Bài học về tốt – xấu thông qua “Wreck-It Ralph”

minhtri |

Có lẽ bạn sẽ phải tự định nghĩa lại cho mình về cái xấu khi thưởng thức xong bộ phim hoạt hình hấp dẫn này.

Tháng 11 này, những người yêu mến các trò chơi điện tử 8-bit trên hệ máy Famicom sẽ có dịp được ôn lại những kỷ niệm ngày xưa nhờ một món ăn tinh thần tuyệt vời mang tên “Wreck-It Ralph”. Có thể nói rằng, đây là một trong những bộ phim hoạt hình xuất sắc của Walt Disney trong năm 2012.
Ralph là “ông trùm” trong trò chơi điện tử Fix-It Felix. Anh chàng cao gần 3 mét, nặng 300 ký. Trong trò chơi, nhân vật anh hùng Fix-It Felix sẽ cố gắng sửa chữa tòa nhà mà Ralph rắp tâm phá hoại. Trải qua hơn 30 năm dài làm “kẻ ác”, Ralph bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và muốn chứng tỏ mình không hề xấu xa như mọi người vẫn nghĩ.
Bài học về tốt – xấu thông qua “Wreck-It Ralph” 1
Poster chính thức của bộ phim tại Việt Nam

Một bộ phim hay luôn làm cho khán giả có cảm giác mình đang đồng hành cùng các nhân vật và khiến người xem liên hệ được nội dung bộ phim với cuộc sống bên ngoài. Và “Wreck-It Ralph” chính là một bộ phim như vậy. Thông qua nội dung chính của bộ phim và những chi tiết nhỏ như câu khẩu hiệu: “Tôi xấu, và như thế là tốt. Tôi không bao giờ tốt, và như thế không xấu. Tôi luôn là chính tôi!”, “Wreck-It Ralp” như đang mang tới cho người xem một bài học về định nghĩa tốt xấu.
Liệu “người xấu” có luôn xấu xa thực sự? Có những người luôn phải đóng vai trò “người xấu” trong xã hội nhưng có thực sự rằng họ muốn thế? Bộ phim như đem tới một cái nhìn nhân văn về cách ứng xử giữa người với người. Khi đám đông luôn đúng và chỉ cần bạn có sự khác biệt với những người xung quanh, lập tức bạn sẽ bị cô lập và xa lánh.
Bài học về tốt – xấu thông qua “Wreck-It Ralph” 2
Cuộc họp của những nhân vật phản diện trong phim với câu khẩu hiệu đầy ý nghĩa

Cũng như Ralph, không phải cứ có một ngoại hình xù xì thì bạn cũng sẽ là một con người thô ráp. Ralph là một nhân vật phản diện trong một trò chơi điện tử những năm 80 - người luôn tự hỏi sau 30 năm phải đóng vai ác, mình có phải thực sự như vậy không? Do đó, như phần lớn chúng ta, Ralph cố gắng giải quyết vấn đề của mình bằng hành động: anh ta quyết tâm giành được một danh hiệu nào đó. Ralph nghĩ rằng nếu được như vậy, mình sẽ có được sự yêu mến và kính trọng mà mọi người dành cho Felix.
Vậy nên Ralph đã dấn thân vào một cuộc hành trình xuyên qua thế giới game để đạt được danh hiệu đó. Tất nhiên, cuộc hành trình thực sự là để dành cho Ralph - và tất cả những người khác nữa - để nhận ra rằng khi được tạo ra là nhân vật phản diện, nó không có nghĩa là bản chất của anh ta là xấu.
Một bộ phim hoạt hình hay phải đạt được 3 tiêu chí: Nó phải có một cốt truyện hấp dẫn, khó dự đoán để có thể giữ chân khán giả ngồi xem cho đến hết bộ phim; các nhân vật phải thực sự ấn tượng và gắn kết với cốt truyện; và điều cuối cùng là phải làm sao cho câu chuyện và các nhân vật trở nên thật nhất có thể.  Tuy chỉ là những nhân vật trong thế giới trò chơi, nhưng các nhân vật trong “Wreck-It Ralph” giống như những con người thực với những cảm xúc thực sự.
Bài học về tốt – xấu thông qua “Wreck-It Ralph” 3
Bài học về tốt – xấu thông qua “Wreck-It Ralph” 4
Hai nhân vật chính, hai con người đồng cảm và có sợi dây gắn kết với nhau

Trong nhiệm vụ của mình, Ralph đã gặp cô bé Vanellope von Schweetz lạ lùng từ trò chơi đua xe trong thế giới kẹo Sugar Rush - người bạn thực sự đầu tiên của anh. Cũng  như Ralph, Vanellope là một lỗi trong việc lập trình điểm ảnh nên bị toàn cư dân của Sugar Rush xa lánh cũng như đặt biệt danh châm chọc “con nhóc chập chờn”. Chính vì sự tương đồng khi đều bị coi là nhân vật “kẻ xấu” trong trò chơi của chính mình mà hai người đã nhanh chóng có một sự đồng cảm gắn kết với nhau.

Trailer lồng tiếng Việt của bộ phim.
“Wreck-It Ralph” đã thực sự thành công khi đan xen những cuộc phiêu lưu, những tình tiết khó đoán vào với nhau để tạo nên tổng thể câu truyện, nhằm mang tới một bài học cô đọng và xúc tích nhất. Vượt qua những rào cản ban đầu, RalphVanellope đã giành được cảm tình từ những người xung quanh và xoá đi định nghĩa “kẻ xấu” trong trò chơi của bản thân.
Bài học về tốt – xấu thông qua “Wreck-It Ralph” 5
Hoàng Mập lồng tiếng nhân vật Ralph
Bài học về tốt – xấu thông qua “Wreck-It Ralph” 6
Ngọc Diệp sẽ thay lời cho cô bé Vanellope

Đặc biệt, khán giả Việt Nam sẽ có cơ hội thưởng thức bộ phim với phiên bản lồng tiếng Việt qua giọng nói vô cùng hài hước, quyến rũ của những diễn viên tham gia lồng tiếng cho bộ phim là diễn viên Hoàng Mập trong vai anh chàng Ralph, diễn viên Đinh Ngọc Diệp trong vai cô bé Vanellope.
Bộ phim “Wreck-It Ralph” hiện đang được trình chiếu rộng rãi trên toàn quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại