Ca sĩ đi hát tỉnh: Phận như canh bạc!

Lan Anh |

(Soha.vn) - Những chuyện rủi ro và rất nhiều nỗi khổ không tên của ca sĩ đi hát tỉnh đã được thổ lộ bởi chính người trong cuộc.

Mới đây, trên fanpage của rapper Karik đã cho đăng một status khá dài với nội dung tố cáo một bầu show đã hành hung, quỵt tiền show diễn của anh và các nghệ sĩ Cường Seven, Kimmese, Andree trước Tết vừa rồi. Kimmese, Cường Seven, Andree được mời tham gia chương trình Pool Party ở Tuy Hoà, bầu show tên Tú (Trần Thanh Tú) đã hẹn lại sau đêm diễn sẽ trả đủ và đưa code vé máy bay cho mọi người.

Tuy nhiên, cuối cùng thì Trần Thanh Tú “lật lọng” giở trò quỵt tiền, còn kêu cả giang hồ đánh nhóm ca sĩ trẻ. Câu chuyện mang màu sắc cướp giật, giang hồ ngay trên "sân khấu ca nhạc" được đăng tải bởi chính người bị hại khiến người hâm mộ không khỏi giật mình trước một góc khuất phía sau showbiz - nơi số phận của các ca sĩ trẻ đi hát tỉnh như đi đánh bạc.

Ca sĩ hát tỉnh đối mặt với không ít rủi ro. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trên thực tế thì những chuyện rủi ro và rất nhiều nỗi khổ không tên của ca sĩ đi hát tỉnh đã từng được thổ lộ bởi chính người trong cuộc.

Giới showbiz vẫn gọi các show hát tỉnh là "Sân khấu chuồng gà". Chuyện khán giả đập tan sân khấu, đánh ông bầu hay đuổi cả đoàn chạy tán loạn là "chuyện thường ngày ở huyện" hay cả những chuyện quỵt tiền kể trên đều có cả ở những sân khấu "chuồng gà" đến dị hợm.

Một ca sĩ đi hát tỉnh nếu không phải là địa điểm tại thành phố lớn thì có thể sẽ phải đối mặt với bao nhiêu rủi ro.

Đầu tiên có thể kể đến là khó khăn về di chuyển, đi lại. Sân khấu "chuồng gà" của các show ca nhạc ở một số tỉnh nghèo thường là những bãi đất trống tối tăm và con đường để ca sĩ di chuyển tới sân khấu cũng rất ngoằn ngoèo, không có đèn điện nên tai nạn giao thông là điều có thể xảy ra. Độ rủi do cũng rất cao với vấn đề trộm cắp, cướp giật trên những con đường vốn vắng người và heo hút ấy.

Sân khấu kém chất lượng được lắp ghép tạm bợ bằng nhiều mảnh ván gỗ, phía trên không có mái che khiến các ca sĩ dở khóc dở cười nếu gặp thời tiết xấu. Có không ít ca sĩ từng thổ lộ chẳng may khi đang hát rất sung đã bị lọt hẳn xuống dưới sàn sân khấu trong sự bất ngờ và hoang mang của nhiều khán giả cũng chỉ vì sân khấu được dựng ẩu.

1001 chuyện ca sĩ hát sân khấu tỉnh
Noo Phước Thịnh, Ngô Kiến Huy và Đông Nhi cũng là 3 ca sĩ thường xuyên có những show đi tỉnh rất được khán giả yêu thích.

Mặt khác, cũng vì sự kém chất lượng này trong vấn đề hệ thống âm thanh, ánh sáng khiến chất lượng biểu diễn của ca sĩ phần nào bị ảnh hưởng khiến họ vô tình hứng chịu những lời la ó không hay từ khán giả. Nhẹ thì bị khán giả hô ngừng hát, nặng thì bị ném đá và vô số những vỏ lon, chai nước lên phía sân khấu.

Điều này rất hay xảy ra với những ca sĩ trẻ hát lót theo show diễn. Vì thông thường một show hát tỉnh chỉ có từ 1-2 ca sĩ nổi tiếng để thu hút khán giả còn lại là các ca sĩ trẻ hát lót. Tất nhiên, những "cây đinh" của cuộc vui bao giờ cũng được để dành đến phút chót. Nếu ca sĩ ngôi sao được khán giả tung hô, hưởng ứng thì trên sân khấu người hát lót chỉ là vật thế thân, thậm chí phải chịu nhiều cay đắng, tủi nhục phía sau hậu trường.

Thế mới có tình trạng, ca sĩ hát lót đang hào hứng trên sân khấu thì ở dưới, khán giả bực bội hò hét vì mãi vẫn chưa thấy thần tượng xuất hiện.

Ca sĩ Khánh Phương , một trong những cái tên rất "hot" ở sân khấu tỉnh chia sẻ: "Nếu đi hát ở những sân khấu lớn, ca sĩ chỉ việc lên hát xong rồi về thì ở sân khấu tỉnh, ngoài việc khuấy động không khí, Phương còn phải cố gắng không làm mếch lòng khán giả. Nhiều khi đang hát, một số người không ngại nhảy lên ôm hôn. Mặc dù biết đó chỉ là hành động thể hiện sự yêu quý, nhưng nó cũng khiến Phương bối rối và rất đau.

Những người khác lại lên sân khấu trong tình trạng say xỉn, họ bá vai, kẹp cổ, vò đầu hoặc lấy mũ ụp lên đầu ca sĩ khi chúng tôi đang hát trên sân khấu. Những lúc như thế đòi hỏi người ca sĩ phải rất khéo léo, vừa cứng vừa mềm để không làm phật lòng khán giả" .

Chuyện mất cắp, trấn lột hay thậm chí là "hỏi thăm" bằng nắm đấm diễn ra nhan nhản khắp các sân khấu "chuồng gà". Vì sự tính toán hạ thấp chi phí đến hết mức có thể của bầu sô, nên phòng thay đồ của ca sĩ cũng bị bỏ qua, đội bảo vệ khá mỏng hoặc không có. Thế nên phía sau cánh gà, ca sĩ thường bị khán giả bao vây tứ phía, tài sản không được bảo quản nên mất mát thường xuyên xảy ra, thậm chí có trường hợp bị xin đểu ngay trên sân khấu.

Một ca sĩ giấu tên chia sẻ: “Lần đó, tôi đang hát trên sân khấu thì bỗng nhiên có khoảng 3, 4 thanh niên nhảy lên. Ban đầu họ tỏ ra thân mật, bắt tay, cười đùa nhưng sau đó lại trở giọng xin đểu: Anh cho em xin cái đồng hồ.

Khi tôi chưa kịp phản ứng, một thanh niên khác lại đe: Anh cho nó đi, nếu không, tí nữa anh khó về. Trong hoàn cảnh đó, không còn cách nào khác, tôi phải cởi đồng hồ để bảo đảm sự an toàn của mình và quản lý. Sự việc này tái diễn nhiều lần đến nỗi mỗi lần đi diễn, tôi không dám mang theo mình bất cứ thứ gì quý giá” .

Chuyện bị cắt bớt cát sê so với giá mời chào ban đầu cũng là chuyện thường thấy. Bầu show có trăm nghìn lý do viện vào để kì kèo, giảm giá cát sê của ca sĩ như vé bán không được, khách phá rào vào, trời mưa...

1001 chuyện ca sĩ hát sân khấu tỉnh

Cát sê không cao, sự rủi ro luôn rình rập nhưng chạy show tỉnh là một công việc vẫn diễn ra hàng ngày với giới nghệ sĩ Việt và ca sĩ Việt vẫn phải chạy theo. Âu tất cả cũng vì miếng cơm manh áo, ca sĩ hát lót vẫn phải nuốt nước mắt vào trong, mỉm cười trên sân khấu. Tuy nhiên, những trường hợp kể trên cũng là một lời cảnh tỉnh với các ca sĩ, cần cẩn trọng hơn khi nhận các show ca nhạc mà như một canh bạc, đầy dẫy sự lừa lọc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại