từ hai đất nước với những khác biệt văn hóa. Làm thế nào để tìm được tiếng nói chung?
Tiếng nói chung của hai người là tiếng tình yêu và thông cảm xuất phát từ tự nhiên của hai người.
Mai Khôi và tôi đều cảm thấy quá đủ hạnh phúc mà không cần phải thêm một đứa con nào.
Cách anh chia sẻ với vợ trong cuộc sống hằng ngày như thế nào?
Tôi chia sẻ với vợ tôi tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Kinh tế, văn hóa, sở thích, công việc. Tôi giúp Mai Khôi quản lý công việc của cô ấy, hằng ngày giúp dọn dẹp nhà cửa và rửa bát.
Nói chuyện với ba mẹ của cô ấy thường xuyên để thể hiện quan tâm tới cha mẹ, chơi cùng với các bạn của cô ấy, những người mà cô ấy gần gũi và yêu thương...
Nhưng cặp vợ chồng nào cũng sẽ có lúc giận hờn, bất đồng quan điểm. Những lúc như vậy, anh đã làm thế nào để hòa giải?
Tôi lúc nào cũng lắng nghe và cố gắng thấu hiểu quan điểm của Mai Khôi. Nhưng nói chung tôi và Mai Khôi hiếm khi giận hờn vì thường nói chuyện với nhau về tất cả những vấn đề trong cuộc sống.
Mai Khôi không thích sinh con, còn quan điểm của anh thế nào?
Mai Khôi và tôi đều cảm thấy quá đủ hạnh phúc mà không cần phải thêm một đứa con nào. Phụ nữ có quyền quyết định có con hay không vì đó là cơ thể và cuộc sống của họ.
Đàn ông ngoại tình sẽ không bị xã hội lên án gay gắt như phụ nữ ngoại tình
Đang làm việc tại tổ chức Hòa Bình và phát triển, anh có thấy phụ nữ Việt Nam được giải phóng về mặt tinh thần cũng như lao động trong một cuộc hôn nhân?
Bây giờ tôi làm tư vấn độc lập và hay tư vấn cho các cơ quan phi chính phủ, các cơ quan Liên hiệp quốc và các Viện Hàn lâm.
Tôi thấy rằng những người phụ nữ tại Việt Nam đang sống trong thành phố được độc lập tài chính hoặc những phụ nữ chưa lấy chồng hoặc không bị gia đình ràng buộc, những người này đúng là được tự do hơn, nhưng đối tượng đó quá nhỏ và ở một mức độ nào đó họ vẫn chưa được hoàn toàn tự do từ miệng lưỡi của xã hội.
Mới đây, vụ một cô ca sĩ gặp lùm xùm với đại gia (Hồ Ngọc Hà và Chu Đăng Khoa - PV), có thể thấy cô ấy là người có vẻ sống khá là tự do nhưng đồng thời cũng đang bị xã hội lên án, chính vì cô ấy là phụ nữ.
Cái làm tôi bất ngờ nhất trong vụ này là người phụ nữ bị đem ra chửi rủa nhiều nhất trong khi lỗi là do đàn ông không biết tự kiểm soát. Kể cả báo chí cũng đăng những từ rất xấu và vô lý dành cho cô ca sĩ này như là từ "cướp chồng"...
Tôi không bao giờ chấp nhận những lời chửi rủa, xúc phạm dành cho bất cứ ai, kể cả họ đã gây ra một việc xấu.
Những quan điểm về "cướp chồng" hay "phá gia đình" toàn là giáng lên đầu người phụ nữ. Đây cũng là một hậu quả kém văn minh của sự bất bình đẳng giới và đặc quyền phi lý dành cho đàn ông trong xã hội này.
Theo tôi, nếu hai người không còn yêu nhau nữa thì mối quan hệ đó đã tự bị phá rồi.
Nhưng trong trường hợp nếu hai người không còn yêu nhau mà vẫn thoả thuận sống với nhau vì lý do con cái hay tài sản hay tình nghĩa gì đó thì tất nhiên hai người ấy sẽ và nên có tình yêu khác.
Sự yêu thương và tình dục là nhu cầu cơ bản của con người.
Tôi được biết có nhiều người phụ nữ bị gia đình ép lấy chồng, sinh con hoặc một số người phải đi vá màng trinh để làm hài lòng chồng.
Cũng có nhiều người phụ nữ bị ép hoà giải với chồng khi đã muốn li dị, kể cả sau khi họ đã chịu rất là nhiều bạo lực từ người chồng, mặc dù chưa chắc phương án đó sẽ đảm bảo sự hạnh phúc và sức khoẻ của họ.
Tuần trước tôi chứng kiến một cảnh đàn ông thanh niên đã xô xát, ghì đầu một người phụ nữ.
Chính là bạn gái của người ấy, ngoài chợ, nhưng những người xung quanh không can ngăn gì, họ cứ bảo đó là chuyện riêng của vợ chồng người ta, không nên can ngăn, rồi họ cứ đứng đó bàn tán và nói xấu người phụ nữ.
Chính vì những ví dụ như trên, tôi thấy còn lâu người phụ nữ tại Việt Nam mới được hoàn toàn giải phóng và tôi thấy nhà nước chưa đủ quan tâm để làm cho vấn đề bất bình đẳng giới trở thành một vấn đề ưu tiên phát triển xã hội.
Benjamin Swanton: Nhiều ông rất tự hào vì mình có nhiều bồ cùng một lúc, họ khoe khoang khắp nơi chứ không hề dấu diếm.
Sống ở Việt Nam nhiều năm, anh thấy đàn ông Việt như thế nào ở nhiều mặt?
Tôi thấy rất khó nói về một nhóm chung như: đàn ông, phụ nữ, người Việt Nam.... vì có mấy loại khác nhau trong những đối tượng này.
Đối với tôi không có gì có thể gọi là bản chất của một người đàn ông hết, tôi là đàn ông nhưng tôi có nhiều cá tính, sở thích và cử chỉ giống một số phụ nữ hơn là một số đàn ông mà tôi biết.
Nhưng nếu nhìn chung, tôi thấy đàn ông Việt Nam có một đặc quyền quá lớn, đặc quyền tự nhiên dành cho họ chứ không phải vì họ đã làm được gì hay ho, chỉ vì họ sinh ra với bộ phận sinh dục nam thôi.
Ví dụ, đàn ông ngoại tình sẽ không bị xã hội lên án gay gắt như phụ nữ ngoại tình.
Vì tôi thấy có rất nhiều đàn ông Việt Nam từ người giàu đến người nghèo đều có nhiều bồ trong khi đã có vợ hoặc người yêu rồi mà xã hội không hề lên án gì, nhiều ông rất tự hào vì mình có nhiều bồ cùng một lúc.
Thậm chí có người khoe khoang khắp nơi chứ không hề dấu diếm...
Đặc quyền này được thể hiện trong hình ảnh "đại gia và gái đẹp", một doanh nhân thành đạt được quan hệ vô tư với các chân dài không ràng buộc, trong khi một người phụ nữ mà quan hệ với nhiều đàn ông thì bị xã hội chửi rủa bảo là lẳng lơ, cướp chồng v.v....
Một hậu quả của đặc quyền này là sự mất cân bằng giới tính tại Việt Nam, vì rõ ràng đàn ông được nhiều đặc quyền hơn phụ nữ nên gia đình nào cũng muốn sinh con trai.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!