Giải thưởng cho sự tâm huyết với nông sản địa phương

Trường Tiến |

GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy, giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp, Trường Ðại học Cần Thơ vừa vinh dự đạt Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021.

Giải thưởng cho sự tâm huyết với nông sản địa phương - Ảnh 1.

GS Nguyễn Minh Thủy cùng sinh viên trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Cân đối từng phút

Nhiều năm qua, GS.TS Nguyễn Minh Thủy đã vượt qua rào cản định kiến về giới, áp lực để đạt nhiều thành tựu trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đến nay, GS Nguyễn Minh Thủy đã công bố hơn 70 bài báo khoa học trong các tạp chí quốc tế (ISI, SCOPUS) và Kỷ yếu Hội nghị quốc tế, hơn 120 bài báo khoa học trong các tạp chí quốc gia và Kỷ yếu Hội nghị quốc gia. Đồng thời, bà cũng tham gia chia sẻ 74 kết quả nghiên cứu khoa học ở các hội thảo quốc tế và quốc gia.

GS.TS Nguyễn Minh Thủy chia sẻ, là phụ nữ thì càng nhiều thách thức hơn khi phải gánh vác cả trách nhiệm "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà". Thách thức lớn nhất là tính toán thời gian gần như từng phút để cân đối giữa việc chăm sóc thật tốt cho gia đình và toàn tâm toàn lực cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

"Tôi nghĩ rào cản lớn ảnh hưởng đến phụ nữ khi tham gia công tác nghiên cứu khoa học chính là từ những quan niệm xưa cũ của xã hội. Công việc nghiên cứu khoa học thông thường là những hoạt động khó khăn, thử thách và bất kể thời gian. Bên cạnh các công việc chủ yếu hàng ngày, tôi còn tham gia các hoạt động phụ nữ, công tác xã hội và cộng đồng", GS Thủy cho biết.

Bên cạnh sự nỗ lực và đam mê của bản thân, để có thể theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, GS Thủy đã may mắn nhận được sự động viên của gia đình, sự quan tâm, hỗ trợ rất tích cực của nhà trường và khoa.

"Nếu không được sự thông cảm, sẻ chia và ủng hộ từ phía gia đình và cơ quan công tác thì bản thân tôi chắc cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhờ được gia đình và nhà trường quan tâm, hỗ trợ, tôi được sống với đam mê nghiên cứu khoa học và giảng dạy, được góp phần lan tỏa niềm đam mê và yêu thích hoạt động nghiên cứu cho các sinh viên, học viên", GS Thủy tâm sự.

Giải thưởng cho sự tâm huyết với nông sản địa phương - Ảnh 2.

GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy.

Tâm huyết với địa phương

Nghiên cứu của GS Nguyễn Minh Thủy hướng tới các giải pháp, chiến lược nhằm giải quyết lâu dài vấn đề về tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân và ngành nông nghiệp khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... Các biện pháp kỹ thuật mới được áp dụng trong quá trình sản xuất sẽ nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo tính hoàn chỉnh của việc khép kín mô hình sản xuất và phát triển chế biến sản phẩm từ các nguồn nguyên liệu đặc sản sẵn có ở mỗi địa phương.

Có thể kể các công trình tiêu biểu như: Nghiên cứu Phân lập nấm men thuần chủng và ứng dụng vào quá trình lên rượu vang thốt nốt ở Tri Tôn, Tịnh Biên, An Giang; Chế biến đa dạng các sản phẩm từ hành tím trồng ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng; Chế tạo các sản phẩm từ công trình Chế biến sản phẩm từ trái khóm Cầu Đúc, Hậu Giang và nhóm sản phẩm từ trái thanh trà, tỉnh Vĩnh Long… Các đề tài trong vài năm gần đây đã được GS Nguyễn Minh Thủy ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và đã mang lại kết quả đáng khích lệ.

Nổi bật là công trình "Kỹ thuật trích ly các chất màu tự nhiên" vốn có trong các loại rau quả có màu sắc đẹp như hoa đậu biếc, thanh long ruột đỏ, quả dành dành, lá cẩm... bằng các kỹ thuật cao như siêu âm và vi sóng.

Kết quả của các nghiên cứu này là 6 bài báo khoa học được công bố năm 2021 và 2022 ở các tạp chí quốc tế chất lượng cao (SCOPUS Q1 và Q3). Đặc biệt, việc sử dụng các loại rau, hoa quả này để tạo màu cho thực phẩm chế biến đa dạng không chỉ giúp sản phẩm tạo thành trông đẹp và hấp dẫn hơn, mà còn đảm bảo tiêu chí an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

GS.TS Nguyễn Minh Thủy cho biết: "Khi có sự đóng góp của khoa học công nghệ vào các hoạt động tồn trữ bảo quản và chế biến ra các sản phẩm mới cho địa phương, với chất lượng cao và an toàn sẽ góp phần hiệu quả cho quá trình phát triển các sản phẩm nông nghiệp này một cách thiết thực nhất. Qua đó, bảo đảm sự phát triển của các nguồn đặc sản vốn có trong vùng và phát triển các sản phẩm mới mang thương hiệu của địa phương. Tôi mong muốn không còn tình trạng giải cứu nông sản như đã từng xảy ra ở các địa phương".

Truyền lửa cho trò

Nhiều năm qua, là người đồng hành cùng các nhóm sinh viên, GS.TS Nguyễn Minh Thủy đã động viên, hỗ trợ nhiều học trò tự tin trong nghiên cứu ở trường và tham gia các giải thưởng quốc gia.

Phạm Huỳnh Như, sinh viên năm 4 ngành Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: "Từ năm học thứ 2 em đã biết đến GS Thủy với các đề tài nghiên cứu thông qua bài báo và tạp chí khoa học của trường, đặc biệt là phương pháp kỹ thuật trích ly.

Từ đó, em luôn theo dõi và tìm hiểu các nghiên cứu của cô. Cô luôn cởi mở, nhiệt tình và giúp đỡ sinh viên, nên khi vào năm 4 thực hiện luận văn em đã ngỏ lời nhờ cô giúp đỡ. Cô không chỉ dạy cho chúng em kiến thức và lý thuyết, mà còn truyền đạt rất nhiều tâm huyết với nghề. Các anh chị khóa trước từng làm việc với cô đã có hơn 6 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế. Đó là một động lực giúp em cố gắng hơn để tham gia dự án cùng cô".

Theo PGS.TS Lý Nguyễn Bình, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng khoa Nông nghiệp (Trường ĐH Cần Thơ), tính đến thời điểm hiện tại (tháng 4/2022), GS.TS Nguyễn Minh Thủy đã có 38 năm công tác trong ngành Công nghệ thực phẩm. GS Nguyễn Minh Thủy đã nỗ lực thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu gắn với chuyên môn giảng dạy nhằm làm sáng tỏ nội dung giảng dạy lý thuyết cũng như cập nhật các kết quả nghiên cứu vào bài giảng để làm tăng tính sinh động của các môn học.

"Chị cũng đã xuất bản nhiều đầu sách, giáo trình và chuyên khảo trực tiếp phục vụ cho công tác đào tạo của nhà trường; hướng dẫn thành công nhiều luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và đại học cho các sinh viên và học viên người Việt Nam và người nước ngoài. Hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của GS.TS Nguyễn Minh Thủy thực sự là tấm gương tiêu biểu về lòng say mê khoa học, góp phần động viên cho bao thế hệ sinh viên trong con đường học tập và phát triển nghề nghiệp sau này", PGS.TS Lý Nguyễn Bình chia sẻ.

GS Nguyễn Minh Thủy (sinh năm 1961), quê ở xã Long Điền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 31 tuổi, bà được cấp bằng Thạc sĩ ngành Công nghệ sau thu hoạch của Viện Kỹ thuật châu Á (Asian Institute of Technology - AIT), Thái Lan; năm 2007, bà nhận bằng Tiến sĩ ngành Kỹ thuật khoa học sinh học của Trường KU Leuven (Katholieke Universiteit Leuven), Vương quốc Bỉ, được công nhận chức danh Phó Giáo sư ngành Công nghệ thực phẩm năm 2010 và là một trong ba nữ Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại