Chắc hẳn nhà thơ Đỗ Trung Quân không thiết tha gì mấy với các bản dance với vũ đạo mạnh mẽ của các nhóm nhạc Hàn Quốc. Kpop không có chút liên quan đến sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Lẽ dĩ nhiên các fan Kpop cũng không có mối liên hệ với nhà thơ.
Nhưng bài thơ mới nhất của ông khi được đăng trên facebook cá nhân với tựa đề “Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất” lại chính là ngòi nổ cho cuộc “cãi vã” trên cộng đồng mạng.
Bài thơ khắc hoạ rõ nét chân dung thanh niên của thời đại trước. Những con người hiên ngang, từng cầm súng ra trận để bảo vệ tổ quốc. Máu và nước mắt rơi với ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và có giá trị lịch sử. Để nước mắt rơi về những chuyện “tào lao” là việc làm vô nghĩa!
Bài thơ được viết trên facebook của nhà thơ Đỗ Trung Quân.
"Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt
Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội.
Sắt đá vẫn nghẹn ngào.
Nhưng các em ạ
Chúng tôi không bao giờ rơi lệ
Những chuyện tào lao
Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy, gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ huơ lạ hoắc
đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu"...
Nhà thơ không chỉ trích nặng nề mà chỉ đưa ra những dẫn chứng cụ thể trong chuyện hâm mộ quá khích của nhiều bạn trẻ với thần tượng Kpop. Câu ý nghĩa nhất của bài thơ có lẽ là lời khuyên nhủ các bạn trẻ: "Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ", vì thế "Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất".
Nhưng lời khuyên ý nhị nhà thơ Đỗ Trung Quân vô tình châm ngòi cho cuộc chỉ trích hội đồng. Hơn thế từ bài thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân mà nhiều cư dân mạng có cơ hội “ném đá” tơi tả nhân vật trong bức ảnh tại sân bay. Đồng thời fan Kpop cũng hứng chịu những lời chê bai không thương tiếc.
Bài thơ vô tình là ngòi nổ cho cuộc cãi vã và đả kích các bạn trẻ yêu nhạc Hàn
Chỉ là một hành động không kiềm soát được cảm xúc của các bạn trẻ trước thần tượng của mình. Nhưng qua cách suy diễn phong phú của nhiều người, fan Kpop bỗng vô tình trở thành những “tín đồ” cuồng loạn, không biết phân định và trân trọng những giá trị ý nghĩa trong cuộc sống.
Bài thơ nhận được rất nhiều sự đồng tình của cư dân mạng. Những người nhấn like bài thơ còn viết thêm những đoạn bình luận mang tính đả kích cao các bạn yêu nhạc Hàn và thần tượng các ca sĩ đến từ xứ sở kim chi.
Nhiều ý kiến cho rằng bài thơ là lời “cảnh tỉnh” cho sự mu muội cũng như cuồng loạn của thế hệ trẻ hiện tại. Một số bình luận cũng khá khiếm nhã và sử dụng những từ ngữ thiếu tế nhị khi nói về cách sống, cách nghĩ và cách hành động của các bạn tuổi teen.
Fan kpop bỗng dưng thành tội đồ và chịu những phán xét khá cay nghiệt của cư dân mạng
Trái ngược hoàn toàn với những chỉ trích gay gắt bạn trai rơi nước mắt vì thần tượng. Một số lượng không nhỏ cư dân mạng cũng lên tiếng mang tính “bao dung” hơn. Theo nhiều ý kiến thì mọi cá nhân đều có quyền thể hiện cảm xúc, mỗi người lại có một niềm đam mê riêng. Mang những điều thuộc về sở thích cá nhân ra phán xét quả thực không mấy công bằng.
Quả thực tuổi trẻ vẫn thường đi đôi với những gì thuộc về nông nổi, bộc trực và khó kìm nén cảm xúc. Nhiều fan kpop cũng khá hoảng loạn khi thấy một số thành phần fan cuồng làm bẽ mặt tập thể. Song chỉ “đảo mắt” qua một số hành động của các bạn trẻ để rồi quy chụp rằng họ“mất tự tôn dân tộc” quả thực đã hơi quá lời.
Theo nhiều bạn trẻ tham gia các diễn đàn điện tử thì cần phân biệt rạch ròi giữa tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc và sở thích cá nhân. Yêu nhạc Hàn đồng nghĩa với việc không yêu nước là cách suy nghĩ chưa mấy thấu đáo và thiếu công bằng cho fan Kpop.
Nhiều ý kiến còn cho rằng tư tưởng sống của mỗi thế hệ sẽ có những điểm hoàn toàn khác biệt. Chính vì thế áp đặt cách suy nghĩ đôi khi là việc làm quá hà khắc. Yêu nhạc Hàn, hâm mộ các ca sĩ trẻ thực sự là một sở thích của phần đông các bạn tuổi teen. Nhưng việc mang sở thích của giới trẻ ra “quy tội” đã vô tình tạo nên sự phản ứng khá mạnh mẽ.
Thời gian qua giới trẻ yêu nhạc Hàn bị chỉ trích khá nặng nề. Đặc biệt hình ảnh nhiệt thành của họ khi đón chào thần tượng luôn được mang ra để “bêu rếu” trên nhiều diễn đàn. Song nhiều người lại không lý giải được vì đâu họ mê mẩn đến vậy.
Cũng như việc gào thét khản cả cổ, khóc thảm thiết trên khán đài sân động trong những trận đấu bóng. Dễ dàng lý giải cho điều này, bởi họ yêu thể thao. Còn các bạn trẻ đang bị lên án, kết tội thì sao? Cũng dễ dàng lý giải, bởi họ yêu âm nhạc.