Ca sĩ Mỹ Linh vẫn còn một tóc ngắn 16 tuổi...

lananh |

“Tóc ngắn Acoustic - Một ngày” thực sự là một câu chuyện kể, một bức chân dung tự họa của Mỹ Linh.

Tìm cảm xúc mới giữa muôn vàn xúc cảm

Dễ là vì Mỹ Linh có quá nhiều điều để viết, quá nhiều điều để kể. Nhưng cũng vì cái “sự quá” nhiều đó khiến người viết bắt đầu e ngại. Bởi trước đó, có lẽ đã có cả ngàn bài viết về chị. Vậy thì làm thế nào để viết về một đề tài mà cả ngàn người đã viết nhưng vẫn giúp người ta cảm thấy có những điều mới mẻ đáng để đọc?

Nói về âm nhạc, về sự nghiệp? Không! Quá nhiều bài viết rồi. Từ khi “Tóc ngắn” mang tên tuổi của chị đến với khán giả, hô biến một cô ca sĩ triển vọng trở thành một diva thì những bài viết về âm nhạc của chị nhiều không đếm xuể. Gia đình? Cũng không. Mỹ Linh có một gia đình tuyệt vời nhưng điều đó cũng chẳng có gì mới mẻ với công chúng. Mỹ Linh giống như một bức tranh đẹp mà công chúng đã say sưa chiêm ngưỡng, thưởng thức biết bao lâu nay, vậy nên dù có là một chút tì vết hay những nét đặc sắc nào thì nó cũng đã được soi rất kỹ dưới lăng kính của khán giả.

Làm thế nào để luôn luôn có điều gì đó mới dành cho công chúng? Câu hỏi hẳn không chỉ riêng dành cho những người muốn viết về Mỹ Linh, cũng không hẳn riêng là của Mỹ Linh (hiển nhiên rồi!) mà là của tất cả những người nghệ sĩ. Công chúng là vậy, họ luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải lao động liên tục, đưa ra cho họ những sản phẩm không chỉ hay mà còn phải mới và sáng tạo.

Bên trong một Mỹ Linh “celebrity” của ngày hôm nay vẫn là một tóc ngắn giản dị, mộc mạc, hơi “tồ tồ”, y như cô gái 16 tuổi đang trò chuyện với bạn bè nơi quán khuya lề đường im vắng.

Xét trên một khía cạnh nào đó, Mỹ Linh không phải là ca sĩ có tốc độ “sản xuất” nhanh nhất, cũng không phải là ca sĩ ra nhiều album nhất. Nhưng chị có lẽ là ca sĩ luôn tìm tòi và sáng tạo nhất trong mỗi sản phẩm của mình, mà album mới: “Tóc ngắn Acoustic - Một ngày” của chị sẽ ra mắt tháng 7 tới đây là một minh chứng rõ nét nhất.

Thấy vẻ đẹp tinh khôi của một ngôi sao

Có lẽ “Tóc ngắn Acoustic - Một ngày” là một sự tiếp nối thì đúng hơn. Một gam màu mới trong bức tranh tự họa của Mỹ Linh về cuộc sống của mình. Một gam màu được thừa hưởng, phát triển từ những gì “Chat với Mozart” đã làm được. Một gam màu tạo nên sự ấm cúng, một trạng thái viên mãn và hạnh phúc như chính cuộc sống hiện tại của Mỹ Linh vậy. Cứ như gam màu ấy là một bức tranh riêng, nhỏ trong toàn cảnh bức tranh mà công chúng đã từng thấy, nó phản ánh lại từng giai đoạn thăng trầm trong cuộc sống của Mỹ Linh qua từng album chị đã phát hành.

Không còn là những bước thử nghiệm, phá cách để khẳng định bản thân và dòng âm nhạc của mình như “Chat với Mozart” và những album trước đó. “Tóc ngắn Acoustic - Một ngày” thực sự là một câu chuyện kể, một bức chân dung tự họa c���a Mỹ Linh. Ngoài chuyện tất cả những ca khúc được chính chị viết lời, thì những khâu còn lại để làm nên album này cũng đều là “home made” nên nội dung của nó cũng gắn liền với cuộc sống gia đình thường nhật.

Và trong từng câu chuyện bình thường ấy, với cách trở lại với những gì cơ bản nhất của âm nhạc, thông qua phương tiện mang tên acoustic, người ta sẽ vẫn thấy Linh là Linh, vẹn nguyên một khát vọng của những năm 16 tuổi, khát vọng của một người nghệ sỹ đã hiến mình trọn vẹn cho âm nhạc.

Có thể thấy điều đó qua ê-kíp của chị, những người đã giúp Mỹ Linh làm nên bố cục của bức tranh. Đó chính là Anh Quân, là Huy Tuấn, một người là chồng, một người là bạn thân thiết như thể anh em, những người đảm nhận vai trò phối khí và sản xuất. Đó là Anna và Mỹ Anh, những người đã hát bè, thậm chí song ca với mẹ như Mỹ Anh trong ca khúc “Cơn bão”. Giọng hát trong trẻo, dễ thương và đầy nội lực (thật đáng kinh ngạc) của cô bé khiến nhiều người hẳn sẽ hi vọng vào một giọng ca mới nối nghiệp mẹ mình.

Không chỉ có vậy, các ca khúc mà Mỹ Linh đã viết lời cũng xoay quanh những việc tưởng như rất bình thường, như là chị đang mô tả lại cuộc sống của mình vậy. Những công việc hàng ngày của một người phụ nữ như: đón con ở trường, dạy con học, chăm sóc gia đình... đều đã được chị kể. Dĩ nhiên, bằng ngôn ngữ âm nhạc.

Và hoài niệm xưa trong nét nhạc hôm nay

Một điều khác nữa cũng có thể nhận thấy khá rõ ở Mỹ Linh thông qua album này. Thời gian và những trải nghiệm với con đường âm nhạc đã giúp Mỹ Linh trân trọng và nâng niu âm nhạc hơn. Sự đầu tư kỹ lưỡng với 4 năm dài thực sự đã mang đến một “đứa con kháu khỉnh và xinh đẹp” cho Mỹ Linh.

Mới nghe qua, acoustic của Mỹ Linh vẫn là một thứ âm nhạc giản dị (một phần là bởi chị đã cố gắng tiết chế phô diễn kỹ thuật trong album này) nhưng vẫn mang đến một bức tranh đầy màu sắc. Đến mức người nghe hẳn sẽ thấy những thứ âm nhạc điện tử nghe nói mới... “công nghiệp” làm sao? Nhưng sự giản dị ấy không phải là đơn giản và cũ kỹ như những gì người ta cứ hay mặc định về khái niệm. Sự giản dị của Linh hôm nay là giản dị với những gì chân thực nhất của âm điệu nhưng vẫn bắt kịp hơi thở thời đại, điều mà Linh đã khiến cho những đối tác chuyên nghiệp người Mỹ phải ngạc nhiên về chị (album mới của Linh được master - làm hậu kỳ âm thanh - tại Mỹ) hay nói cụ thể hơn là âm nhạc của chị.

Mỹ Linh trân trọng những giá trị quý giá được lưu giữ trong hoài niệm bằng tư duy của một người đã đạt tới độ chín của đời cũng như của nghề cũng như bằng cả tâm hồn vẫn còn tươi trẻ, hồn nhiên của Linh thuở nào.

Hát acoustic không mới, không có gì lạ nhưng hát cho “ra” và mang đến cho người nghe một cảm nhận thực sự về dòng nhạc này thì lại hết sức khó khăn. Có lẽ chính vì vậy mà Mỹ Linh đã cất công đầu tư vào việc in đĩa than (vinyl) cho những khán giả sành nhạc và khó tính của mình. Linh hiểu được giá trị của những gì quý giá mà bấy lâu nay chúng ta vẫn cất giữ trong hoài niệm.

Lâu rồi Linh không hát phòng trà ở TP.HCM và lần này chị quay lại, cả chị lẫn khán giả đều xúc động như thể tái ngộ người yêu cách xa bao ngày. Để rồi, trong từng nhịp điệu của không gian ấm cúng ấy, ta lại thấy Linh gần gũi hơn bao giờ hết.

Theo Bongdaplus.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại