Đại diện Ủy ban giải thưởng Pulitzer cho biết giải thưởng "tác phẩm đặc biệt" được trao cho Frazier "vì dũng cảm ghi hình vụ sát hạt George Floyd, đoạn video đã thúc đẩy phong trào phản đối sự tàn bạo của cảnh sát khắp thế giới, làm nổi bật vai trò của công dân trong hành trình đi tìm sự thật và công lý của phóng viên".
Frazier 17 tuổi khi ghi lại cảnh George Floyd bị cảnh sát Derek Chauvin bắt giữ tại tại TP Minneapolis vào tháng 5-2020. Frazier đi dạo với người em họ 9 tuổi vào thời điểm George Floyd bị bắt. Trong đoạn video mà Frazier ghi lại, cảnh sát Derek Chauvin dùng đầu gối đè lên cổ của George Floyd trong hơn 9 phút, dù người đàn ông này liên tục nói không thở được. Sau đó George Floyd tử vong. Vụ việc dẫn đến làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng khắp toàn cầu.
Darnella Frazier (thứ ba từ phải sang) được Đại học Columbia trao giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer "vì dũng cảm ghi hình vụ sát hạt George Floyd". Ảnh: AP
Đoạn ghi hình của Frazier trở thành một bằng chứng then chốt tại phiên xét xử cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin, người bị kết tội giết George Floyd hồi tháng 4. Quyết định trao giải cho Frazier nhận được sự tán thưởng của đông đảo dư luận. Liên đoàn tự do dân sự Mỹ nhận định sự dũng cảm của Frazier đã giúp khởi xướng "phong trào tái xây dựng hình ảnh của lực lượng cảnh sát".
Các phóng viên tạp chí Star Tribune của TP Minneapolis cũng được trao giải Pulitzer cho hạng mục tin nóng về cái chết của George Floyd và hậu quả mà vụ việc mang lại.
Nước Mỹ rúng động vì làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc Black Lives Matter sau cái chết của George Floyd. Ảnh: Reuters
Theo nhận định của nhiều phương tiện truyền thông, giải Pulitzer năm 2021 không quá bất ngờ khi vinh danh các tác phẩm báo chí tập trung phản ánh dịch Covid-19, các vụ bạo loạn và vấn đề sắc tộc.
Bà Mindy Marques, đồng chủ tịch ủy ban chấm giải Pulitzer, tuyên bố tại lễ trao giải được phát sóng trực tuyến ngày 11-6: "Trong năm 2020, các tổ chức tin tức Mỹ đã phải đối mặt với những diễn biến phức tạp bao trùm các vấn đề về đại dịch toàn cầu, sự phân biệt sắc tộc và một cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi".
Hãng tin Reuters và báo Minneapolis Star Tribune nhận giải thưởng Pulitzer cho các tuyến bài về bất bình đẳng sắc tộc trong chính sách của Mỹ. Trong khi đó, tờ The New York Times và The Atlantic được trao giải Pulitzer cho các tuyến bài về đại dịch. Hãng AP nhận 2 giải thưởng ở hạng mục Nhiếp ảnh vì đưa tin về các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc cũng như ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch đối với người cao tuổi.
Báo The New York Times thắng ở hạng mục Dịch vụ công vì "dũng cảm, dự báo trước và thông tin rộng rãi về đại dịch, phơi bày sự bất bình đẳng về chủng tộc và kinh tế". Ảnh: RT
Chủ nhân của các giải thưởng văn học không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn. Natalie Diaz chiến thắng hạng mục Thơ với "Bài thơ tình thời hậu thuộc địa". Louise Erdrich là chủ nhân giải Tiểu thuyết với tác phẩm "Người gác đêm", viết về hoàn cảnh của người Mỹ bản địa trong những năm 1950.
Giải Lịch sử thuộc về tác phẩm "Quyền bầu cử: vòm vàng ở nước Mỹ" của Marcia Chatelain. Giải Phi hư cấu thuộc về tác phẩm "Lời nói dối của Wilmington: vụ đảo chính tàn sát năm 1898 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa thượng đẳng da trắng" của David Zucchino.
Giải thưởng Pulitzer do nhà báo Mỹ Joseph Pulitzer thành lập từ năm 1917 và được coi là giải thưởng báo chí danh giá hàng đầu tại Mỹ. Lễ trao giải Pulitzer năm 2021, trị giá 15.000 USD cho mỗi giải, bị hoãn hồi tháng 4 vì dịch Covid-19.