Cátsê của Mỹ Tâm: Chuyện bé xé ra to

Vài ngày qua, việc ca sĩ Mỹ Tâm và chuyện bị “gạch tên” không được biểu diễn tại quê nhà trong chương trình nghệ thuật của khuôn khổ cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế DIFC 2013 Đà Nẵng do đòi tiền cátsê cao trở thành tâm điểm của dư luận.

Sáng 9.4, tại cuộc họp chuẩn bị cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, ông Văn Hữu Chiến, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã yêu cầu công ty Sơn Lâm (đơn vị thực hiện chương trình nghệ thuật chính trong hai đêm 29 và 30.4) không mời Mỹ Tâm biểu diễn bởi mức giá cátsê khoảng 6.000 USD/bài là không chấp nhận được.

Ông Văn Hữu Chiến đã kết luận: “Đáng ra Mỹ Tâm nên cùng chia sẻ với thành phố trong thời điểm khó khăn này, vậy mà ca sĩ Mỹ Tâm chỉ hát mỗi đêm một bài mà đòi cátsê bằng tiền đô, đã vậy còn buộc thành phố phải chịu luôn cả tiền thuế VAT 10% là vô lý quá!”

Ca sĩ Mỹ Tâm

Ngay trong ngày, khi thông tin Mỹ Tâm “hét giá” và bị quê nhà từ chối xuất hiện tràn khắp trên các báo mạng, ca sĩ Mỹ Tâm đã chính thức gửi thông tin đến giới truyền thông với thông tin rất rõ ràng: “Mỹ Tâm khẳng định thông tin trên báo đưa ra là hoàn toàn sai sự thật! Những lời của chủ tịch UBND Đà Nẵng, chú Văn Hữu Chiến, đã nói về Mỹ Tâm cũng hoàn toàn sai sự thật! Tâm không biết có sự nhầm lẫn nào không?

Chương trình pháo hoa năm nay ở Đà Nẵng Mỹ Tâm chưa hề ký hợp đồng nào 6.000 USD, cũng không có việc làm tròn giá 110 triệu đồng và cũng không có chuyện buộc thành phố phải chịu luôn cả tiền thuế VAT 10% nào cả”.

Mỹ Tâm còn nói thêm, “Chúng ta đang sống ở một xã hội phát triển và văn minh, ai cũng có ý thức và lòng tự trọng.

Mỹ Tâm khẩn thiết đề nghị mọi người hãy suy nghĩ trước lời nói và hành động của mình, đừng vì những lời nói qua lại không được kiểm chứng mà có thể quy chụp cho người khác. Đó không phải là cách để hướng tới xây dựng một xã hội văn minh và tiến bộ. Về cá nhân, Mỹ Tâm sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này nếu những lời khẳng định trên của Mỹ Tâm là không đúng với sự thật!”

Đưa ra dư luận một thông tin chưa ngã ngũ và lẽ ra chỉ nên là trao đổi trong nội bộ của ban tổ chức, người ta không những đã làm cho chuyện bé bị xé ra to mà còn khiến sự kiện du lịch quan trọng của Đà Nẵng trong mùa hè năm nay vướng vào một tai tiếng.

Câu chuyện đến đây đã có phần dễ hiểu khi UBND TP Đà Nẵng không làm việc trực tiếp với Mỹ Tâm mà qua công ty trung gian (công ty Sơn Lâm) nên mọi hiểu lầm đã xảy ra.

Mọi chuyện có thể đơn giản hơn rất nhiều nếu đôi bên có những trao đổi trực tiếp và rõ ràng. Thậm chí, nếu Mỹ Tâm yêu cầu cátsê cho mình là 6.000 USD cũng là chuyện rất bình thường của thị trường giải trí, và càng bình thường hơn khi đêm nhạc đó có tính chất thương mại.

Theo thông tin từ giới bầu sô, giá 6.000 USD cho một chuyến diễn của ca sĩ hàng sao như Mỹ Tâm cũng không phải là cao khi thị trường đã từng trả những mức giá tương đương như thế cho các tên tuổi khác. Ca sĩ ra giá là quyền của họ, thuận mua vừa bán. Mỹ Tâm không có nghĩa vụ phải hát miễn phí cho bất cứ địa danh nào.

Việc dùng chữ “tình cảm quê hương” như một căn cứ đương nhiên để nghệ sĩ bớt giá là một ứng xử xa lạ. Mọi lao động trong xã hội đều phải được trả theo đúng giá trị của nó và thương lượng sòng phẳng. Đó là chưa kể, nếu nói đến việc làm từ thiện, Mỹ Tâm hiện là một trong số những ca sĩ có hoạt động từ thiện nhiệt tình nhất, trong đó có cả việc giúp đỡ cho người dân nghèo miền Trung và quê hương Đà Nẵng của cô.

Đưa ra dư luận một thông tin chưa ngã ngũ và lẽ ra chỉ nên là trao đổi trong nội bộ của ban tổ chức, người ta không những đã làm cho chuyện bé bị xé ra to mà còn khiến sự kiện du lịch quan trọng của Đà Nẵng trong mùa hè năm nay vướng vào một tai tiếng.

Có đáng không?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại