Giải quyết kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất bằng cách nào?

MINH QUÂN |

Vấn đề kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) không chỉ là do lưu lượng vận tải ra vào sân bay mà còn liên quan đến lưu lượng giao thông rất lớn xuyên qua khu vực sân bay. Trong khi chờ đợi xây dựng sân bay Long Thành và các trục đường trên cao, đường sắt đô thị đã quy hoạch, rất cần có những giải pháp cấp thời, ít tốn kém và hiệu quả cao để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông khu vực này.

Trong đó có các giải pháp đáng chú ý như: thu phí xe ô tô đi qua đường Trường Sơn nhưng không vào sân bay, sử dụng đất quốc phòng để mở tuyến thông đường chia sẻ lưu lượng giao thông xuyên qua khu vực TSN.

Các dự án giải cứu kẹt xe chưa phát huy hiệu quả

Nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ ra vào sân bay TSN rất dễ nhận biết là do "vỡ quy hoạch" vì không dự báo được sự tăng số lượng hành khách.

Theo quy hoạch xây dựng, phải đến 2020, sân bay TSN mới đón được 25 triệu lượt khách - nhưng đến 2016 - lượng khách đã là 32 triệu lượt - tức là vượt quy hoạch của 2020 là 30% - nhưng so với 2017 thì tỷ lệ vượt quy hoạch cao hơn rất nhiều.

Chỉ riêng nguyên nhân này đã đủ tạo ra ùn tắc giao thông ở cửa ngõ sân bay trong những thời điểm nhất định hoặc trong những ngày, những tháng cao điểm du lịch như: nghỉ hè, lễ tết.

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến trục đường Trường Sơn - vừa là độc đạo ra vào sân bay vừa là con đường gần nhất và tiện lợi nhất để các phương tiện từ hướng Thủ Đức, Bình Thạnh đi sang đường Cộng Hòa để về phía Tây thành phố.

Nhìn rộng hơn thì tuyến đường Phạm Văn Đồng - Trường Sơn là một nhánh nối miền Đông với miền Tây Nam bộ.

Do đó, lưu lượng phương tiện rất lớn - trong đó có đến 70% xe hai bánh và 62% xe bốn bánh lưu thông nhưng không phải để ra vào sân bay (nghiên cứu của trường Đại học Quốc tế - thuộc Đại học Quốc gia TPHCM).

Đây là yếu tố rất quan trọng nhưng có lẽ chưa được tính toán kỹ trong quy hoạch giao thông cho sân bay TSN.

Ngoài ra, chỉ có một cửa ra vào sân bay nên số lượng hành khách vượt quy hoạch sẽ tạo ra ùn tắc giao thông ở ngay cửa ra vào sân bay (trên đường Trường Sơn) là không tránh khỏi.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông sân bay TSN, các cơ quan chức năng đã đề xuất 22 dự án nhằm giải quyết tình trạng này. Số lượng dự án nhiều như vậy chứng tỏ giao thông ở khu vực TSN không chỉ mang tính cục bộ mà có liên quan trực tiếp đến nhu cầu giao thông vận tải ở nhiều khu vực khác của thành phố.

Các dự án đó thực chất là các biện pháp cụ thể, mang tính kỹ thuật nhằm giải quyết trực tiếp tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực TSN nhưng sau gần hai năm thực hiện, tình hình hầu như không được cải thiện mà còn có chiều hướng xấu đi.

Điều đó chứng tỏ các giải pháp kỹ thuật đó có thể chưa phát huy hết tác dụng hoặc hiệu quả rất thấp.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc thực hiện 22 dự án giải cứu kẹt xe sân bay TSN sẽ kéo dài vì khó khăn về kinh phí giải phóng mặt bằng nên chưa chốt được thời điểm hoàn thành cụ thể.

Mặc dù vậy, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, sau khi hoàn thành 22 dự án, tình hình sẽ có chuyển biến nhưng không bền vững vì những dự án đó không thay đổi được nguyên nhân ở tầm vĩ mô gây ra quá tải giao thông trên phạm vi toàn thành phố.

“Đó là tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa sức chứa của hạ tầng giao thông với dân số, mật độ và lượng phương tiện.

Cụ thể là: hơn 10 triệu dân, với hơn 7 triệu phương tiện các loại -nhưng tỷ lệ diện tích tự nhiên dành cho giao thông động và tĩnh ở nội đô chưa được 10%, quá thấp so với yêu cầu của đô thị hiện đại phải có trên 20%” – TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.

Giải quyết kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất bằng cách nào? - Ảnh 1.

Kẹt xe, hành khách kéo hành lý chạy bộ vào sân bay Tân Sơn Nhất cho kịp chuyến bay. Ảnh: MINH QUÂN

Đề xuất thu phí xe ô tô mượn đường Trường Sơn

Để giải quyết nạn kẹt xe sân bay TSN, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng cần phải phá thế độc đạo của đường Trường Sơn bằng cách mở thêm cửa ra vào sân bay và tạo thêm đường tránh cho các con đường ở phía Bắc sân bay như Phạm Văn Đồng, Quang Trung, Nguyễn Oanh…

Đáng chú ý, TS Nguyễn Hữu Nguyên mạnh dạn đề xuất nghiên cứu cách hạn chế tạm thời tình trạng mượn đường của các phương tiện bằng giải pháp thu phí tạm thời trong thời gian chờ đợi thực hiện các dự án giải cứu kẹt xe TSN.

Cụ thể là thu phí tất cả những phương tiện xe hơi ở hai đầu đường Trường Sơn, các phương tiện vào sân bay sẽ được hoàn phí khi ra, những đối tượng mượn đường thì phải chịu phí do được đi đường tắt.

“Nếu áp dụng biện pháp này có thể giảm được một số phương tiện vì sẽ có những trường hợp chấp nhận đi đường xa hơn để tiết kiệm chi phí.

Đây chỉ là gợi ý một biện pháp tạm thời nên cần tính toán kỹ hơn các hệ quả có thể nảy sinh, khi các dự án khác phát huy hiệu quả phá thế độc đạo của đường Trường Sơn thì biện pháp này không cần thiết nữa” – TS Nguyễn Hữu Nguyên – nói.

TS Võ Kim Cương – Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, vấn đề mở rộng sân bay, bãi đỗ và cải tạo hệ thống giao thông khu vực sân bay TSN đã được bàn cãi nhiều, đã có nhiều phương án kỹ thuật được thực hiện.

Tuy nhiên vấn đề giao thông khu vực này không chỉ là do lưu lượng vận tải ra vào sân bay mà còn liên quan đến lưu lượng giao thông rất lớn xuyên qua khu vực sân bay.

Trong khi chờ đợi xây dựng sân bay Long Thành và các trục đường trên cao, đường sắt đô thị theo Quy hoạch phát triển GTVT TPHCM, rất cần có những giải pháp cấp thời, ít tốn kém và hiệu quả cao để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông khu vực này.

Đó là giải pháp sử dụng đất quốc phòng để mở tuyến thông đường chia sẻ lưu lượng giao thông xuyên qua khu vực TSN.

Cụ thể, TS Võ Kim Cương đề xuất mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng phía Nam sân bay. Theo TS Võ Kim Cương, việc mở đường song hành với đường Cộng Hòa rất cấp thiết không chỉ để giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực TSN mà còn giúp đảm bảo nhu cầu giao thông đối ngoại giữa thành phố với khu vực Tây Bắc và nối qua Campuchia.

Đường này bắt đầu từ đường Trần Quốc Hoàn, theo đường Phan Thúc Duyện đi tiếp sát tường rào sân bay và nối vào đường Trường Chinh, lộ giới đảm bảo 6 làn xe.

Rẻo đất ngoài tường rào dọc đường Trường Chinh ở đầu sân bay đã được Bộ Quốc phòng giao cho Thành phố.

Có khả năng phải giải tỏa một số hộ dân ở khu vực đất quốc phòng đã dân sự hóa sát tường rào, hoặc có thể phải lấn một phần vào đất sân bay (nếu về kỹ thuật cho phép).

“Nếu được Bộ Quốc phòng đồng ý hoán đổi đất trên toàn tuyến thì đây trở thành giải pháp ổn định lâu dài; đây sẽ là tuyến đường có hiệu quả rất cao đối với sự phát triển của ngành hàng không, của thành phố cũng như an ninh quốc phòng.

Các bên được hưởng lợi từ dự án này sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính cho dự án” – TS Võ Kim Cương nói.

Bên cạnh đó, có thể mượn đường qua doanh trại Quân khu 7. Đường này nối từ giao lộ Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ xuyên qua doanh trại Quân khu 7 nối vào Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng.

Khơi được luồng tuyến này chắc chắn giải tỏa ngay tình trạng ùn tắc trên đường Trường Sơn.

Theo TS Võ Kim Cương, doanh trại Quân khu 7 vốn là trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn cũ. Đất quốc phòng quanh căn cứ quân sự này đã được dân sự hóa làm nhà ở, công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Trong khi đường Phổ Quang nối từ Hoàng Minh Giám qua đường Nguyễn Văn Trỗi rất nhỏ hẹp, ngoằn ngèo, hai bên lại có một số cao ốc, dân cư đông đúc và rất khó mở rộng.

Theo TS Võ Kim Cương, khó khăn lớn nhất của những giải pháp này là không nằm trong tầm tay thành phố. Nếu không được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và quân khu 7 ủng hộ thì không có hy vọng thực hiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại