Thời Đường (618-907) là một trong những triều đại tốn nhiều giấy mực nhất của các nhà sử học. Trong đó phải kể đến sự lên ngôi của nữ vương duy nhất trong lịch sử Trung Quốc - hoàng đế Võ Tắc Thiên.
Hình tượng tuyệt sắc thiên hương của bà được xây dựng thông qua nhiều bộ phim cổ trang và gần đây nhất là “Võ Tắc Thiên truyền kỳ”.
Hẳn khi xem phim, nhiều người không khỏi thắc mắc về hình ảnh thực sự của người phụ nữ dưới thời nhà Đường.
Không ít người cho rằng, phụ nữ thời nhà Đường mang dáng vẻ thanh mảnh, nét mặt thanh tú nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Vào thời Đường, phụ nữ được cho là đẹp, hấp dẫn thì phải tròn trịa, mập mạp.
Ta nhận thấy điều này phần nào thông qua những bức tranh miêu tả lại hình ảnh của Dương Quý Phi - với khuôn mặt tròn trịa và nước da trắng.
Hay như cả Võ Tắc Thiên, theo sử sách ghi lại thì Võ Chiếu (tên thật của Võ Mị Nương) từ nhỏ “mặt vuông trán rộng, béo phục phịch, đôi mắt phụng dài, có tướng đế vương”.
Miêu tả này khác hẳn với hình tượng thiếu nữ mặt trái xoan với đôi mắt bồ câu thường thấy trên phim ảnh.
Bên cạnh đó, triều đại nhà Đường được sử sách ghi lại là thời kì hoàng kim với nền văn hóa và kinh tế phát triển mạnh. Đặc biệt, phần trang phục và phong cách trang điểm của nữ giới đã có một sự thay đổi lớn.
Phong cách trang điểm thời Đường nổi bật với sự bùng nổ của màu sắc. Có thể nói, đây là thời đại duy nhất mà người phụ nữ lại trang điểm với màu sắc sống động như vậy.
Phụ nữ thời Đường thịnh kiểu trang điểm “trán vàng” và “lông mày xanh”. Cụ thể, họ phủ một loại phấn vàng lên vùng trán và đặc biệt chú ý đến việc vẽ lông mày
Bên cạnh đó, các cô nương còn vẽ một biểu tượng hình hoa giữa trán. Biểu tượng này thường được vẽ bằng hạt cây hoa trà dầu hoặc lá vàng cùng một số nguyên liệu khác.
Hình vẽ cũng có nhiều loại: loại đơn giản nhất chỉ là một chấm tròn. Phức tạp hơn có hình đôi cánh hoặc hoa đơn giản. Hình bông hoa phức tạp thì sẽ được làm sẵn và sau đó dính vào giữa lông mày để tôn lên vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ quý tộc.
Quá trình trang điểm của phụ nữ lúc bấy giờ cũng khá phức tạp. Bên cạnh những bước cơ bản như phấn nền, son và bột vàng, lông mày được tô xanh theo các kiểu đa dạng và họ đặc biệt vẽ cả “má lúm đồng tiền”.
Má lúm này thường được vẽ hai bên khóe miệng và về phần dưới của má thì sẽ được đánh má hồng.
Tóc của nữ nhân thời Đường được bới lên cao dạng mũ đội đầu. Búi tóc thường là búi lớn với nhiều kiểu như búi mây, búi đôi, búi hình hoa...
Để phần búi tóc thêm quý phái, phụ nữ thời Đường sử dụng thêm những chiếc trâm cài được chế khắc tinh xảo hoặc các cụm hoa. Tóc hai bên có thể có phần rủ xuống che tai, còn phần trên búi gọn gàng.
Sẽ là thiếu xót nếu chúng ta quên nhắc đến phần trang phục của những phụ nữ thời Đường.
Mặc dù vẫn tiếp nối lối ăn mặc của các triều đại trước như đời nhà Hán (206TCN - 220) và đời nhà Tùy (581-618) có phần kín đáo nhưng thời trang đời nhà Đường có sự thay đổi rõ nét hơn.
Nếu như trước thời Đường, phụ nữ Trung Quốc bị hạn chế bởi các quy tắc trong đạo Nho - họ không có thứ hạng cao trong xã hội và quần áo mặc trên người phải kín đáo, giữ nét đoan trang thì đến thời nhà Đường, những bộ trang phục dần trở nên rộng rãi và thướt tha hơn.
Trang phục cổ truyền của Trung Quốc - Hanfu được phát triển từ thời nhà Thương với phần áo liền, tay áo hẹp và đai lưng qua các thời đại dù thay đổi nhưng vẫn luôn giữ nét kín đáo của nhiều lớp áo, váy chùm dài, bó chặt.
Trong khi phụ nữ thời nhà Đường đã chọn cho mình chiếc áo có cổ áo rộng hơn, váy dài nhưng được làm nhẹ nhàng và thướt tha hơn, mang lại vẻ đẹp thoáng hơn so với các triều đại trước.
Đai lưng cũng được biến đổi nâng lên phía trên ngực, biến thành váy không có đai, nhằm nhấn mạnh hình thể tròn trịa của người con gái - xu hướng được ưa thích thời bấy giờ.
Chất liệu của trang phục cũng đặc biệt tốt và tinh tế.
Dựa trên những tiến bộ của công nghệ dệt lụa và kĩ thuật nhuộm, vật liệu dệt may của thời kì này đạt đến sự đa dạng chưa từng có với số lượng và chất lượng tuyệt vời.
Những người thuộc tầng lớp cao trong xã hội bấy giờ thường sử dụng lụa hoặc thậm chí lông chim để may trang phục.
Trang phục thời Đường cũng có nhiều kiểu dáng khác nhau, thay đổi liên tục và được ví như đỉnh cao của phục trang Trung Hoa.
Trang phục của thời kì này của Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến trang phục của các nước láng giềng. Nhật Bản đã áp dụng những tinh hoa về màu sắc của bộ váy thời Đường vào bộ Kimono của mình.
Tương tự, trang phục truyền thống của Hàn Quốc - bộ Hanbok cũng “vay mượn” những nét đẹp của các bộ váy nhà Đường về cho mình như áo khoác ngắn phía ngoài hay đai lưng tiêu giản.
Có thể nói, phong cách ăn mặc và trang điểm của phụ nữ thời Đường đã đạt đến đỉnh cao trong lịch sử Trung Quốc với sự đa dạng về màu sắc và phong phú về kiểu dáng.
Điều này phần nào thể hiện sự phát triển của thời đại này trên các mặt khác như kinh tế, văn hóa, xã hội.
Có thể nói, hình tượng Võ Tắc Thiên được xây dựng trong phim ảnh không hề là hư cấu hay được “tâng bốc” quá tay bởi các đạo diễn mà đã phản ánh được một cách khá chính xác vẻ đẹp của phụ nữ thời kì vàng son này.